Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Giải mã bí quyết làm giàu của "Vua dầu mỏ" Rockefeller

16:01 | 19/11/2022

29,959 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nếu điều chỉnh theo tỉ lệ trượt giá, tài sản mà tỉ phú huyền thoại John Davison Rockefeller tích cóp được là nhiều nhất mọi thời.

Nếu điều chỉnh theo tỉ lệ trượt giá, tài sản mà tỉ phú huyền thoại John Davison Rockefeller tích cóp được là nhiều nhất mọi thời. Trước và sau ông vẫn không có người nào trên thế giới giàu bằng ông! Cho đến khi mất năm 1937, giá trị tài sản của trùm dầu hỏa Rockefeller là 1,4 tỉ USD trong khi GDP Mỹ thời điểm đó là 92 tỉ USD (tức bằng 1/65 GDP quốc gia; so với 1/152 GDP của Bill Gates vào thời điểm hoàng kim năm 2006). Điều đáng nói là Rockefeller đã tạo dựng sự nghiệp từ tay trắng. Vậy gương mặt huyền thoại này làm giàu như thế nào?

Khi còn trẻ, John Davison Rockefeller kể rằng ông có hai tham vọng: kiếm được 100.000USD và sống đến 100 tuổi. Ông chết ngày 23-5-1937, chỉ 26 tháng trước sinh nhật lần thứ 100; và giá trị tài sản mà ông sở hữu là 1,4 tỉ USD. Sinh ngày 8-7-1839 tại Richford (gần Oswego, New York), Rockefeller trưởng thành trong gia đình nền nếp, nguyên tắc và kỷ luật; với đức tính cần kiệm là chuẩn sống luôn được nhắc nhở và đề cao.

John Davison Rockefeller năm 18 tuổi

Dòng họ Rockefeller không là dân Mỹ gốc. Thoạt đầu họ là những người thuộc dòng tộc Rochefeuille hoặc Rocquefeuille – theo các nhà phả hệ học – đến Mỹ năm 1720 từ vùng gần Coblenz bên bờ sông Rhine, sau khi từ bỏ làng quê tại tỉnh Languedoc (Nam nước Pháp). Bố Rockefeller là ông William, kiếm sống bằng nghề “lang vườn”, thỉnh thoảng buôn bán lặt vặt; và mẹ ông là Eliza Davison, chỉ là người nội trợ bình thường. Tuy nhiên, chính những người “ít ăn, ít học” đôi khi lại là những người biết cách dạy con tốt nhất.

Sau này, Rockefeller kể rằng, mình học những bài vỡ lòng về kinh doanh và thương trường từ bố ngay khi vừa biết nói và biết đi; và học được cách sống cần kiệm từ bà mẹ giỏi vun vén, người sẵn sàng dùng “cán chổi” để bắt con cái phải biết làm việc siêng năng, biết sống chia sẻ, và “biết làm người”. Tất cả trải nghiệm đầu đời về kinh doanh đã được kể trong quyển Random Reminiscences of Men and Events (Những tản mạn về người và việc), quyển sách duy nhất mà Rockefeller viết và ấn hành.

“Năm tôi 7 hoặc 8 tuổi gì đó” – Rockefeller kể: “Tôi bắt đầu những “thương vụ” đầu tiên với sự giúp đỡ của mẹ. Tôi có vài con gà tây được mẹ giúp nuôi. Tôi chăm sóc chúng rồi bán. Tiền thu được chẳng tiêu gì cả và tôi giữ lại rất cẩn thận”. Chuyện kể thêm rằng, chẳng phải tự nhiên Rockefeller được mẹ cho không đàn gà. Có lần, chúng đi lạc mất vài ngày và mẹ hứa với Rockefeller rằng cậu sẽ được “toàn quyền sở hữu” chúng nếu chịu khó bỏ công tìm lại được…

Đóng góp từ thiện hào phóng vào những năm sau này khi đã trở thành người giàu nhất thế giới của Rockefeller cũng bắt đầu từ văn hóa giáo dục gia đình. Từ thuở thiếu thời, Rockefeller đã quen và thuộc nằm lòng những bài “nhật tụng” của bố mẹ về đạo đức và tinh thần hiếu học. Không chỉ nói suông, họ còn thực hành bằng cách dạy bọn trẻ làm những món quà nho nhỏ cho nhà thờ để tặng người nghèo.

Dưới sự hướng dẫn của bố, cậu bé Rockefeller còn lập cả những quyển sổ ghi chép lại cẩn thận từng đồng được cho, cũng như từng xu cậu tiêu xài. Một trong những quyển như vậy còn được giữ lại, Ledger A (Tập sổ cái A), cho thấy Rockefeller đã tẩn mẩn ghi lại mọi khoản chi tiêu, trong đó có nhiều phần được ghi chú là “làm từ thiện”.

Tìm được quyển tập nhỏ vào 25 năm sau trong đống giấy tờ cũ, Rockefeller nhớ lại cách sống cần kiệm thời ấu thơ, như những hồi ức đẹp đẽ về nền tảng giá trị giáo dục gia đình. Ledger A cho thấy cậu trai nhỏ Rockefeller đã tặng 1 xu cho lớp giáo lý vào mỗi Chủ nhật; và trong một tháng, có những đoạn ghi việc tặng 10 xu cho các giáo đoàn nước ngoài; 50 xu cho giáo đoàn Mite Society; 12 xu cho giáo đoàn Five Points tại New York; 35 xu cho thầy dạy giáo lý; 10 xu cho người nghèo trong giáo xứ…

Kể lại trong Random Reminiscences of Men and Events, Rockefeller cho biết: “Chúng tôi luôn được khuyến khích phải sống tự lập”. Rockefeller bắt đầu khám phá bí quyết việc kiếm tiền năm 14 tuổi. Tiết kiệm được 50USD từ việc bán gà tây và từ tiền công được trả cho những việc lặt vặt mà các bà hàng xóm thuê (chẳng hạn đào khoai tây với tiền công 1,12USD trong 3 ngày), Rockefeller bắt đầu cho vay với “lãi suất” 7%…!

Khởi nghiệp

Năm 1853, gia đình Rockefeller dọn đến một nông trại gần Cleveland (bang Ohio). Thời điểm đó, gia đình còn “hoàn cảnh” đến mức dù bố ao ước cho Rockefeller vào đại học nhưng vẫn không thể. Tuy nhiên, Rockefeller không chịu an phận với viễn cảnh mịt mù trở thành anh nông dân quanh năm chỉ biết đàn gà hay đụn cỏ. Bỏ ngang trung học, cậu theo học khóa kế toán sơ cấp ngắn hạn từ một trường đại học cộng đồng. Năm 15 tuổi, Rockefeller làm việc cho một nhà thờ. Lúc đó, nhà thờ đang trong giai đoạn khủng hoảng tài chính. Thế là Rockefeller phải đứng trước cổng xin tiền giáo dân mỗi sáng Chủ nhật để gây quỹ giúp nhà thờ trả nợ.

Ngày 26/9/1855, ở tuổi 16, sau nhiều ngày lặn lội xin việc từ sáng sớm đến chạng vạng, ở thời điểm nước Mỹ trong tình trạng kinh tế khó khăn, Rockefeller lần đầu tiên được nhận làm việc. Đó là thời khắc bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời Rockefeller (sau này, khi đã có trong tay tiền muôn bạc vạn, ông kỷ niệm ngày 26-9 hàng năm bằng các buổi tiệc hoành tráng hơn cả tiệc sinh nhật mình). Công ty nhận Rockefeller vào làm là hãng buôn Hewitt & Tuttle tại Cleveland. Thoạt đầu, Rockefeller làm thư ký bàn giấy kiêm trợ lý kế toán. Mãi cho đến ngày 1/1/1856, Rockefeller mới được trả lương.

Gia đình Rockefeller

Cuốn sổ Ledger A cho biết Rockefeller được trả 50USD cho hơn ba tháng làm việc và ông phải chi cho tiền thuê nhà, tiền giặt ủi, cũng như “25 xu cho một ông cụ nghèo” và “50 xu cho một bà cơ nhỡ”. Ledger A cho biết thêm, từ 24-11-1855 đến tháng 4 năm sau, Rockefeller chi 9USD cho quần áo và làm từ thiện 5,58USD. Cặm cụi làm cho Hewitt & Tuttle, cuối cùng Rockefeller bắt đầu “lên chức” kế toán chính thức, được trả 500USD/năm; rồi 700USD sau một năm nữa. Đòi 800USD nhưng bị từ chối, Rockefeller quyết định nghỉ việc.

