Giá dầu trượt 1% sau khi Fed tăng lãi suất
Các bồn chứa dầu tại trung tâm dầu khí Cushing, Oklahoma, Mỹ. Ảnh: Reuters |
Fed đã tăng lãi suất mục tiêu thêm 75 điểm cơ bản (0,75%) lần thứ ba, lên biên độ 3,00 - 3,25% và báo hiệu nhiều đợt tăng lớn sắp tới. Sau quyết định này, các tài sản rủi ro như chứng khoán và dầu giảm, trong khi đồng đô la tăng giá.
Giá dầu Brent giao sau giảm 79 cent, tương đương 0,9%, xuống 89,83 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 8/9, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 1 USD, tương đương 1,2%, xuống 82,94 USD/thùng, mức thấp nhất đóng cửa kể từ ngày 7/9. Đầu phiên, dầu tăng hơn 2 USD/thùng do lo ngại trước tin điều động quân đội của Nga, sau đó giảm hơn 1 USD do đồng USD mạnh và nhu cầu xăng của Mỹ giảm.
Nhu cầu xăng của Mỹ trong 4 tuần qua giảm xuống 8,5 triệu thùng/ngày (bpd), mức thấp nhất kể từ tháng 2, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Trong tuần trước, EIA báo cáo dự trữ dầu thô tăng 1,1 triệu thùng.
John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC ở New York, cho biết: "Điểm dữ liệu nổi bật là nhu cầu xăng tiếp tục yếu. Đó thực sự là điều đang ám ảnh thị trường".
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates cho biết: "Phần lớn sự suy giảm trong ngày 21/9 xuất hiện liên quan đến sự gia tăng của đồng đô la Mỹ và các nhà phân tích vẫn xem hướng đô la Mỹ trong ngắn hạn là một thành phần quan trọng trong việc đánh giá xu hướng giá dầu trong ngắn hạn".
Đồng đô la đang trên đà cao nhất trong hơn 20 năm so với một rổ tiền tệ khác, khiến giá dầu trở nên đắt hơn đối với những người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.
Mỏ dầu Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Các dấu hiệu về sự phục hồi của nhu cầu tại Trung Quốc đã khiến giá dầu tăng vào đầu phiên giao dịch.
Tuy nhiên, tại Mỹ tin tức kinh tế không tốt như vậy. Doanh số bán nhà hiện tại đã giảm tháng thứ bảy liên tiếp trong tháng 8 do khả năng chi trả kém hơn nữa trong bối cảnh lãi suất thế chấp tăng mạnh.
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng EBW Analytics cho biết ở châu Âu, chính phủ đang ngày càng can thiệp nhiều hơn vào thị trường năng lượng trong nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng kinh tế.
Đức đã đồng ý quốc hữu hóa công ty khí đốt tự nhiên Uniper SE, trong khi Chính phủ Anh cho biết sẽ giới hạn chi phí bán buôn điện và khí đốt cho các doanh nghiệp./.
Thanh Bình