Đường nhập khẩu vào Việt Nam có dấu hiệu lẩn tránh phòng vệ thương mại!
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam chỉ trong 6 tháng đầu năm đã lên đến 781.334 tấn, con số này còn lớn hơn cả tổng lượng đường nhập khẩu trong năm 2020 khoảng gần 100.000 tấn (cả năm 2020 nhập khẩu 690.025 tấn đường).
Sau đường lỏng, nhiều mặt hàng đường khác trong khu vực nhập khẩu vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh một cách bất thường ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp sản xuất đường trong nước. |
Đáng chú ý, đường nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan, thay vì chiếm tới 90,83% trong cả năm 2020, thì trong 6 tháng đầu năm 2021, đã giảm xuống còn khoảng 33,64%. Trong khi đó, lượng đường nhập khẩu có xuất xứ từ các nước khác gồm: Indonesia, Malaysia, Myanmar, Lào, Campuchia lại tăng mạnh, chiếm 51,09%.
Theo nhận định của VSSA, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2021 có thể sẽ không lớn bằng 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Lộc - Quyền Tổng Thư ký VSSA, cho rằng, nếu không kịp thời có những biện pháp kiềm chế bất thường của đường nhập khẩu, có thể đường nhập khẩu sẽ lại tác động xấu đến sản xuất trong nước.
Ngay sau khi bị áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thì lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan giảm, giá đường trong nước đã nâng lên và giá mía của nông dân cũng được cải thiện, mang lại hy vọng phục hồi phát triển ngành đường trong nước những vụ sản xuất tới. Trong khi đó, tỷ trọng đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN ngoài Thái, đã tăng lên nhanh và tổng khối lượng đường nhập khẩu chỉ trong nửa năm 2021 đã lớn hơn cả năm 2020.
Điều đáng nói, các nước Indonesia, Malaysia, Myanmar, Lào, Campuchia đều nhập khẩu đường từ Thái Lan, trong đó có những nước (Lào, Campuchia...) nhập khẩu khối lượng lớn hơn nhiều so với nhu cầu tiêu thụ ở trong nước. Giá đường của các quốc gia nêu trên, cũng chỉ tương đương, thậm chí cao hơn giá đường của Việt Nam.
Thế nhưng, mức giá đường nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước nêu trên, cũng chỉ tương đương với giá đường nhập khẩu từ Thái Lan. Điều này, đã khiến cho đường sản xuất ở trong nước có nguy cơ bị tác động ép giá, kìm giá tương tự như đối với tình trạng đường nhập khẩu từ Thái Lan trước đây khi chưa áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp.
Đại diện VSSA nhận định, có nhiều dấu hiệu đường xuất xứ từ Thái Lan vẫn nhập khẩu về Việt Nam nhưng thông qua nước thứ ba dưới hình thức lẩn tránh thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp (gian lận về xuất xứ). Đó là một dạng phản ứng của các đối tượng kinh doanh nhằm đối phó với việc áp dụng các công cụ phòng vệ thương mại.
Kinh nghiệm các nước áp dụng phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu, cho thấy, họ đều giám sát thường xuyên việc này nhằm kịp thời phát hiện, đưa ra các biện pháp phù hợp với pháp luật trong nước và thông lệ quốc tế để kiềm chế, nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
VSSA đã báo cáo Bộ Công Thương tình hình nhập khẩu đường có dấu hiệu bất thường. Đồng thời, đang ráo riết thu thập thông tin, số liệu, chuẩn bị hồ sơ để kiến nghị điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với mặt hàng đường nhập khẩu.
P.V
-
Tin tức kinh tế ngày 11/9: Huy động trái phiếu chính phủ đạt gần 60% kế hoạch
-
Tin tức kinh tế ngày 20/7: Xuất khẩu trứng cá tăng trưởng đột biến
-
Tin tức kinh tế ngày 4/7: Lần đầu tiên Việt Nam xuất siêu sang thị trường Australia
-
Xuất khẩu Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực
-
Tin tức kinh tế ngày 13/5: Việt Nam đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ sở hữu tiền ảo