Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Giật mình với kiểu "Thông báo viết tay, lung lay vườn chuối"

18:00 | 29/05/2013

1,416 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Gần 2 tuần liền người Hà Nội xôn xao vì thông tin có kẻ chuyên đi rạch đùi các thiếu nữ bằng dao lam dính máu nhiễm HIV. Rồi tin đồn khiến người dân Quảng Ngãi chuyên nghề trồng chuối điêu đứng. Hiệp hội Sữa Việt Nam cũng từng méo mặt nhờ Bộ Công an vào cuộc sau khi tin đồn về “sữa có đỉa” được tung ra… Muôn kiểu tin đồn thất thiệt đã khiến cả ngành, cả vùng, thậm chí là cả nền kinh tế trong nước bị ảnh hưởng không nhỏ.

Kiến thức mỏng

Bắt đầu từ một thông tin trên mạng xã hội Facebook đề cập tới việc 3 cô gái bị tấn công bằng dao lam tại Hà Nội. Sau khi bị rạch đùi, nạn nhân bị chảy máu và đi xét nghiệm đã bị nhiễm HIV nên phải trình báo công an. Dù thông tin chưa được kiểm chứng nhưng sức lan tỏa chóng mặt trên các trang mạng, trong dư luận nhân dân cũng khiến nhiều người, đặc biệt là các thiếu nữ hoang mang, lo sợ.

Điều đáng nói là sau thông tin ban đầu đó, không ít bạn trẻ cũng lên mạng và kể rằng, mình đã chứng kiến hoặc có người thân bị rạch đùi khiến dư luận càng hoang mang. Một số thanh niên thiện chí thậm chí lập thành nhóm “anh hùng cứu mỹ nhân” để “tuần tra” trên các đoạn đường nhằm tìm ra kẻ rạch đùi thiếu nữ.

Tuy nhiên, khi Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội mở cuộc điều tra thì không hề có trường hợp nào trình báo về việc bị rạch đùi với các cơ quan chức năng. Đáng lưu ý, trước đó ít ngày, tin đồn này cũng đã xuất hiện ở Hải Phòng.

Nhiều cư dân mạng chia sẻ thông tin có tiêu đề: “Các bạn nữ ở Hải Phòng nhớ đề phòng” với nội dung những ngày gần đây có hai thanh niên đi xe máy, đeo khẩu trang, chuyên dùng dao lam dính máu HIV rạch đùi thiếu nữ mặc váy, quần ngắn. Chúng thường ra tay trên đường Lê Hồng Phong (đoạn trước siêu thị Big C), nhà hát thành phố, đường An Đà, đường Trần Nguyên Hãn.

Đối tượng Nguyễn Khánh Thành đã tung tin đồn có kẻ chuyên đi "rạch đùi" thiếu nữ ở Hà Nội

Đại tá Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự khẩn trương tập trung điều tra kẻ tung tin thất thiệt này để xử lý trước pháp luật. Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Đội 14 - PC45) đã làm rõ kẻ tung tin đồn trên là Nguyễn Khánh Thành (SN 1986, trú tại số 60, ngách 51 Linh Quang, Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội). Thành làm quản trị trang mạng truongxua.vn, thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển cộng đồng mở.

Tại Cơ quan công an, Thành khai nhận, khoảng 8 giờ sáng 7/5, đọc trên facebook của mình thấy thông tin có 3 thiếu nữ bị rạch đùi trước cửa Nhà hát Lớn nên… “Em nghĩ Nhà hát Lớn chỉ có ở Hà Nội, người viết đã sai chính tả, nhầm Hà Nội thành Hải Phòng nên em đã sửa lại thành “Hà Nội” hết. Sau đó, em đăng tải thông tin này trên trang facebook trường xưa để cảnh báo các bạn nữ trong nhóm của em” - Thành khai. Đến khoảng 18 giờ ngày 8/5, do nhận được một số phản hồi bác bỏ thông tin trên, Thành đã tự động xóa bài viết trên tại trang facebook mà mình quản lý. Tuy nhiên, thời điểm Thành thao tác xóa, số lượt share (chia sẻ) đã là 300 lượt.

Từ vụ việc này, nhiều người lại nhắc đến bức thư cảnh báo được đăng tải tràn lan trên mạng từ đầu năm nay. Nội dung bức thư đề cập: Cách đây vài tuần, trong một rạp hát, một người cảm thấy có vật gì đó chĩa ra từ ghế của cô ấy. Khi cô ấy đứng dậy để xem đó là vật gì thì thấy một cây kim nhô ra khỏi ghế kèm theo một mảnh giấy ghi là: “Bạn vừa mới nhiễm HIV”. Bức thư khiến nhiều người không biết nên tin hay không nhưng khá hoang mang.

