Đường nội + đường nhập lậu = Cuộc chiến khốc liệt
Nếu như thời điểm giáp Tết Nguyên đán giá bán buôn tại nhà máy là trên 18.000 đồng/kg thì đến thời điểm này giá đường chỉ dao động quanh mức 16.300 đồng/kg. Dự kiến nguồn cung đường năm nay là 1.600.000 tấn, dư 300.000 tấn so với nhu cầu sẽ khiến cuộc chiến với đường nhập lậu trở nên khốc liệt hơn bất cứ thời điểm nào.
Ông Đỗ Thành Liêm – Phó Chủ tịch Hiệp hội mía đường cho biết, ngành đường đã chế biến được 45% sản lượng mía của niên vụ 2011-2012, ước tính, cả niên vụ sẽ sản xuất được 1.430.000 tấn đường, tăng 280.000 tấn so với niên vụ trước.
Được mùa – rớt giá, mối lo đường nhập lậu
Hiện tại tuy mới vào vụ chính nhưng lượng đường tồn kho tại các nhà máy lên trên 200.000 tấn trong khi các nhà thương mại chỉ mua đường theo nhu cầu tiêu thụ trước mắt khiến các nhà máy đường phải tự lực tồn trữ sản lượng vừa sản xuất, vừa quá tải về kho, lẫn gánh nặng thiếu vốn lưu thông để thanh toán tiền mua mía và lãi suất ngân hàng nên buộc phải bán tháo. Nếu như thời điểm giáp Tết Nguyên đán giá bán buôn tại nhà máy trên 18.000 đồng/kg thì đến thời điểm này giá đường chỉ dao động quanh mức 16.300 đồng/kg.
Bên cạnh lượng đường dư thừa của Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam ngày càng tăng (ước khoảng 200.000-300.000 tấn/năm) cộng với lượng đường tồn từ niên vụ trước khoảng 100.000 tấn và hạn ngạch nhập khẩu bắt buộc theo cam kết WTO là 70.000 tấn thì nguồn cung đường năm nay ước đạt 1.600.0000 tấn.
Hiện các nhà máy đường đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trước hết là thiếu vốn để trả tiền mua mía cho nông dân và vốn để đầu tư cho nông dân sản xuất vụ tới. Theo ông Liêm, các ngân hàng hoàn toàn không thiếu vốn nhưng tăng tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng bị khống chế là rào cản lớn với các doanh nghiệp. Tăng trưởng tín dụng được các ngân hàng áp dụng theo từng tháng, trong khi thu mua mía phải theo thời vụ. Hiệp hội Mía đường kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng xem xét tăng trưởng tín dụng cho ngành đường theo từng năm chứ không nên theo tháng.
Đặc biệt khó khăn lớn khác phải kể đến là khâu tiêu thụ. Dự kiến nguồn cung niên vụ 2011-2012 sẽ thừa khoảng 300.000 tấn. Trong khi sản lượng đệm lưu thông 50.000 tấn, số thừa thực tế là 250.000 tấn (chưa kể lượng đường nhập lậu đã nêu). Cách duy nhất để giải quyết lượng thừa này là xuất khẩu. Tuy nhiên bất cập nhất là cho đến nay chưa có cơ chế cho xuất khẩu số lượng đường lớn này trong năm 2012. Vào tháng 1/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương đã thống nhất cho xuất khẩu đi 30.000 tấn đường và phải xuất đi trước Tết âm lịch, thế nhưng đến nay vẫn ách tắc chưa triển khai xong.
Ngoài ra ông Liêm băn khoăn, chúng tôi sợ năm nay lượng đường nhập khẩu còn lớn hơn là vì sản lượng đường Thái Lan dự kiến đạt 10 triệu tấn và một số nhà máy ở Campuchia đã đi vào sản xuất (nhà máy này một phần là của doanh nghiệp Thái Lan và một phần là của doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư bên đó), trong khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu giảm, cộng thêm đường từ Thái Lan đang tràn qua Campuchia để vào Việt Nam. Vì vậy tổng nguồn cung có thể lên đến 1.800.000 tấn đường.
