Giá điện sinh hoạt: Mức nào là hợp lý?
Điện một giá - Ai hưởng lợi |
Điện một giá, gần 3.000 đồng/kWh: "Tôi không tán thành!" |
Chuyên gia năng lượng đề xuất cách tính điện một giá |
Tọa đàm có sự tham gia của TS Ngô Đức Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Kỹ thuật môi trường Bộ Công Thương; TS Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính); PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính; TS Nguyễn Minh Duệ - Chuyên gia kinh tế Năng lượng, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam…
Trao đổi với PV, TS Bùi Thị An cho biết, ngày 10/8, Bộ Công Thương chính thức lấy ý kiến dự thảo biểu giá điện mới. Theo đó, đối với khách hàng sử dụng cho mục đích sinh hoạt, Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất lấy ý kiến trong bảng dự thảo với 2 phương án.
Phương án 1 là biểu giá bán lẻ điện tính theo 5 bậc trên cơ sở 6 bậc hiện tại, và phương án 2 tính theo 5 bậc và 1 bậc (gồm 2 phương án 2A và 2B). Đặc biệt, mức giá điện 1 bậc được tính theo phương án 2A và 2B cao hơn, lần lượt 2.703 đồng/kWh (bằng 145% mức giá điện bình quân) và 2.890 đồng/kWh (bằng 155% mức giá điện bình quân).
Những con số trên đang tạo nên nhiều ý kiến tranh luận từ các nhà khoa học đến người dân. Đây cũng là lý do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hà Nội tổ chức tọa đàm "Giá điện sinh hoạt: Thế nào là hợp lý?".
TS Bùi Thị An tại tọa đàm. |
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Thẩm định giá (Bộ Tài chính) hoan nghênh thái độ tiếp thu, cầu thị của Bộ Công Thương trong việc rút phương án điện một giá đồng thời tính toán lại các phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt.
Chủ tịch Hội Thẩm định giá cũng cho rằng, cần rút 6 bậc thang hiện nay xuống còn 3, 4 hoặc 5 bậc và tốt nhất là 3 bậc; ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách tiêu thụ điện hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế sử dụng điện hiện nay giữa các nhóm khách hàng dùng điện. Đồng thời, giải thích rõ ràng về phương pháp sắp xếp bậc, cơ sở và các căn cứ sắp xếp khoảng các giữa các bậc.
Khi cải tiến biểu giá điện sinh hoạt, theo ông Thỏa, Bộ Công Thương nghiên cứu kỹ lưỡng, để không làm tăng giá bình quân hiện hành. Đồng thời, khi xây dựng tỷ lệ tính giá từng bậc so với giá điện bình quân cần phải xây dựng cả hai loại tỷ lệ: Đó là tỷ lệ tính giá so với giá bình quân chung của 4 biểu giá và tỷ lệ tính giá so với giá bình quân của biểu giá điện sinh hoạt.
Bên cạnh đó, ông Thỏa cũng cho rằng, Bộ Công Thương cũng cần nghiên cứu, cải tiến 3 biểu giá còn lại là điện sản xuất, kinh doanh và hành chính sự nghiệp.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa- Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam. |
Đồng tình với việc chia các bậc thang và có mức giá khác nhau để khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm điện, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nói: “Đây là việc làm cần thiết trong điều kiện người dân có thu nhập ngày càng cao hơn, nhu cầu sử dụng điện hơn và có nhiều máy móc, thiết bị sử dụng điện hơn, trong khi sản xuất điện không tăng kịp”.
Ông Thịnh cũng cho biết, với mức quy định như trong biểu giá điện hiện nay chỉ có 1 bậc dưới mức giá bán lẻ điện bình quân được quy định. Còn lại các bậc thang khác đều có mức giá trên mức giá bán lẻ điện bình quân, thậm chí bậc thang thứ 4, thứ 5 rất cao. Chính vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần giải thích rõ cho người dân tại sao lại đưa ra phương án này.
Tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Minh Duệ (Hội Kinh tế Việt Nam) cho hay, mức tăng giá qua các bậc quá lớn, các hộ dùng điện từ 200kWh trở lên phải chịu giá điện cao, lớn hơn giá bình quân đang áp dụng. Chính vì vậy, hộ có nhu cầu dùng điện nhiều (hộ đông nhân khẩu, trời nắng nóng, cho dù họ đã tiết kiệm nhiều) gặp khó khăn khi thanh toán tiền điện.