Bà Lã Thị Lan, Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Hà Nội tỏ ra bất ngờ trước thông tin trên và đã lên tiếng khẳng định: “Nội dung bức thư khá nhảm nhí, không có thật” thì tin đồn mới dần được dập tắt.

“Sữa có đỉa” -  sự cạnh tranh độc ác

Từ tin đồn phát hiện đỉa trong hộp sữa của một hãng tại Việt Nam vào cuối tháng 2 do một “cư dân mạng” đăng lên đoạn clip được cho là quay tại trụ sở của công an, ghi lại cảnh một ly sữa có đỉa ngọ nguậy bên trong, người này cho biết đây là loại sữa cháu mình vẫn thường uống và cam đoan 100% về tính xác thực, khiến nhiều người tiêu dùng khiếp hãi.

Hiệp hội Sữa Việt Nam lo lắng trước tình hình này đã gửi công văn đề nghị Bộ Công an chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm kẻ gây tin đồn, bởi điều này đã và sẽ gây ảnh hưởng đến hàng vạn hộ dân nuôi bò và những doanh nghiệp trong ngành. Hiệp hội cũng đề cập tới thông tin xuất hiện ở Vĩnh Phúc từ vài tháng trước đó, cũng đồn rằng sữa Mộc Châu có đỉa, khiến người tiêu dùng hoang mang và doanh nghiệp chủ nhãn sữa này lao đao.

Mặc dù các nhà khoa học cùng cơ quan chức năng đã vào cuộc và khẳng định đỉa không thể phát triển, tồn tại trong sữa, nhưng chỉ một bức ảnh, clip không mấy thuyết phục mà tin đồn “sữa có đỉa” tiếp tục xuất hiện với mức lan truyền cao tại các tỉnh: Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh… Hiệp hội Sữa xác định, có dấu hiệu của một hình thức cạnh tranh không lành mạnh trong việc này.

Đồng thời đưa ra cảnh báo, nếu tin đồn thất thiệt về sữa có đỉa không được ngăn chặn kịp thời, các doanh nghiệp sẽ không thể bán được sản phẩm, hệ quả là người nông dân chăn nuôi bò sữa cũng không thể bán được sữa cho các doanh nghiệp chế biến.

Một lần nữa câu chuyện về sữa nhiễm melamine hồi năm 2009 được nhắc lại, nhất là sự đau xót vẫn như còn nguyên về hình ảnh hàng trăm hộ dân chăn nuôi bò sữa phải đổ sữa đi. Quan trọng hơn, như ông Trịnh Quý Phổ - Tổng thư ký Hiệp hội nêu trong công văn gửi Bộ Công an: “Tin đồn thất thiệt này đang gây nguy hại và phá hoại các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người nông dân”.

Thông báo viết tay lung lay vườn chuối

Trước tết vừa qua, một “bảng thông báo” viết bằng bút mực trên vỏ thùng mì tôm, đặt gần khu vực cảng neo đậu tàu thuyền Tịnh Hòa, có nội dung: “Không ăn chuối lùn, ăn chuối có thuốc, có hại sức khỏe” được coi là đầu nguồn phát sinh những tin đồn khiến giống chuối lùn ở Quảng Ngãi bị “tẩy chay”, hàng trăm hộ trồng chuối điêu đứng.

Giữa mùa thu hoạch, các vựa chuối ở thôn Thọ Lộc Đông (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) vương vãi những buồng chuối chín. Người dân không mua chuối, các hộ dân trồng chuối đành tính cách chặt bỏ hoặc để chuối chín trên cây, làm thức ăn cho bò và gà. Mỗi năm chỉ có một vụ mùa thu hoạch, nhưng khi cả vùng chuẩn bị đến ngày bán chuối thì tin đồn ập tới, ngay cả các tiểu thương cũng không buôn bán chuối lùn.

Người dân Quảng Ngãi tần ngần giữa những vựa chuối không nguồn thu mua

Theo giá cả thị trường, mỗi buồng chuối có giá khoảng 70.000 đồng, mỗi sào có khoảng 120 buồng chuối, như vậy trị giá mỗi sào chuối ước khoảng 8,4 triệu đồng. So với thiệt hại của 50ha chuối toàn xã Tịnh Hà (Quảng Ngãi), giá trị thiệt hại là không nhỏ.