Học được các thủ thuật điều hành cũng như những ngóc ngách làm ăn trong vài năm làm cho Hewitt & Tuttle, năm 1858, ở tuổi 19, Rockefeller bắt đầu lập doanh nghiệp riêng, với phần hùn của Maurice B. Clark (mỗi người góp vốn 2.000USD). Rockefeller chỉ có 1.000USD và phải vay phần còn lại từ bố với mức lãi 10%. Công ty Clark & Rockefeller ra đời và thành công gần như ngay từ vạch xuất phát. Rockefeller tiếp tục mở rộng doanh nghiệp bằng cách vay khắp nơi.

Sự nổi tiếng về tinh thần tiết kiệm cũng như tư duy chia sẻ cộng đồng đã giúp ông tạo được niềm tin từ các ngân hàng. Rockefeller tổ chức điều hành doanh nghiệp cực kỳ hiệu quả, bén nhạy trong cạnh tranh và tinh quái trong giao dịch. Tuy nhiên, ông vẫn sống cần kiệm và đơn giản. Gần như tất cả đồng lời nào có cũng được tích cóp và sử dụng cho mục đích tái đầu tư.

Vì thế, Rockefeller gần như có đủ vũ khí cần thiết để nắm bắt cơ hội và đánh những trận quyết liệt vào công nghiệp dầu, khi dầu hỏa được phát hiện tại Pennsylvania năm 1859. Năm 1862, Rockefeller bắt đầu bước vào lĩnh vực dầu, sau khi bỏ ra nhiều đêm nghiên cứu tường tận mọi khả năng, cơ hội lẫn rủi ro. Cùng Maurice B. Clark, Rockefeller đầu tư vào nhà máy lọc dầu của Samuel Andrews. Thế là công ty khai thác – kinh doanh dầu Andrews, Clark & Co ra đời (lúc đó, Rockefeller còn trẻ và không có tên tuổi trong công nghiệp dầu nên tên công ty không có tên ông).

Năm 1863, Andrews, Clark & Co xây một nhà máy lọc nhỏ trên bờ sông Kingsbury Run, gần Cleveland. Thời điểm này, công nghiệp dầu còn chập chững và đầy tính rủi ro nên chẳng lạ gì khi có nhiều ý kiến hoài nghi về khả năng thành công và rằng chắc hẳn Andrews, Clark & Co không đủ sức đi xa. Lời đồn đoán, thật không may, lại thành sự thật. Công ty bị giải thể và phải bán đấu giá nhà máy. Phần mình, Rockefeller vẫn không lùi bước. Ông quyết định mua lại nhà máy với giá 72.500USD (mà hầu hết trong khoản trên đều đi vay). Đổi tên thành Rockefeller & Andrews, Rockefeller tái tổ chức hoạt động kinh doanh. Năm 1867, Rockefeller & Andrews mua thêm một nhà máy lọc dầu… Đây là thương vụ đầu tiên trong loạt thương vụ sáp nhập mà Rockefeller “càn quét” lĩnh vực công nghiệp dầu nước Mỹ để cuối cùng tạo ra đại Công ty Standard Oil vào năm 1870, khi ông mới 31 tuổi!

Lên ngai vàng

Đến trước năm 1872, gần như tất cả công ty lọc dầu tại Cleveland (Ohio) đều bị Standard Oil mua đứt. Chỉ trong 2 tháng năm 1872, Standard Oil thâu tóm đến 22 trong 26 đối thủ tại Cleveland! Standard Oil bắt đầu trở thành hãng dầu khổng lồ với số vốn 2,5 triệu USD.

Không lâu sau, Standard Oil đã có thể lọc được 29.000 thùng dầu thô/ngày. Tập đoàn còn sở hữu nhiều tàu dầu với tải trọng hàng trăm ngàn thùng; nhiều nhà kho và vô số nhà máy sản xuất sản phẩm hóa dầu. Tất cả tài sản trên được nhập vào Standard Oil Trust năm 1882 với số vốn lên đến 70 triệu USD rồi tăng lên 95 triệu USD… Standard Oil trở thành con khủng long trong làng công nghiệp dầu thế giới, với sự phát triển cực nhanh mà chẳng đối thủ nào địch lại. Với sự có mặt của Standard Oil, vùng Cleveland lật đổ vị trí số một của Pittsburgh để trở thành trung tâm lọc dầu lớn nhất nước Mỹ. Và rồi loạt nhà máy lọc dầu tại Philadelphia, New York, New Jersey, New England, Pennsylvania cũng như West Virginia cũng lần lượt trở thành công ty con của Standard Oil.

