Đưa kinh tế “biển xanh” thành bước đột phá trong chiến lược biển
Đó là khuyến cáo của nhiều chuyên gia trước, trong và sau “Đối thoại biển” lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam mới đây.
Kinh tế biển phải gắn với bảo vệ sinh thái
Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, để phát triển kinh tế “biển xanh” Việt Nam cần triển khai cơ chế phát triển sạch (CDM) trong công nghiệp, phục hồi các hệ sinh thái biển, phát triển nghề cá và nuôi trồng hải sản bền vững, phát triển du lịch sinh thái biển và hạn chế những ngành kinh tế có khả năng gây nhiều ô nhiễm, khó bảo vệ môi sinh trên biển.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cũng thẳng thắn thừa nhận: Trình độ khai thác biển của nước ta vẫn lạc hậu so với khu vực, Việt Nam phải nỗ lực xây dựng một nền công nghiệp hiện đại; phát triển kinh tế biển hiệu quả, bền vững, có khả năng hội nhập quốc tế.
Khu bảo tồn biển Lý Sơn đảm bảo cả 2 yếu tố phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường biển |
Mặt khác, nhiều chuyên gia về môi trường biển cũng cảnh báo: Phát triển “kinh tế biển xanh” ở nước ta đang phải đối mặt với các nguy cơ lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu tăng trưởng.
Đó là các nhân tố của biến đổi khí hậu, của tình trạng axit hóa đại dương, phát triển nghề cá và nuôi trồng hải sản thiếu bền vững, ô nhiễm và chất thải, mất nơi cư trú, giảm đa dạng sinh học và các loài ngoại lai; tác động tiêu cực của các hoạt động sản xuất công nghiệp ven bờ cũng như các hoạt động khai thác tài nguyên biển đến hệ sinh thái biển, các khu bảo tồn biển…
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng: Phương thức quản lý tổng hợp theo không gian và công cụ quy hoạch không gian biển là một hướng đi đúng đắn mà hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới đang thực hiện.
“Quản lý tổng hợp biển, hải đảo dựa trên hệ sinh thái, tránh xung đột giữa các ngành cùng khai thác kinh tế biển. Như vậy, chỉ có xây dựng nền “kinh tế biển xanh” hơn và bắt đầu từ gìn giữ môi trường biển mới tạo được lợi thế cạnh tranh những “thương hiệu gắn liền với tài nguyên biển” - ông Hiển nhấn mạnh.
“Trụ cột chính”
Theo Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, thành tựu rõ nhất về phát triển kinh tế biển của nước ta trong những năm qua, đó là quy mô kinh tế biển và vùng ven biển tăng lên. Cơ cấu ngành, nghề thay đổi cùng với sự xuất hiện các ngành kinh tế - dịch vụ mới như khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển hiện nay ước tính chiếm khoảng 47-48% GDP cả nước, trong đó kinh tế “thuần biển”, chiếm khoảng 20-22% tổng GDP. Trong các ngành kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển), du lịch biển.
Theo các chuyên gia, kinh tế xanh sẽ tạo ra cơ hội cho nước ta tăng trưởng bền vững, có tính cạnh tranh cao trong hệ thống kinh tế, tạo công ăn, việc làm, tăng thu nhập thực sự cho mọi người, cải thiện đời sống cho người dân một cách thiết thực, bảo đảm an toàn môi trường.
Theo Chuyên gia kinh tế biển Nguyễn Tác An, “xanh hóa” nền kinh tế nói chung và kinh tế biển nói riêng là nhu cầu có tính thời đại. Nhưng đây là nhiệm vụ rộng lớn và hết sức khó khăn, đòi hỏi những giải pháp cải cách căn cơ, đổi mới trong hệ thống thể chế, chính sách; thực hiện cơ cấu lại toàn bộ các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp.
“Phát triển kinh tế xanh cần có cơ hội và nhiều điều kiện tự nhiên, môi trường, sinh thái cũng như chính trị, xã hội; phải làm rất nhiều việc trong quá trình xanh hoá nền kinh tế biển của mình ở Biển Đông, nơi có nhiều tiềm năng và là trụ cột chính cho sự phát triển bền vững và hưng thịnh” - ông An cho biết thêm.
Ông Vũ Thanh Ca - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo - cho biết, Chiến lược biển Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó đáng lo ngại nhất là suy thoái tài nguyên. Các hệ sinh thái đang bị suy thoái nghiêm trọng khiến Việt Nam chưa phát triển kinh tế biển đáng kể. |
An An
-
Quảng Ninh: Thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững
-
Bất chấp hạn hán, lợi nhuận của kênh đào Panama tăng mạnh
-
Gỡ "thẻ vàng" IUU: Xóa bỏ toàn bộ tàu “3 không”, xử lý dứt điểm “tàu ma”
-
Cảng biển Việt Nam có 22 tuyến dịch vụ tàu mẹ đi thẳng Hoa Kỳ, châu Âu
-
Khánh Hòa: Xem xét đầu tư tuyến đường ven biển tại Khu Kinh tế Vân Phong