Ông Trần Văn Thạch - Phó chủ tịch UBND xã Tịnh Hà kể: “Sự việc trở nên phức tạp, không ai dám mua chuối lùn về ăn, kể cả các đầu nậu ở xa cũng không về thu mua ở địa phương. Tin đồn này có khả năng xuất phát từ các thương lái, hoặc hộ dân cùng trồng chuối và trái cây ăn quả, nhằm hạ uy tín của loại chuối lùn trước dịp tết”.

Những người dân Quảng Ngãi ngậm ngùi, đắng đót bởi những tin đồn thất thiệt. Vì chỉ vừa trước đó không lâu, nhiều hộ dân ở Quảng Ngãi và cả ở Quảng Nam đã bán trâu bò, thậm chí bán vàng để tiêu xài vì tin đồn “sắp đến ngày tận thế”. Từ giữa tháng 12/2012, ở khu vực cảng cá Sa Kỳ, xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi), nhiều người đã bàn tán râm ran về ngày tận thế.

Tâm lý chung là ai cũng lo ngày 21/12 sẽ chết hết cả, nên nhiều người rủ nhau bán heo, gà, bò và vàng để lấy tiền tiêu xài, hưởng thụ. Có người ở xã Tịnh Hòa, huyện Sơn Tịnh, mang 10 cây vàng đến bán cho một tiệm ở chợ rồi mua nhiều thịt, gạo, mì gói, nến, dầu hỏa... để ăn uống chờ… đến “ngày tận thế”.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết, do lo sợ ngày “tận thế”, nhiều người đã mua mì tôm, lương thực dự trữ. Chính quyền địa phương đã cử cán bộ đến các thôn tuyên truyền, giải thích tin đồn vô căn cứ này nhưng người dân vẫn bán tín bán nghi.

Tại xã Đức Lợi (Mộ Đức, Quảng Ngãi), ông Lê Thanh Phách, Chủ tịch UBND xã Đức Lợi cũng xác định ngay rằng, có thể một số kẻ xấu tung tin nhằm trục lợi trong việc mua lại heo, bò của người dân với giá rẻ. Công an tỉnh Quảng Ngãi đã vào cuộc điều tra, xác minh các “đầu mối” tung tin gây hoang mang cho người dân.

Lãnh đạo Công an Quảng Ngãi khuyến cáo người dân không nên tin vào những lời đồn thổi của kẻ xấu khiến thiệt hại tài sản, đồng thời cảnh báo: “Chúng tôi sẽ bắt giữ và xử phạt nếu phát hiện trường hợp nào tung tin đồn ác ý, lợi dụng lòng tin của người dân để trục lợi”. Đến lúc này tin “tận thế” mới dần lắng xuống.

Thiệt hàng trăm tỉ đồng vì “tin vịt”

Những tin đồn thất thiệt về việc lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bị bắt giữ được tung ra hồi tháng 2 vừa qua đã gây tâm lý hoang mang, làm xáo trộn trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng đã biến động mạnh.

Ngân hàng Nhà nước đã phải phát ngay thông tin về điều hành tỷ giá và khẳng định sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường ngoại tệ. Và trấn an dư luận: “Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Công an để làm rõ nguồn gốc tin đồn, có biện pháp xử lý thích hợp và phối hợp với các bộ, ngành, UBND xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh trái phép trên thị trường ngoại tệ tự do. Người dân và doanh nghiệp cần thận trọng và tỉnh táo trước các tin đồn thất thiệt để tránh những thiệt hại không đáng có”. 

Theo nhận định của Tổng cục An ninh II, Bộ Công An, đối tượng tung tin bịa đặt có thể không chỉ nhằm mục đích trục lợi mà còn nhằm mục đích phá hoại thị trường tài chính ngân hàng. Trong khi tin đồn được tung ra, ban lãnh đạo Ngân hàng BIDV còn đang họp triển khai kế hoạch kinh doanh, dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà. Tin đồn này đã ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu BIDV và kết quả giao dịch của thị trường chứng khoán, thị trường tài chính Việt Nam.

Ngày 22/2, sau khi xuất hiện tin đồn trên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã có Công văn hỏa tốc đề nghị các sở giao dịch chứng khoán (GDCK) phối hợp với Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) rà soát toàn bộ các giao dịch, đặc biệt trong phiên ngày 21/2/2013, tức là khi tin vịt kia được tung ra.

