Giá điện và lời cảnh báo đối với doanh nghiệp Việt
Năng lượng Mới số 426
Ngày 16-3, theo Quyết định số 2256/QĐ-BCT quy định về giá bán điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán điện cho các đơn vị bán lẻ điện, giá bán lẻ điện bình quân là 1.622,05 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 7,5% so với giá bán lẻ điện bình quân trước ngày 16-3 là 1.508,85 đồng/kWh. Và cũng như những lần điều chỉnh tăng giá điện trước, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải một loạt các ý kiến đại thể như giá điện tăng như thế này sẽ khiến ngành thép, ngành giấy, ngành xi măng... gặp khó. Rồi thì vĩ mô hơn, người ta bảo tăng giá điện trong bối cảnh doanh nghiệp mới đang trong quá trình hồi phục sẽ khiến nền kinh tế gặp khó. Nặng nề hơn, có ý kiến còn cho rằng, tăng giá điện là không công khai, minh bạch, là phục vụ lợi ích cho chỉ riêng ngành điện... Nhưng thực tế liệu có phải như vậy.
Hệ thống cấp đông ở Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông
Trước tiên về vấn đề công khai, minh bạch trong phương án điều chỉnh giá điện, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3-2015, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã khẳng định: Việc điều chỉnh giá bán điện ngày 16-3 vừa qua là cần thiết và căn cứ vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2013 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra của tổ công tác liên ngành; chi phí ước thực hiện năm 2014. Trong đó, các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào như tăng giá than, giá khí, tỷ giá, thuế tài nguyên nước, giá mua điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ; chỉ có giá dầu là giảm. Đồng thời bảo đảm phù hợp với Quyết định 69/2013/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Quyết định số 2165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013-2015.
Phương án điều chỉnh giá cũng được các Bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thống nhất. Đây cũng là phương án tăng thấp và ít tác động đến kinh tế - xã hội. Và theo tính toán, việc điều chỉnh giá điện tăng 7,5% chỉ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 khoảng 0,18-0,23%. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội sẽ tăng thêm mỗi năm khoảng 150 tỉ đồng. Đối với một số ngành sản xuất có mức tiêu thụ điện cao như thép, xi măng, ước tính tỷ lệ tăng giá thành khoảng 0,07-0,66%.
Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới về việc giá điện tăng sẽ tác động như thế nào đến các hộ gia đình, ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: Hộ dùng dưới 100 số điện/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 5.000 đồng. Hộ dùng từ 100 đến 300 kWh/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 18.900 đồng/tháng. Các hộ dùng nhiều hơn phải trả thêm ít nhất 59.064 đồng/tháng. Với các hộ kinh doanh, tùy theo mức tiêu thụ, giá thành điện trong sản xuất sẽ tăng tối đa 0,6%.
Thứ hai, về cái gọi là gánh nặng, áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất thì xin thưa rằng, đây chỉ là sự ích kỷ của chính các doanh nghiệp mà thôi. Ở đây, xin không đề cập tới yếu tố Tập đoàn Điện lực Việt Nam là một doanh nghiệp Nhà nước và cũng phải thực hiện các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh mà chỉ xin đề cập tới vấn đề tự thân của các doanh nghiệp.
Trả lời báo chí sau khi quyết định giá điện tăng 7,5% từ ngày 16-3, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Đúc - Luyện kim Việt Nam đưa phép tính, chỉ tính riêng phôi thép, với mức tăng giá điện 7,5% sẽ khiến chi phí sản xuất thép tăng 80.000-100.000 đồng/tấn.
Còn theo Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bộ giấy Việt Nam Vũ Ngọc Bảo, quyết định này sẽ khiến giá thành sản xuất của ngành giấy tăng 0,5-0,8%.
Đó là quan điểm của Hội và Hiệp hội - tổ chức sinh ra với tôn chỉ cao nhất là kêu gọi, đòi hỏi quyền lợi cho các hội viên, còn thực tế thì sao. Theo một thống kê của Hiệp hội Thép đưa ra, để làm ra một mẻ thép, doanh nghiệp Việt Nam mất trung bình 90-180 phút, trong khi đó, thế giới chỉ mất 45-70 phút và tất nhiên, lượng điện tiêu hao cũng cao hơn rất nhiều, 550-690 kWh/tấn so với 360-430 kWh/tấn. Một lãnh đạo của Hiệp hội Thép Việt Nam khi đề cập tới câu chuyện này cũng cho biết thông tin, có doanh nghiệp thép sau khi thay đổi công nghệ, nâng công suất từ 20 tấn/mẻ lên 120 tấn/mẻ đã tiết kiệm được tới 50% sản lượng điện tiêu thụ, từ 600 kWh/tấn xuống còn 300 kWh/tấn.
Với ngành giấy cũng vậy, chỉ có 1/3 doanh nghiệp có quy mô vừa hoặc có vốn đầu tư Nhà nước là sử dụng công nghệ châu Âu, còn lại 2/3 số doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ, sử dụng thiết bị Trung Quốc cũ kỹ, công nghệ tụt hậu vài chục năm, thậm chí cả thế kỷ, tiêu hao năng lượng rất lớn.
Vừa rồi, tôi có dịp vào Cần Thơ, được tham quan Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông. Đây là 1 trong 3 công ty duy nhất ở Việt Nam hiện đang được phép xuất khẩu cá tra vào thị trường Hoa Kỳ. Ở đây, xin không bàn đến chuyện họ phải sử dụng công nghệ ra sao, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm thế nào và nguồn nguyên liệu nọ kia mà chỉ xin nói về vấn đề sử dụng năng lượng và tiết kiệm năng lượng ở doanh nghiệp này.
Ông Nguyễn Ngọc Phát - Phó giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông cho biết, công suất chế biến của Biển Đông vào khoảng 200 tấn sản phẩm mỗi ngày; sản lượng điện tiêu thụ bình quân lên tới 50.000 kWh/ngày, với chi phí ước tính khoảng trên dưới 70 triệu đồng, tương ứng khoảng 2 tỉ đồng/tháng. Nhưng đây mới là chi phí tính theo mức giá điện cũ, còn nếu tính theo giá điện mới thì con số này tăng lên cả trăm triệu đồng. Đây là con số rất lớn đối với một doanh nghiệp sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp giá thành sản phẩm khi có đến 80-90% sản lượng điện phục vụ việc cấp đông (làm đông lạnh sản phẩm trước khi đóng gói - PV). Tuy nhiên, theo ông Phát, do nằm trong lộ trình nâng cấp nhà máy, cũng như trong kế hoạch sản xuất - kinh doanh, ngay sau khi có quyết định tăng giá điện, Biển Đông đã đầu tư lắp đặt hệ thống biến tần và cùng với hệ thống các thiết bị tiết kiệm điện lắp đặt trước đó, chi phí tiền điện phục vụ sản xuất của công ty đã không tăng. Phần tăng nếu có là do Biển Đông mở rộng quy mô sản xuất, nâng công suất chế biến sản phẩm.
Nói như vậy để thấy rằng, câu chuyện giá điện nói riêng và giá của các mặt hàng năng lượng ở Việt Nam nói chung không chỉ đơn thuần là vấn đề giá thị trường. Sự kêu gào, phản ứng của các đối tượng sử dụng những mặt hàng này đơn giản xuất phát từ sự ích kỷ, tham lam, chỉ nhăm nhăm lợi ích bản thân. Họ ra sức kêu gào mỗi khi giá điện, hay thậm chí là cả giá xăng tăng nhưng rồi như một lẽ tự nhiên, chẳng một ai trong số họ tự nhìn lại mình, soi xem mình thế nào. Họ như thể mặc nhiên coi giá điện, giá xăng là hàng bao cấp, được trợ giá, mà đã là bao cấp, trợ giá thì phải rẻ. Điện, xăng mà rẻ thì cần gì phải đầu tư, phải đổi mới dây chuyền công nghệ, việc gì phải tiết kiệm. Lợi nhuận mà họ thu về có một phần không nhỏ từ đây. Và vì liên quan đến lợi ích nên cứ mỗi lần điện, xăng tăng giá là họ lại “nhảy” lên kêu gào đủ thứ.
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và cũng chỉ ít tháng nữa thôi, cộng đồng kinh tế ASEAN, rồi các hiệp định thương mại tự do sẽ có hiệu lực, ở đó là nền kinh tế thị trường, giá mọi loại hàng hóa cũng sẽ là giá thị trường. Và trong môi trường ấy, nếu tự bản thân mỗi doanh nghiệp không tự đổi mới, thay đổi dây chuyền công nghệ, đặc biệt là tư duy làm ăn kinh tế thì chắc chắn sẽ bị đào thải!
Thanh Ngọc
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
Giá điện có thể được điều chỉnh tăng gần 10%
-
Luật Điện lực (sửa đổi) tạo hành lang pháp lý cho chuyển đổi năng lượng bền vững
-
Giá điện tăng ảnh hưởng như thế nào tới người dân, doanh nghiệp?