Giá dầu tăng vọt khi đồng đô la yếu hơn và nguồn cung thắt chặt
Bể chứa dầu thô tại khu vực bể dầu Permian ở Mentone, hạt Loving, Texas, Mỹ. Ảnh: Reuters/ Angus Mordant/Tư liệu |
Hôm thứ Hai, đồng đô la Mỹ đã rơi xuống khỏi mức cao nhất trong nhiều năm, hỗ trợ tăng giá hàng hóa từ vàng đến dầu mỏ. Đồng đô la yếu hơn làm cho hàng hóa tính bằng đô la có giá cả phải chăng hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Tuần trước, dầu Brent và WTI đã công bố mức giảm hàng tuần lớn nhất trong khoảng một tháng do lo ngại suy thoái sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu. Các cuộc xét nghiệm hàng loạt kiểm tra COVID tiếp tục diễn ra ở các vùng của Trung Quốc trong tuần này, làm dấy lên lo ngại về giảm nhu cầu dầu tại nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới.
Nguồn cung dầu vẫn khan hiếm
Tuy nhiên, nguồn cung dầu vẫn khan hiếm, khiến dầu tăng giá. Đúng như dư luận dự đoán trước, chuyến đi của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Ả Rập Xê-út đã không mang lại bất kỳ cam kết nào từ nước sản xuất dầu hàng đầu của OPEC về việc thúc đẩy nguồn cung dầu.
Tổng thống Biden muốn các nhà sản xuất dầu vùng Vịnh tăng sản lượng để giúp kiềm chế giá dầu và giảm lạm phát.
Hôm Chủ nhật (17/7), trên chương trình truyền hình của CBS, Cố vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ về An ninh năng lượng Amos Hochstein cho biết chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Biden sẽ dẫn đến việc các nhà sản xuất dầu thực hiện "thêm một vài bước" về nguồn cung mặc dù Amos Hochstein không nói rõ quốc gia nào, hoặc các quốc gia, sẽ tăng sản lượng.
Baden Moore, Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Ngân hàng Quốc gia Australia, cho biết: “Mặc dù không có cam kết ngay lập tức về việc tăng sản lượng dầu, nhưng Mỹ đã cho biết nguồn cung dự kiến sẽ tăng dần”. "Việc giảm bớt giải phóng lượng dầu dự trữ chiến lược (SPR) từ tháng 11 có thể được bù đắp với nguồn cung gia tăng này, mặc dù nếu có cũng không lớn hơn 1 triệu thùng mỗi ngày."
Mỏ dầu Johan Sverdrup ở Biển Bắc.Ảnh: Carina Johansen/ NTB Scanpix/via Reuters. |
Cuộc họp cấp bộ trưởng tiếp theo của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) diễn ra vào ngày 3/8 sẽ được theo dõi chặt chẽ, khi thỏa thuận sản lượng hiện tại của họ sẽ hết hạn vào tháng Chín.
Ảnh hưởng của dòng khí đốt của Nga đến châu Âu qua Nord Stream 1
Tuần này, thị trường toàn cầu tập trung quan tâm tới việc nối lại dòng khí đốt của Nga đến châu Âu thông qua đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 (Nord Stream 1), dự kiến sẽ kết thúc bảo trì vào ngày 21/7. Các chính phủ, thị trường và công ty lo ngại việc ngừng hoạt động của Nord Stream 1 có thể kéo dài.
Chuyên gia phân tích cấp cao Jeffrey Halley của OANDA cho biết: “Dầu thô Brent sẽ tăng giá vào cuối tuần nếu Nga không chuyển khí đốt trở lại Đức sau khi bảo trì Nord Stream 1”. Việc mất lượng khí đốt đó sẽ ảnh hưởng đến Đức, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, thêm khó khăn và làm tăng nguy cơ suy thoái.
Trong một diễn biến riêng biệt khác, hôm thứ Bảy, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết đã có các cuộc họp “hiệu quả” về mức giới hạn giá đề xuất đối với dầu của Nga với một số quốc gia bên lề cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính của Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20).
Tuần trước, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen đã nêu ra ý tưởng giới hạn giá dầu trong cuộc họp trực tuyến ngày 5/ 7 với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.
Phía Trung Quốc cho rằng việc đặt giới hạn giá dầu của Nga là một "vấn đề rất phức tạp" và điều kiện tiên quyết để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine là thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa các bên liên quan./.
Thanh Bình