Trong phiên giao dịch ngày 21/2, chỉ số VN-Index giảm với biên độ lớn nhất (mất 18 điểm), mạnh nhất trong nửa năm và chỉ kém phiên giảm hơn 20 điểm lịch sử khi có tin ông Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó chủ tịch Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) bị bắt. Theo nhận định của đại diện các công ty chứng khoán, thị trường chao đảo, áp lực bán tháo lớn trong ngày 21/2 là do ảnh hưởng của tin ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Ngân hàng BIDV cùng Phó tổng giám đốc và một giám đốc chi nhánh của BIDV bị bắt.

Ông Trần Bắc Hà đã chia sẻ với báo giới ngay trong ngày hôm đó: “Buổi sáng thì có tin đồn một quan chức bị bắt, sau đó là giám đốc ngân hàng, rồi một Phó tổng của BIDV và cuối cùng đồn đến chính tôi. Đây là thông tin thất thiệt, có thể do một nhóm đầu cơ nào đó tung ra để trục lợi”. Ông Hà ước đoán: “Kẻ tung tin đồn nói trên có lẽ đã kiếm được ít nhất 500-700 tỉ đồng từ các thị trường chứng khoán, vàng và tỷ giá vốn diễn biến khá bất thường trong 3 ngày biến động”.

Không chỉ là “tung tin”, mà còn là phạm pháp

Thực tế cho thấy, hiện nay, với mục đích “câu like”, các chủ fangage cũng hưởng ứng phong trào “tung tin vịt” với để loại mánh lới, chiêu trò. Trong số đó có mánh “khai quật” lại câu chuyện từng được một trang web chuyên phân tích các tin đồn ở Australia xác nhận là “tin vịt” từ năm 1997. Đó là câu chuyện về cô gái ở Trung Quốc bị ăn cắp hai quả thận sau một cuộc vui ở quán bar để cảnh báo về sự tràn lan của tệ nạn ăn cắp nội tạng con người.

Cộng đồng mạng cũng không hề xác minh lại thông tin mà share nhiều lượt với mục đích cảnh báo để giúp được cho mọi người cùng tránh tai ương. Hay như chuyện tin đồn con trai của lãnh đạo Công an TP bị bắn chết, con gái của quan chức Chính phủ bị bắt cóc khi đang phê thuốc… cũng được “dựng đứng” lên với những “câu chuyện kể như thật” của những người trẻ tuổi tham gia các trang mạng xã hội.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM: “Việc tung tin đồn thất thiệt dù là trên môi trường mạng thông tin máy tính thì vẫn có thể nói là hành vi vi phạm pháp luật. Do nội dung đa dạng của các loại tin đồn, cùng với tính chất, ý chí chủ quan, mức độ, hậu quả khác nhau mà việc xử lý cụ thể cũng khác nhau”.

Người tung tin đồn có thể bị buộc phải bồi thường thiệt hại dân sự, do xâm phạm các quyền dân sự, hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính nếu xâm phạm đến các quan hệ xã hội được pháp luật hành chính điều chỉnh, hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Việc tung tin đồn có thể gây thiệt hại đến danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc tài sản của một tổ chức, cá nhân cụ thể và tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu người tung tin đồn thất thiệt phải xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại do tin đồn gây ra theo quy định tại Điều 25 và Điều 604 của Bộ luật Dân sự 2005. Trường hợp chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử phạt vi phạm hành chính dưới hình thức phạt tiền 1.000.000-2.000.000 đồng.

Đối với việc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào tính chất, mức độ mà người tung tin đồn có thể bị xử lý.

Thế nhưng, theo một số chuyên gia ngành tư pháp, việc xử lý người tung tin đồn thất thiệt không khó bằng việc tìm cho được người thực sự đã tung tin đồn đó. Bởi vậy, rất cần có một quy định chung về xử lý hình sự hay xử phạt hành chính đối với các hành vi tung tin đồn thất thiệt, để có những điều khoản nêu rõ lĩnh vực cụ thể làm căn cứ xử lý vi phạm.

Và điều khiến các chuyên gia nghiên cứu xã hội học nhận định là “Tin đồn thất thiệt sẽ không có nhiều “đất sống” nếu trình độ dân trí được nâng lên cao hơn. Dư luận xã hội cũng cần tỉnh táo để phân tích kỹ hơn trước mỗi thông tin có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cá nhân và đến toàn xã hội”.

Bảo Vy