Gian nan cuộc chiến bảo vệ thương hiệu
Doanh nghiệp “bó tay” với hàng giả!
Thực tế cho thấy, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đang diễn ra phổ biến, đặc biệt với các nhãn hàng uy tín, được ưa chuộng trên thị trường. Mặc dù, DN đã đăng ký SHTT nhãn hiệu sản phẩm nhưng họ vẫn bị xâm phạm quyền SHTT một cách công khai. Do đó, một câu hỏi được đặt ra là DN đã thực sự được bảo vệ quyền SHTT trên lãnh thổ Việt Nam hay chưa? Các cơ quan chức năng đã làm được gì để bảo vệ các DN đăng ký quyền SHTT.
Các DN đánh giá, chúng ta có hệ thống pháp luật về SHTT tương đối hoàn chỉnh nhưng việc thực thi còn rất yếu kém, khiến DN mất lòng tin vào việc được bảo vệ quyền SHTT theo pháp luật và cho rằng, quyền SHTT ở nước ta chỉ nằm trên “giấy”, chứ không có ý nghĩa thực tiễn.
Máy tính Casio giả chuẩn bị được tiêu hủy
Ông Ngô Đức Hòa - Chủ tịch HĐQT Công ty CP may Quốc tế Thắng Lợi bày tỏ: Hiện nay, nhiều sản phẩm của công ty đang bị giả, nhái. Nếu sản phẩm thật có giá bán 800 ngàn đồng/sản phẩm thì hàng giả ngoài thị trường chỉ bán bằng nửa giá. Về chất liệu chắc chắn có khác nhưng về mẫu mã, hoa văn thì bị nhái như đúc sản phẩm của Thắng Lợi, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và uy tín của công ty. Thậm chí những người làm hàng giả còn công khai mở cả cửa hàng bán sản phẩm nhái đề tên Thắng Lợi. Trước thực trạng này, công ty đã liên hệ với một số DN dệt may khác cũng bị giả nhãn hiệu như Thắng Lợi để tìm hiểu kinh nghiệm giải quyết nhưng hầu hết các DN đều cho biết không làm được gì, có kiện tụng thì cũng chỉ tốn kém thêm chứ chẳng đi đến đâu!
Trước cả Thắng Lợi, nhãn hiệu may Việt Tiến nhiều năm nay cũng bị giả một cách công khai cả về sản phẩm và cửa hàng phân phối. Sau mấy năm trời nỗ lực “chiến đấu” chống lại hàng giả, tìm đến các đơn vị tư vấn, cơ quan chức năng… nhưng đến nay vẫn bị “nghẽn” chưa giải quyết được. Các cửa hàng bán hàng giả vẫn công khai hoạt động mà DN chỉ biết “bó tay” đứng nhìn.
Ông Ngô Đức Hòa cho rằng: Việc giúp DN đăng ký về quyền SHTT thì Bộ Khoa học và Công nghệ làm rất tốt nhưng hiện nay các đơn vị thực thi bảo hộ quyền của DN chưa làm đến nơi đến chốn, tình trạng hàng gian, hàng giả tràn lan đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN mà ít thấy sự can thiệp nào từ cơ quan chức năng.
Đồng quan điểm trên, một đại diện từ Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho rằng: Hiện nay, khi bị xâm phạm về quyền SHTT, DN phải tự cứu mình trước bằng cách gửi công văn, đàm phán, thương lượng, thậm chí thỏa hiệp với đối tượng làm hàng giả để ngăn chặn tình trạng đó. Còn nếu kiện ra tòa, thời gian kéo dài mà “được vạ thì má cũng sưng” nên DN rất ngại đi theo con đường tố tụng.
Còn giải thích về việc tại sao lại xảy ra nghịch lý là khi quản lý thị trường hoặc hải quan phát hiện hàng giả và yêu cầu DN bị sản xuất hàng giả phối hợp xử lý thì rất nhiều DN từ chối, bà Ngô Thị Báu - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH SX - TM Nguyên Tâm (chủ nhãn hàng thời trang Foci) cho biết: Không phải DN không quan tâm đến bảo vệ nhãn hiệu của mình vì thực tế DN ý thức rất rõ tầm quan trọng của nhãn hiệu nên mới đi đăng ký bảo vệ. DN “ngại” phối hợp với cơ quan thực thi bởi sau nhiều lần theo đuổi xử lý các vụ hàng giả, DN nhận thấy sự mệt mỏi về tinh thần và tốn kém tiền bạc nhiều hơn là được kết quả thu được. Chẳng hạn như phải làm nhiều đơn từ, xác nhận rất rườm rà, còn bị các cơ quan ban ngành vào công ty kiểm tra nhiều thứ như chính mình là đơn vị làm hàng giả. Còn nếu sử dụng tư vấn thì chi phí rất cao nhưng chưa biết có được việc hay không. Do đó, hiện nay đa số DN chọn cách tự bảo vệ hoặc đành chấp nhận phương án sống chung với hàng giả.
