EU sẽ xóa tới 86,5% thuế cho hàng thủy sản Việt Nam
Hiện nay EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD.
EU xóa 86,5% thuế cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam. |
Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung lẫn nhau rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp do thế mạnh và đặc tính hàng hóa xuất khẩu của hai bên khác nhau. Trong đó, Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may, thủy sản, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác v.v. sang EU và EU xuất khẩu các mặt hàng sản phẩm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dược phẩm; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hóa chất sang thị trường Việt Nam.
Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa thuộc khuôn khổ EVFTA, gần như toàn bộ 100% biểu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (tối đa là 7 năm). Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho nước ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết giữa nước ta và các đối tác.
Về cơ bản, tiến trình cắt giảm thuế nhập khẩu vào thị trường EU theo Hiệp định EVFTA được chia thành các nhóm sau: Nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay, Nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình, Nhóm áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ) và Nhóm hàng hóa không cam kết.
Cụ thể, ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
EU cam kết đối với hàng dệt may, trong vòng 5 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm.
Cam kết này của EU được đưa ra phù hợp với khả năng đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ “2 công đoạn” (từ vải trở đi) của ngành dệt may Việt Nam (tức là để được hưởng thuế quan ưu đãi theo Hiệp định EVFTA thì hàng dệt may của Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ từ Việt Nam). Ngoài ra, EU cũng chấp nhận linh hoạt với quy tắc này như cộng gộp xuất xứ từ Hàn Quốc để sản xuất một số hàng dệt may xuất khẩu sang EU.
Về giày dép, EU cam kết giảm thuế xuống 0% đối với 42,1% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực. Sau 3 năm và 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực thì tỷ lệ này sẽ lần lượt là 73,2% và 100%.
Hàng thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên) Việt Nam, EU cũng sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của ta trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan là 11.500 tấn/năm; với cá viên là 500 tấn/năm.
Các sản phẩm khác, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 30.000 tấn tinh bột sắn (trên tổng nhập khẩu của EU là 33.000 tấn), 5.000 tấn ngô ngọt (riêng ngô bao tử sẽ không bị hạn ngạch thuế quan và được hưởng thuế suất 0% trong vòng 7 năm), 400 tấn tỏi, 350 tấn nấm mỗi năm.
Gần như toàn bộ các sản phẩm rau quả tươi, rau củ quả chế biến, cà phê, hạt tiêu, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Hiện nay EU dành cho Việt Nam thuế nhập khẩu ưu đãi theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (gọi tắt là GSP). Đây là chương trình EU hỗ trợ các nước đang phát triển và kém phát triển xuất khẩu hàng hóa sang EU. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, Hiệp định EVFTA có quy định về mối quan hệ giữa thuế suất theo hiệp định này và thuế suất trong Chương trình GSP mà EU đang dành cho Việt Nam.
Cụ thể, EVFTA quy định thuế suất ưu đãi của EU theo EVFTA trong bất kỳ trường hợp nào không được cao hơn mức thuế mà EU áp dụng cho hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam trước ngày EVFTA có hiệu lực. Nghĩa vụ này áp dụng từ ngày đó tới năm thứ 7 sau khi hiệp định có hiệu lực.
Như vậy, trong vòng 7 năm đầu tiên kể từ khi hiệp định có hiệu lực, hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu sang EU sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi nhất mà EU dành cho Việt Nam. Nói cách khác, trong số các thuế suất được EU áp dụng cho Việt Nam trong khuôn khổ WTO, trong khuôn khổ GSP và trong khuôn khổ EVFTA thì kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực cho đến 7 năm tiếp theo, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng mức thuế suất thấp nhất. Sau khoảng thời gian 7 năm nêu trên, thuế suất thuế nhập khẩu mà EU áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam về cơ bản đã được đưa về 0%, nên mức thuế áp dụng theo Hiệp định EVFTA sẽ là mức thuế ưu đãi nhất.
Trong thời gian tới, nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích quan trọng cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường hơn 500 triệu dân này. Với các kết quả đàm phán đã đạt được, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và EU một cách toàn diện và sâu sắc hơn trong thời gian tới, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 tạm thời lắng xuống.
Thành Công