Năm 1882, khi 43 tuổi, Rockefeller lập ra Standard Oil Trust và giữ cổ phiếu tất cả công ty trực thuộc. Báo chí Mỹ liên tục nói về sự bành trướng không mệt mỏi của Rockefeller. Người ta nói mỗi sáng thức dậy, tài sản Rockefeller lại phình to hơn, và khi ông đang đánh răng thì cổ phiếu Standard Oil cũng tăng từng giây! Ông tạo ra một hình thái doanh nghiệp mới mà sức mạnh và ảnh hưởng của nó lên nền kinh tế Mỹ còn đáng gờm hơn cả ngân hàng lớn nhất nước Mỹ.

John Davison Rockefeller được thể hiện như một ông hoàng công nghiệp trong biếm họa trên tạp chí Puck (1901).

Standard Oil đánh dấu sự khởi đầu một kỷ nguyên độc quyền công nghiệp thời hiện đại, khi họ không chỉ nắm các nhà máy lọc dầu mà còn cai quản cả hệ thống phân phối, tiếp thị… Standard Oil thậm chí xây hệ thống ống dẫn riêng, sở hữu các tàu vận chuyển, xe bồn, lập cầu cảng, nhà kho và bãi chứa riêng. Đó là chưa kể họ mua đứt cả nhiều khu rừng. Họ thuê khoa học gia thí nghiệm và sản xuất các sản phẩm hóa dầu… Cái tên Rockefeller lan rộng khắp thế giới. Nhân viên và đại diện của ông có mặt tại hầu hết hải cảng toàn cầu. Từ dầu, Rockefeller bắt đầu mở rộng sang nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt sắt thép, hỏa xa và tàu biển…

Thời đỉnh cao sự nghiệp, Rockefeller trực tiếp điều hành toàn bộ hoạt động của 33 công ty dầu và gián tiếp chỉ đạo kinh doanh cho hàng trăm công ty khác với số nhân viên lên đến hàng trăm ngàn người. Rockefeller trở thành người giàu nhất thế giới. Vừa nể vừa sợ, người ta bắt đầu nhìn ông như một mối đe dọa và gọi Standard Oil là một quái vật bạch tuộc khổng lồ vươn vòi thâu tóm và thao túng hệ thống kinh tế Mỹ.

Chiến dịch chống độc quyền bắt đầu hình thành với mục tiêu hạ gục Standard Oil. Viết loạt bài trên tạp chí McClure năm 1902 rồi với The History of the Standard Oil Company (quyển sách tạo ảnh hưởng cực mạnh và từng nằm hạng 5 danh sách 100 tác phẩm báo chí nổi bật nhất thế kỷ XX của New York Times năm 1999), nhà báo điều tra Ida M. Tarbell (1857-1944) đã tấn công phương pháp kinh doanh và hoạt động tài chính của Standard Oil Trust. Rockefeller bị buộc tội chèn ép đối thủ bằng đủ thủ đoạn có thể, từ việc thuê và hối lộ để rình mò các công ty cạnh tranh, đến việc thực hiện đàm phán bí mật như kiểu dàn xếp “phải quấy” sặc mùi mafia. Nói tóm lại, Rockefeller bị kết tội làm giàu từ xương máu kẻ khác. Trên bước đường kinh doanh,

Rockefeller sẵn sàng nghiền nát mọi vật cản. Ông cười hả hê mãn nguyện từ những giọt nước mắt đau khổ của các nạn nhân… Cần biết thêm, sở dĩ Ida M. Tarbell “đánh” Rockefeller là bởi bố bà chính là một trong những người được xem là nạn nhân của Standard Oil khi bị tập đoàn này đánh bật khỏi Hãng dầu South Improvement Co!

Mạnh Kim

(Còn tiếp)