Giải pháp hạn chế đường lậu
Theo ông Liêm, để hạn chế tình trạng nhập lậu đường Bộ NN&PTNT cần xây dựng ngay bộ tiêu chuẩn Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cho ngành đường bởi vì đây là một vũ khí sắc bén, một trong những rào cản tốt trong việc chống đường nhập lậu. Vì đường nhập lậu không bao giờ có thông số về tiêu chuẩn VSATTP, nguồn gốc, xuất xứ trên bao bì. Hiện nay quy chuẩn sản xuất đường ở các nhà máy Việt Nam không thua quy chuẩn Thái Lan.
Về vấn đề cấp quota nhập khẩu đường hàng năm, ông Đỗ Thành Liêm cho rằng, chỉ nên cho phép các Quota này có hiệu lực thông quan từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm, vì các tháng trong thời vụ sản xuất đường không lo thiếu. Ông Liêm cho rằng, nước ta nên học theo kinh nghiệm của Philippines – nước vừa nhập khẩu, vừa xuất khẩu đường. Họ không cấp quota cho tư nhân mà tổ chức đấu thầu. Chênh lệch trong đấu thầu của giá đường nhập khẩu và giá đường nội địa được Nhà nước sử dụng trở thành một nguồn thu của Nhà nước, hơn nữa thông qua đó Nhà nước cũng kiểm soát được việc sử dụng đường nhập khẩu đúng mục đích.
Ghi nhận những trăn trở của Hiệp hội mía đường, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần chia sẻ, lối thoát cho xuất khẩu đường là xuất sang Trung Quốc. Trong năm qua, lượng đường của ta xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch tương đối lớn nhưng chủ yếu là loại đường tạm nhập tái xuất, chứ đường sản xuất trong nước xuất đi không đáng kể. Để tạo điều kiện cho đường sản xuất của Việt Nam đi sang Trung Quốc thì phải dừng việc tạm nhập tái xuất.
Ngày 13/12/2012, trong cuộc họp giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương, đã họp bàn về vấn đề này và đi đến thống nhất cấm tạm nhập tái xuất đường.
Ngày 28/12/2011, Bộ Công Thương chính thức ra thông báo số 471/TB-BCT. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản đưa đến ngành Hải quan để thực thi.
Thứ trưởng Tần cho biết, đầu tháng 3/2012, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục họp bàn với Bộ Công Thương để đề nghị Chính phủ tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành đường. Đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ các nhà máy đường về vốn và lãi suất để các nhà máy đường thực hiện việc tồn trữ đường, bình ổn thị trường với số lượng 10-20% sản lượng đường sản xuất của nhà máy trong thời gian 6 tháng kể từ tháng 2/2012 đến tháng 8/2012.
Trước mắt, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ có chủ trương cho phép xuất khẩu đường chính ngạch và tiểu ngạch số lượng trong hạn mức 250.000 tấn (đã bao gồm hạn mức 30.000 tấn cho phép xuất trước Tết âm lịch). Theo Thứ trưởng Tần, Chính phủ đã ký hiệp định với Lào, Campuchia về thông thương hai nước, Bộ sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng có các giải pháp hiệu quả trong ngăn chặn nhập lậu đường qua biên giới Campuchia.
Bộ giao NN&PTNT đã cho Cục Chế biến thương mại Nông Lâm Thủy sản báo cáo xây dựng phương án xuất khẩu đường để Bộ làm việc với Bộ Công Thương về vấn đề kiểm soát xuất nhập khẩu, không để tình trạng ông nào giỏi chạy được giấy tờ thì được xuất, ông nào kém thì không xuất.
Thứ trưởng Tần cũng chỉ đạo Hiệp hội Mía đường phải có trách nhiệm tổ chức sản xuất tốt, đảm bảo cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, sốt giá, gây khó khăn cho người tiêu dùng do xuất khẩu đường gây nên.
Minh An
-
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2021
-
Nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh cho doanh nghiệp
-
Lệnh tạm dừng cấp phép LNG của Hoa Kỳ thúc đẩy bùng nổ xuất khẩu ở Canada và Mexico
-
PGS.TS Ngô Trí Long: Thúc đẩy tăng trưởng xanh trong doanh nghiệp là điều tất yếu
-
Tiềm năng phát triển kinh tế biển của Bạc Liêu