Bảo vệ thương hiệu ở nước ngoài
Không riêng gì các vấn đề về SHTT ở trong nước, việc các thương hiệu của nước ta bị đánh cắp ở nước ngoài cũng đang trở thành mối lo ngại của DN. Thực tế, nhiều nhãn hiệu nổi tiếng của nước ta như: Vinamit, Vinataba, võng xếp Duy lợi… đã từng bị người khác chiếm đoạt, khai thác trái phép ở nước ngoài mà việc đòi lại quyền lợi gây tốn kém rất nhiều công sức và tiền của.
Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vinamit kể lại: Năm 2007, thương hiệu Vinamit bị mất ở thị trường Trung Quốc vì công ty có xuất hàng sang Trung Quốc nhưng không đăng ký nhãn hiệu ở nước này nên đã bị chính một khách hàng của mình đăng ký nhãn hiệu trước; do đó từ một đơn vị làm ăn chân chính Vinamit bị chính đơn vị làm giả hàng của mình “vu” cho tội “ăn cắp” nhãn hiệu. Việc này nguy hiểm đến mức, toàn bộ hàng hóa mang nhãn hiệu Vinamit ở hệ thống siêu thị của Trung Quốc bị “xuống kệ” vì không hợp pháp và lãnh đạo công ty còn đối diện với nguy cơ bị án tù 5 năm vì tội sản xuất hàng giả.
Trước tình hình này, công ty buộc phải vào cuộc chiến đấu để chứng minh nhãn hiệu của mình bị đánh cắp. Sau 3 năm đấu tranh, đến năm 2010, công ty mới phát hiện ra chủ DN làm giả nhãn hiệu của mình chính là một khách hàng từng mua sản phẩm Vinamit. Từ đó, Vinamit mới có cơ sở lật ngược lại được vấn đề và lấy lại được thương hiệu của mình ở thị trường Trung Quốc.
Tuy mất nhiều công sức, tiền của nhưng không phải DN nào cũng may mắn như Vinamit “thắng” trong cuộc chiến giành lại thương hiệu. Tình hình tài chính hạn hẹp, quy mô phần lớn là nhỏ và rất nhỏ của các DN nước ta là hạn chế lớn trong khai thác cơ chế bảo hộ SHTT tại các nước khác. Khi xảy ra tranh chấp, xâm phạm quyền SHTT của DN nước ta tại nước ngoài, thì đa số các DN không đủ sức theo đổi các vụ kiện tụng để bảo vệ quyền lợi của mình vì thủ tục tư pháp phức tạp, chi phí thuê luật sư cao.
Các vi phạm SHTT ngày càng phổ biến nhưng thực tế hiện nay, DN chưa nhận thức được tầm quan trọng của đăng ký bảo hộ quyền SHTT ở nước ngoài, số lượng đăng ký SHTT của nước ta ra nước ngoài được đánh giá là không đáng kể. Điều này, gây bất lợi không nhỏ cho DN khi muốn mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhận định: Mặc dù còn nhiều khó khăn, bất cập trong bảo vệ quyền SHTT ở trong và ngoài nước nhưng môi trường pháp lý với cơ chế bảo hộ SHTT đang đặt mọi DN vào ràng buộc và có thể sẽ bị rơi vào các vụ kiện tụng, tranh chấp với những DN khác. Do đó, dù muốn hay không DN cũng cần nâng cao nhận thức và đẩy mạnh việc xác lập sở hữu công nghiệp để bảo vệ thành quả sáng tạo của mình trong và ngoài nước. Khó khăn và tiêu cực chỉ là tạm thời, trước mắt, Bộ Khoa học và Công nghệ đang cùng với các bộ, ngành nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để giúp DN có thể được bảo hộ đầy đủ quyền SHTT của mình cũng như sử dụng quyền SHTT như một công cụ để thúc đẩy kinh doanh trong và ngoài nước.
Mai Phương
-
Hà Nội: 150 sản phẩm được bình chọn là “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”
-
Giá vàng hôm nay (25/11): Thị trường thế giới tăng trở lại
-
Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 23,28 tỷ USD
-
Giá vàng hôm nay (20/11): Thị trường thế giới tăng mạnh
-
Áp thuế suất GTGT 5%, giá phân bón có dư địa giảm