Định vị thương hiệu doanh nghiệp Việt trên truyền thông toàn cầu
Vừa qua, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM phối hợp tổ chức Toạ đàm “Định vị thương hiệu doanh nghiệp Việt trên truyền thông toàn cầu”.
Các diễn giả chia sẻ tại toạ đàm |
Toạ đàm với sự tham dự của các diễn giả trong và ngoài nước đã mở ra hướng hợp tác, liên kết, nghiên cứu, phát triển mới giữa Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài với các cơ quan chức năng, cùng các cơ quan học thuật của Việt Nam và quốc tế. Phạm vi không chỉ trong vấn đề xây dựng, định vị thương hiệu cho doanh nghiệp Việt kiều, mà cao hơn cả, đó là việc góp phần cùng các cơ quan ban ngành của Việt Nam trong việc định vị thương hiệu quốc gia dân tộc trên truyền thông toàn cầu.
Chia sẻ tại toạ đàm, TS Nguyễn Công Dũng - Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp vừa phải xây dựng thương hiệu của mình vừa phải định vị và khẳng định thương hiệu đó. Để xây dựng được thương hiệu, trước tiên doanh nghiệp cần phải kiên định với đạo đức kinh doanh; có trách nhiệm với sản phẩm và khẳng định được thương hiệu và làm thương hiệu. Cùng với đó, cần ứng dụng công nghệ, đổi mới sản phẩm để đáp ứng nhu cầu; quảng bá hình ảnh để mọi người biết đến mình; có sự phối hợp giữa doanh nghiệp, các tổ chức doanh nghiệp với chính quyền địa phương để có các hoạt động quảng bá sản phẩm…
“Hiện nay công nghệ phát triển, xu hướng điện tử đã đưa các sản phẩm của doanh nghiệp đến với người dân trong và ngoài nước. Tuy nhiên đưa các sản phẩm ra nước ngoài còn nhiều khó khăn. Tôi cho rằng các doanh nghiệp cần đẩy mạnh truyền thông thương hiệu rộng lớn hơn trên các phương tiện thông tin truyền thông. Hiệp hội Doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài là cầu nối giữa doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài với doanh nghiệp trong nước; đồng thời gắn kết cộng đồng doanh nghiệp với các địa phương, đơn vị trong và ngoài nước…”, TS Nguyễn Công Dũng cho hay.
TS. Nguyễn Thanh Mỹ cho biết báo chí trong nước rất hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phát triển thương hiệu. |
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ phát triển thương hiệu doanh nghiệp, TS. Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch HĐQT Công ty RYNAN Holdings JSC, Chủ tịch HĐQT MyLan Group cho biết, doanh nghiệp muốn truyền thông hiệu quả, trước tiên cần có sản phẩm tốt, chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.
Theo TS Nguyễn Thanh Mỹ, môi trường báo chí, truyền thông của Việt Nam khá thiện chí trong việc hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu của mình. Nếu doanh nghiệp biết nắm bắt có thể sử dụng kênh truyền thông trong nước để quảng bá thương hiệu ra nước ngoài. Tuy vậy, việc quan trọng trước tiên doanh nghiệp cần phải làm, đó là có sản phẩm tốt, chất lượng cao, mô hình kinh doanh đúng và biết cách truyền thông hiệu quả. Ngoài ra, với yêu cầu, đòi hỏi cao của người tiêu dùng, doanh nghiệp cần phải làm khác, bắt kịp với xu thế…
Đồng quan điểm, ông Ngô Sỹ Tuyên - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Malaysia, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn KOVA (Malaysia) cho biết, quan trọng vẫn là phải xây dựng và khẳng định thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm, bằng uy tín doanh nghiệp. Bằng việc luôn nghiên cứu phát triển công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, đến nay, công ty đã hoàn thiện sơn nano được thế giới công nhận. Khi đã khẳng định được chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp mới có thể thúc đẩy vấn đề truyền thông. Bối cảnh báo chí truyền thông phát triển mạnh như hiện nay đã tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc đưa thương hiệu, sản phẩm của mình ra quốc tế một cách nhanh chóng.
TS. Phan Văn Kiền - Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ tại tọa đàm. |
TS. Phan Văn Kiền cho biết, định vị thương hiệu là câu chuyện sống còn của doanh nghiệp hiện nay trong bối cảnh toàn cầu hóa. Định vị thương hiệu là một quá trình cần được đặt ra ngay từ giai đoạn đầu và được thực hiện liên tục trong các chặng đường phát triển của doanh nghiệp. Trong không gian số ngày nay, khách hàng không chỉ giới hạn ở một khu vực địa lý mà ở toàn thế giới, đặt ra cho doanh nghiệp bài toán về cách tiếp cận thị trường và phát triển thương hiệu.
Chia sẻ về giải pháp và chiến lược định vị thương hiệu doanh nghiệp Việt trên truyền thông toàn cầu, TS Wolfgang Renner - Giám đốc Trung tâm khoa học truyền thông, xã hội thành phố Vienna, nguyên Viện trưởng Viện hàn lâm Wiener Zeitung, Cộng hoà Áo cho rằng: Có nhiều thách thức lớn trên toàn cầu, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có định vị tư duy quốc tế. Để thành công trước những thách thức như hiện nay, đòi hỏi những cuộc thảo luận trên một cấp độ xã hội rộng lớn. Theo ông, hiện những doanh nghiệp, doanh nhân ở châu Âu đang làm và đạt hiệu quả trong thời điểm thế giới gặp nhiều vấn đề khó khăn, đó là chuyển đổi song song. Có hai thứ cùng phải làm đó là chuyển đổi số, đồng thời là chiến lược về bền vững, trong đó mục tiêu gắn liền là bảo vệ môi trường đi liền với đảm bảo tài chính.
TS Wolfgang Renner khẳng định: Tầm nhìn, sứ mệnh và chất lượng là những yếu tố quan trọng và cốt lõi tạo nên thành công.
Chia sẻ tại tọa đàm, các diễn giả cho rằng hiện nay câu chuyện định vị thương hiệu càng trở nên quan trọng; doanh nghiệp muốn phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ cần có chiến lược và sự sáng tạo, đột phá trong tư duy, cách làm, nhưng cũng cần có sự hỗ trợ của Chính phủ.
N.H