Giá vàng hôm nay 14/11: Lực cản được xoá bỏ, giá vàng rộng đường tăng, hướng mốc kỷ lục mới
Giá vàng thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 8/11 với xu hướng nhẹ trong bối cảnh do đồng USD suy yếu khi Fed tỏ thái độ thận trọng với việc tăng lãi suất cơ bản đồng USD và lạm phát của Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế trị giá hàng ngàn tỷ USD được triển khai có thể mở ra nhiều kỳ vọng đối với đà phục hồi kinh tế những cũng có nguy cơ đẩy lạm phát gia tăng.
Tình trạng thiếu hụt năng lượng khiến giá nhiên liệu tăng cao ngày càng tạo áp lực lớn hơn đối với đà phục hồi của các nền kinh tế.
Ảnh minh hoạ |
Ghi nhận vào đầu giờ ngày 8/11, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.816,38 USD/Ounce, trong khi giá vàng thế giới giao tháng 12/2021 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.818,5 USD/Ounce.
Thông tin về gói đầu tư cơ sở hạ tầng 1.200 tỷ USD được Hạ viện Mỹ thông qua đã góp phần cải thiện tâm lý của của nhà đầu tư vào triển vọng phục hồi, tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế Mỹ, qua đó thúc đẩy các nhu cầu nắm giữ tài sản rủi ro trong phiên giao dịch ngày 9/11 và khiến giá vàng có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, việc tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế có thể đẩy lạm phát của nền kinh tế số 1 thế giới vốn dĩ đang ở mức cao có nguy cơ gia tăng.
Và thực tế, ngay sau phiên 9/11, khi một loạt các dữ liệu kinh tế về lạm phát, tăng trưởng kinh tế… được công bố, giá vàng đã quay đầu tăng mạnh, liên tiếp thiết lập các mức đỉnh mới trong nhiều tháng trở lại đây.
Chỉ số CPI của Mỹ 10 tháng tăng hơn dự báo, qua đó thúc đẩy dòng tiền chảy mạnh vào kim loại quý với vai trò là tài sản chống lạm phát. Cụ thể, theo dữ liệu vừa được công bố, CPI tháng 10 của Mỹ đã tăng 0,9% so với tháng 9 và tăng tới 6,2% so với cùng kỳ 2020, vượt xa con số dự báo 5,9%. Đây là mức tăng lớn nhất được ghi nhận tại Mỹ trong hơn 30 năm.
Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng 0,6% trong tháng 10/2021, cao hơn mức tăng 0,5% của tháng 9/2021. Tính chung trong 12 tháng đến tháng 10/2021, PPI của nền kinh tế Mỹ đã tăng tới 8,6%. Điều này có nghĩa áp lực lạm phát gia tăng ở nền kinh tế số 1 thế giới vẫn rất lớn.
Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Richard Clarida cho biết, nền kinh tế Mỹ có thể sẵn sàng nâng lãi suất cho vay chuẩn vào cuối năm 2022.
Theo ông Clarida, tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2021 dự kiến sẽ đạt mức cao nhất kể từ năm 1983 và lạm phát có rủi ro tăng thêm.
Lạm phát tăng cao đang tác động mạnh đến nhiều mặt kinh tế Mỹ. Người tiêu dùng Mỹ đang phải chi trả nhiều hơn cho tiêu dùng khi các nhà sản xuất tìm cách đẩy các chi phí nhiên liệu, sản xuất tăng cao vào giá thành sản phẩm để đẩy cho người mua.
Các chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, gián đoạn cũng được xem là nguyên nhân đẩy lạm phát Mỹ tăng cao.
Với diễn biến lạm phát như trên, ngày càng có nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại tình trạng này sẽ kéo dài và tạo những ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phục hồi kinh tế của nền kinh tế số 1 thế giới. Điều này là trái ngược hoàn toàn với những kịch bản mà Fed vẫn đang theo đuổi và khẳng định suốt thời gian qua khi cho rằng câu chuyện lạm phát ở nền kinh tế Mỹ chỉ là nhất thời.
Dữ liệu mới nhất vừa được Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy, GDP quý III/2021 của Mỹ chỉ đạt 2%, thấp hơn rất nhiều mức tăng 6,7% và 6,3% của 2 quý trước đó.
Sự hoài nghi về “sức khoẻ” của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang ngày một gia tăng và nó được phản ánh qua kết quả của một cuộc khảo sát khi có tới 65% người Mỹ trưởng thành tin rằng nền kinh tế của nước này đang rất yếu.
Ngoài ra, giá vàng còn được thúc đẩy mạnh bởi các yếu tố rủi ro đến từ cuộc khủng hoảng năng lượng, đặc biệt là Trung Quốc – công xưởng sản xuất của thế giới, và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia cũng đặt triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trước những rủi ro lớn.
Khép tuần giao dịch, giá vàng hôm nay ghi nhận giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.864,57 USD/Ounce, trong khi giá vàng thế giới giao tháng 12/2021 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.867,6 USD/Ounce.
Tại thị trường trong nước, theo diễn biến của giá vàng thế giới, giá vàng SJC trong nước tuần qua cũng bật tăng mạnh, lên mức 61 triệu đồng/lượng. Khép tuần giao dịch, giá vàng ngày 14/11 ghi nhận giá vàng SJC hiện được niêm yết tại TP Hồ Chí Minh ở 60,15 – 60,85 triệu đồng/lượng (mua/bán). Trong khi đó, giá vàng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết tại Hà Nội ở mức 59,90 – 60,70 triệu đồng/lượng. Còn tại Phú Quý SJC, giá vàng 9999 được niêm yết tại Hà Nội ở mức 60,20 – 60,85 triệu đồng/lượng.
Với một loạt các yếu tố đã kích nổ giá vàng trong tuần giao dịch từ ngày 8 – 12/11, giá vàng tuần tới được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh bởi các vấn đề như lạm phát, tăng trưởng kinh tế, khủng hoảng năng lượng… và đặc biệt là diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 chưa được giải quyết.
Theo kết quả khảo sát xu hướng giá vàng hàng tuần của Kitco News, trong 18 chuyên gia Phố Wall tham gia khảo sát của thì có tới 15 chuyên gia nhận định giá vàng tăng, chỉ có 2 chuyên gia nhận định giá vàng giảm và 1 chuyên gia bày tỏ quan điểm giá vàng đi ngang.
Còn với 1.018 phiếu khảo sát trực tuyến trên Main Street thì có tới 722 ý kiến kỳ vọng giá vàng tăng, có 165 ý kiến cho rằng giá vàng giảm và chỉ có 131 ý kiến cho rằng giá vàng đi ngang.
Minh Ngọc
-
Tin tức kinh tế ngày 11/11: Các "ông lớn" công nghệ nộp hơn 8.600 tỷ đồng tiền thuế
-
Đại biểu Quốc hội đề nghị NHNN xem xét mua lại vàng miếng từ người dân
-
Giá vàng hôm nay (11/11): Thị trường thế giới giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Tin tức kinh tế ngày 10/11: Giá gạo Việt Nam xuất khẩu cao nhất khu vực
-
Phân bón trong nước tiếp tục chịu thiệt?
-
Tin tức kinh tế ngày 11/11: Các "ông lớn" công nghệ nộp hơn 8.600 tỷ đồng tiền thuế
-
Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng tăng lên 4,55%
-
Xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ ra sao sau bầu cử Tổng thống Mỹ?
-
Thống đốc NHNN nêu giải pháp để hoạt động tín dụng gắn với phát triển kinh tế xanh