Vì vậy, nếu chuyển sang biểu giá bán lẻ điện 5 bậc thang, ông đề nghị nghiên cứu mức tăng vừa phải để vừa có lợi cho doanh nghiệp điện và người tiêu dùng có thể chấp nhận được. Trước khi công bố, cần có sự góp ý của các cơ quan, nhà khoa học, có thẩm định của cơ quan có trách nhiệm quản lý giá.
Trước đó, chiều 18/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan về việc sửa đổi Quyết định 28 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện vừa được đưa ra lấy ý kiến. Tại đây, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực đề xuất rút phương án 2A và 2B (trong đó có phương án một giá điện).
Lý do được đưa ra là, phương án điện một giá giúp khách hàng có thêm lựa chọn nhưng không khuyến khích dùng điện tiết kiệm, trong khi đây là chủ trương lớn của Chính phủ.
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói, Bộ Công Thương chủ động nghiên cứu đưa ra đề xuất phương án điện một giá để cố gắng nhằm đáp ứng mục tiêu công khai, minh bạch, dễ tính toán và đảm bảo sự tin cậy. Tuy nhiên, phương án này sau khi cân nhắc, tính toán và nhận sự góp ý thì "không thực sự phù hợp, không có điều kiện thực hiện khả thi sau này". Phương án một giá điện được đưa ra trong đề xuất đang "đánh đồng giữa các đối tượng sử dụng điện, vi phạm nguyên tắc trong xây dựng biểu giá bán lẻ điện là đảm bảo tiết kiệm năng lượng".
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng, trong thời điểm hiện tại không có phương án nào khác tốt hơn giá điện bậc thang, nhưng từng bậc và giá từng bậc ra sao thì cần nghiên cứu đảm bảo hiệu quả, lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp - người dân".
Trước đó, các phương án được đưa ra lấy ý kiến gồm: Phương án 1, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc. Ghép bậc 1 và bậc 2 hiện hành thành bậc 1 mới (0-100 kWh), giá bậc 1 mới được giữ nguyên bằng bậc 1 hiện hành. Giữ nguyên giá cho các hộ có mức sử dụng điện phổ biến ở mức 101-200 kWh. Ghép các bậc 201-300 kWh với 301-400 kWh thành bậc mới. Tách bậc thang trên 401 kWh thành 2 bậc mới: 401-700 kWh và trên 700 kWh. Phương án 2: Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc như trên và giá bán lẻ điện một giá. Khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá. Cụ thể, phương án 2A, biểu giá lũy tiến 5 bậc có tỷ lệ thấp nhất bằng 90% giá bán lẻ điện bình quân cho kWh 0-100 và cao nhất 274% giá bán lẻ điện bình quân với kWh từ 701 trở lên. Còn điện một giá tương ứng 145% giá bán lẻ điện bình quân, khoảng 2.703 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). Đối với phương án 2B, giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc có tỷ lệ thấp nhất 90% giá bán lẻ điện bình quân cho 0-100 kWh và cao nhất 185% giá bán lẻ điện bình quân từ 701 kWh trở lên. Còn điện một giá là 155% giá bán lẻ điện bình quân, khoảng 2.889 đồng/kWh, chưa gồm thuế VAT. |
Xuân Hinh
- Phát triển điện gió một giải pháp mang tính dài hạn và chiến lược cho kinh tế Việt Nam
- Kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo tại Hà Nội
- Đắk Lắk chấp thuận việc khảo sát, lập dự án điện mặt trời trên hồ Ea Súp Hạ
- Chi phí bảo trì hệ thống điện mặt trời mái nhà có tốn kém?
- 45 hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Đà Nẵng được hỗ trợ kinh phí
-
Bài 3: Thị trường điện Việt Nam sẽ có cơ chế giá điện linh hoạt
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
Giá điện có thể được điều chỉnh tăng gần 10%
-
Luật Điện lực (sửa đổi) tạo hành lang pháp lý cho chuyển đổi năng lượng bền vững
-
Gỡ vướng mắc các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu
-
Mô hình tối ưu hóa thị trường điện Bắc Âu
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Duyên Hải và đấu nối: Đáp ứng nhu cầu điện cho tỉnh Trà Vinh
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Định Quán và đấu nối: Tăng cường đảm bảo điện cho tỉnh Đồng Nai và khu vực
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV