Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Cần mang tính ổn định, đồng bộ

08:42 | 29/04/2023

Theo dõi PetroTimes trên
|
Đánh giá việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội là cần thiết, tuy nhiên, theo chuyên gia, việc sửa đổi cần mang tính ổn định, đồng bộ, thay vì chỉ tập trung vào việc hạn chế người dân rút BHXH một lần…

Thống kê cho thấy, năm 2021, có hơn 960.000 người yêu cầu rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, đây là con số kỷ lục trong giai đoạn 2016-2021. Nguyên nhân của hiện trạng đã nêu được cho xuất phát từ “cú sốc” về kinh tế mà đại dịch COVID-19 gây ra.

Năm 2022, mặc dù kinh tế có những khởi sắc nhưng vẫn còn đó những tác động tiêu cực sau đại dịch, cộng thêm ảnh hưởng địa chính trị của xung đột Nga-Ukraine dẫn đến việc các nhà máy bị sụt giảm đơn hàng hoặc không có đơn hàng sản xuất. Và theo thống kê, cuối năm 2022, có hơn 600.000 công nhân bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 34.000 công nhân mất việc làm, số còn lại bị giảm giờ làm việc hoặc nghỉ chờ việc.

từ năm 2016 đến 2021, hệ thống BHXH ghi nhận thêm khoảng 4,23 triệu người tham gia nhưng có 4,06 triệu người rời bỏ - Ảnh minh họa
Từ năm 2016 đến 2021, hệ thống BHXH ghi nhận thêm khoảng 4,23 triệu người tham gia nhưng có 4,06 triệu người rời bỏ - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, hiện tượng người dân “đổ xô” đi rút BHXH được cho chỉ là giọt nước tràn ly, bởi trên thực tế, từ năm 2016 đến 2021, hệ thống BHXH ghi nhận thêm khoảng 4,23 triệu người tham gia nhưng có 4,06 triệu người rời bỏ. Hơn 98% trường hợp là những người đã nghỉ việc và ngưng đóng BHXH trong vòng một năm. Những người xin rút BHXH hầu hết ở độ tuổi dưới 40 và làm việc trong khu vực ngoài Nhà nước.

Trong quá trình lấy ý kiến về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tháng 3/2023, hiện tượng rút BHXH một lần là một trong những vấn đề ưu tiên trong lần sửa đổi luật lần này và đang được dư luận quan tâm đặc biệt bởi hiện trạng gia tăng số người rút BHXH đang đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong những năm gần đây. Vì chế độ hưu trí là trụ cột của hệ thống an sinh, việc gia tăng số người lao động rời bỏ hệ thống sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho Nhà nước và xã hội trong việc chăm sóc và hỗ trợ nhóm người không có nguồn thu nhập khi về già.

Từ đó, Dự thảo đã đề xuất một số biện pháp để giữ người lao động ở lại hệ thống lâu hơn và tạo thuận lợi để họ có đủ điều kiện hưởng lương hưu. Cụ thể, nhóm đề xuất thứ nhất là giảm lợi ích từ chế độ BHXH một lần: Người lao động chỉ có thể rút khoản tiền mà họ đóng vào quỹ, còn khoản tiền mà người sử dụng lao động đóng sẽ được Nhà nước giữ lại và được sử dụng để chi trả một phần lương hưu sau này. Điều này được xem là sẽ giúp hạn chế việc rút tiền sớm và giữ người lao động ở lại trong hệ thống lưới an sinh được lâu hơn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất này mới chỉ giải quyết phần ngọn mà chưa suy xét đến căn nguyên của hiện trạng gia tăng rút BHXH một lần nằm ở tình trạng bấp bênh về đời sống và việc làm của người lao động. Đa số luôn coi tiền đóng BHXH là chỗ dựa về kinh tế, là khoản “cứu vớt” họ trong tình cảnh cùng cực lúc nào cũng chực chờ…

Theo chuyên gia, hệ thống BHXH hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu cũng như mong đợi của người lao động, nên sửa đổi Luật BHXH là cần thiết - Ảnh minh họa
Theo chuyên gia, hệ thống BHXH hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu cũng như mong đợi của người lao động, nên sửa đổi Luật BHXH là cần thiết - Ảnh minh họa

Nhóm đề xuất thứ hai hướng đến việc giảm số năm tham gia hệ thống để được hưởng lương hưu, từ 20 năm xuống còn 15 năm, và về lâu dài là 10 năm. Theo các chuyên gia, có ba lý do cho đề xuất này.

Thứ nhất, đối với những lao động tham gia hệ thống BHXH khá trễ, đề xuất này sẽ giúp họ có đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Thứ hai, đề xuất này cũng phản ánh thực tế là tổng thời gian làm việc của công nhân trong các ngành sản xuất, chế biến thường không dài. Chẳng hạn như ở các công ty may mặc và giày da, doanh nghiệp thường tìm cách để sa thải lao động lớn tuổi (thường là những người trên 35 tuổi). Nhóm lao động này lại gặp bất lợi khi tìm việc làm mới bởi đa phần doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động trẻ. Vì vậy, lao động trong những ngành này thường khó tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH. Việc giảm số năm tối thiểu được xem là sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhiều người tiếp cận lương hưu và làm cho lương hưu nhìn chung hấp dẫn hơn.

Thứ ba, thống kê cho thấy đa phần những người lao động đã rút BHXH một lần có tổng thời gian tham gia trung bình là hơn 10 năm. Việc giảm số năm đóng xuống còn 15 năm sẽ “kéo” họ gần hơn với chế độ hưu trí.

Tuy nhiên “kéo” gần hơn không có nghĩa là đã đúng với thực tế. Nhiều người lao động không thể chờ lương hưu không chỉ vì không đủ số năm đóng tối thiểu, mà chờ đến lúc lĩnh tiền – tức đến tuổi hưu theo quy định – là quá lâu. Thực tế, một nữ công nhân điển hình trong ngành may mặc nếu làm việc liên tục và đóng BHXH từ năm 20 tuổi thì đến năm 40 tuổi, dù đã tích lũy đủ 20 năm tham gia, nhưng phải đợi đến 55 tuổi mới được nhận lương hưu. Vì vậy, nhiều công nhân không có ý định làm việc trong nhà máy đến tận tuổi hưu, vì sức khỏe và năng suất của họ sẽ giảm đi sau nhiều năm lao động nặng nhọc và vất vả.

Đề xuất giảm thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm đã được đưa vào Dự thảo luật. Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, người lao động vẫn có thể rút BHXH một lần nếu tổng thời gian tham gia hệ thống là dưới 20 năm. Điều đó nghĩa là, đối với những lao động đã tham gia từ 15 năm đến 20 năm, họ đủ điều kiện hưởng lương hưu, đồng thời vẫn có lựa chọn rút BHXH một lần.

Từ các phân tích đã nêu, theo các chuyên gia, với mục đích tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động, cơ quan soạn thảo luật cần khảo sát và lắng nghe một cách sâu rộng ý kiến của họ trước khi ban hành luật, nhằm đảm bảo pháp luật đi vào đời sống và mang lại lợi ích thiết thực. Việc sửa đổi luật theo hướng giữ chân người lao động ở lại với hệ thống an sinh là cần thiết; tuy nhiên, cần có những giải pháp đồng bộ hơn thay vì chỉ tập trung giải bài toán trước mắt là hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.

Thông tin với báo chí, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hệ thống BHXH hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu cũng như mong đợi của người lao động, nên sửa đổi Luật BHXH là cần thiết. Tuy nhiên, việc sửa đổi chính sách phải được tính toán kỹ và theo lộ trình để khi luật được ban hành sẽ có tính ổn định, bền vững, độ phủ rộng khắp các đối tượng thụ hưởng.

“Việc giảm thời gian đóng BHXH nhưng tuổi nghỉ hưu lại đang tăng theo lộ trình sẽ tạo nên khoảng trống từ khi người lao động nghỉ việc cho đến lúc được hưởng lương hưu. Trong khi trên thực tế, tuổi nghề và tuổi hưu của người lao động đang có khoảng cách khá lớn, nhất là trong lĩnh vực dệt may, da giày… điều này đặt ra yêu cầu phải có tính toán hợp lý để vừa đảm bảo quyền lợi người lao động tham gia BHXH vừa đảm bảo nguồn quỹ BHXH”, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc bày tỏ.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cưKhông bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư
Đề nghị giữ nguyên quy định người nước ngoài được mua, sở hữu nhà tại Việt NamĐề nghị giữ nguyên quy định người nước ngoài được mua, sở hữu nhà tại Việt Nam
Bộ Xây dựng đề nghị không quy định thời hạn sở hữu chung cưBộ Xây dựng đề nghị không quy định thời hạn sở hữu chung cư