Giá xăng dầu tăng liên tiếp tác động tới thị trường ra sao?
Giá xăng đã có chuỗi tăng liên tiếp từ Tết âm lịch đến nay. |
Từ thời điểm Tết âm lịch đến nay, giá xăng đã tăng liên tiếp 3 lần, gần nhất là vào ngày 27/3 khi giá xăng RON 92 lên mức 17.851 đồng/lít, giá xăng RON 95 là 19.046 đồng/lít. Trước tình trạng này, đã có những lo ngại về việc giá cả hàng hoá tiêu dùng sẽ ồ ạt tăng theo giá xăng.
Theo Bộ Tài chính, việc giá xăng dầu tăng thời gian qua sẽ có tác động gián tiếp nhất định đến giá một số hàng hóa, dịch vụ thông qua chi phí vận chuyển, vận tải hàng hóa nhưng đều nằm trong kịch bản đã được các bộ, ngành dự báo, tính toán.
Với các biện pháp quyết liệt đã triển khai, Bộ này cho biết về cơ bản không để xảy ra tình trạng “té nước theo mưa”, tăng giá bất hợp lý theo giá xăng dầu.
Bộ Tài chính cho biết, qua theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường đến thời điểm hiện nay, về cơ bản các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn đang được theo dõi cập nhật các diễn biến; có một số hàng hóa, dịch vụ có mặt bằng giá thấp như dịch vụ hàng không; lương thực, thực phẩm.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2021 tăng 1,52% so với tháng trước. Giá xăng dầu tăng trong các kỳ điều hành gần đây khiến gia tăng áp lực lên các dịch vụ giao thông, vận tải là một nguyên nhân. Tuy nhiên, đóng góp chủ yếu trong mức tăng chung của CPI thực tế vẫn là tác động tăng theo quy luật của thị trường trong dịp cuối năm âm lịch, dịp Tết Nguyên đán.
Chẳng hạn, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng theo quy luật trong một số thời điểm người dân tăng cường mua sắm chuẩn bị cho Tết, một số loại vật liệu xây dựng như thép tăng theo nhu cầu xây dựng của người dân cũng như do các yếu tố chi phí đẩy, một số dịch vụ ăn uống ngoài gia đình cũng tăng theo nhu cầu người dân trong các dịp nghỉ lễ.
Để đảm bảo kiểm soát chung mặt bằng giá cả thị trường, nhất là để hạn chế tác động trước diễn biến giá xăng dầu có xu hướng tăng, Bộ Tài chính thực hiện các biện pháp về quản lý, điều hành giá. Đồng thời các Bộ, ngành cũng triển khai toàn diện nhằm không để xảy ra tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý, “té nước theo mưa” khi giá xăng dầu tăng.
Bộ Tài chính cũng nhận định việc giá xăng dầu tăng chắc chắn sẽ có tác động gián tiếp nhất định đến giá một số hàng hóa, dịch vụ thông qua chi phí vận chuyển, vận tải hàng hóa nhưng đều nằm trong kịch bản đã được các Bộ, ngành dự báo, tính toán.
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương hồi đầu tháng 3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, thời gian vừa qua, giá dầu thô trên thế giới tăng liên tục, đây cũng là tín hiệu cho thấy sự khởi sắc của nền kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc phải tăng giá xăng dầu thành phẩm. Việt Nam vừa phải sử dụng dầu thô trong nước, vừa phải nhập khẩu dầu thô để chế biến, chính vì vậy, việc tăng giá xăng dầu là chuyện bình thường.
Việc giá xăng dầu tăng liên tiếp trong thời gian vừa qua, theo chuyên gia năng lượng Trần Viết Ngãi, ít nhiều tác động tới chi phí vận tải, sản xuất, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Một số đơn vị, doanh nghiệp đã chuẩn bị các phương án để hạn chế lỗ, đảm bảo hoạt động ổn định và cân đối các chi phí phát sinh để không tăng giá bán các loại sản phẩm, dịch vụ.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp