Dự án đường sắt 3,2 tỷ USD dùng vốn của Trung Quốc bị tuyên "bất hợp pháp"
Dự án đường sắt SGR hợp tác giữa Kenya và Trung Quốc (Ảnh: AFP) |
Trong sự kiện hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - châu Phi cuối tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc tới công trình đường sắt SGR của Kenya, dự án trị giá hàng tỷ USD nằm trong sáng kiến “Vành đai, con đường” do Trung Quốc cấp vốn xây dựng và bắt đầu vận hành từ năm 2017.
Ông Tập chúc mừng Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta vì đã không để tuyến đường SGR bị gián đoạn hoạt động trong đại dịch Covid-19 và hàng hóa vấn được chuyển đi từ cảng Mombasa của Kenya tới khu vực Đông Phi.
Ông Tập cho rằng việc Kenya vẫn để SGR hoạt động giúp cho dòng chảy thương mại ở khu vực không bị gián đoạn bất chấp các lệnh hạn chế ngăn dịch bệnh.
Tuy nhiên, SGR đã gặp phải một bước lùi và điều này có thể ảnh hưởng tới tương lai của dự án và bất cứ dự án nào sau đó. Ngày 19/6, một tòa án ở Kenya phán quyết hợp đồng đường sắt giữa nước này và công ty Cầu và Đường Trung Quốc (CRBC) là bất hợp pháp.
Tòa Phúc thẩm Kenya kết luận tập đoàn quốc doanh Đường sắt Kenya đã vi phạm luật trong “hoạt động mua sắm liên quan tới dự án SGR”.
Bên nguyên đơn vụ kiện, nhà hoạt động xã hội Okiya Omtatah và tổ chức Hội luật gia Kenya, đã đệ đơn lên tòa Thượng thẩm năm 2014 nhằm ngăn việc xây dựng SGR. Bên nguyên đơn cho rằng SGR là dự án công và phải tuân theo một quy trình mua sắm công bằng, cạnh tranh và minh bạch.
Thay vào đó, hợp đồng mua sắm chỉ có một nguồn duy nhất, không thông qua đấu thầu, dù gánh nặng nợ đè lên vai người đóng thuế Kenya, hồ sơ vụ kiện viết.
Tòa Thượng thẩm Kenya bác vụ kiện và cho biết các tài liệu do phía nguyên đơn cung cấp tại tòa đã bị thu giữ một cách bất hợp pháp. Chính phủ Kenya cho biết những tài liệu trên, bao gồm hợp đồng và các văn bản thương lượng được xếp vào nhóm bảo mật. Phía nguyên đơn đã bất bình với phán quyết của tòa và kháng cáo.
Công ty đường sắt Kenya và CRBC đã bảo vệ hợp đồng nói trên, cho biết chính phủ Kenya đã thương lượng thỏa thuận tài chính với ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc. Ngân hàng trên cho Kenya vay 2 khoản nợ, mỗi khoản 1,6 tỷ USD để hỗ trợ dự án SGR.
Thế "tiến thoái lưỡng nan"
Tuy nhiên, phán quyết hồi tuần trước của Tòa Phúc thẩm được công bố trong bối cảnh phần lớn dự án đã được hoàn tất và đang vận hành. Hiện thời, chưa rõ diễn biến tiếp theo sẽ như thế nào và liệu chính phủ Kenya hay CRBC có thách thức phán quyết của Tòa Phúc thẩm hay không hay họ có thể nhờ Tòa Tối cao phân giải.
Các chuyên gia về luật cho rằng phán quyết của Tòa Phúc thẩm có thể khiến cả chính phủ Kenya và CRBC có lý do để không thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng.
Kenya cũng đối mặt với áp lực phải vận hành tuyến đường sắt để lấy tiền trả nợ, nhưng phán quyết trên có thể làm đình trệ quá trình vận hành của SGR.
Nelson Havi, chủ tịch Hiệp hội Luật pháp Kenya, nói chính phủ Kenya có thể dùng phán quyết trên để chối bỏ trách nhiệm với dự án đường sắt nếu muốn. Tuy nhiên, ông Gad Ouma, một luật sư tại công ty luật G.M. Gamma Advocates, cho rằng việc trốn trách trách nhiệm sẽ không dễ dàng với một dự án đã hoàn tất phần lớn.
CRBC trúng hợp đồng 3,2 tỷ USD năm 2014 xây đường sắt nối giữa cảng Mombasa với thủ đô Nairobi của Kenya. Công ty mẹ của CRBC - tập đoàn xây dựng và truyền thông Trung Quốc (CCCC) - sau đó tiếp tục trúng hợp đồng xây tuyến đường từ Nairobi tới Naivasha, với trị giá 1,5 tỷ USD.
Cả 2 dự án đều gần như hoàn tất, và đã đón hành khách cũng như tàu chở hàng. Năm 2017, công ty Ngôi sao châu Phi - công ty con của CRBC - tiếp tục trúng hợp đồng vận hành SGR.
Dưới áp lực phải trả nợ cho Trung Quốc, chính phủ Kenya đã buộc các nhà nhập khẩu phải dùng SGR. Nhưng phía các nhà nhập khẩu đã chống lại chỉ đạo này và họ cho biết dùng tàu hỏa chuyển hàng quá đắt đỏ so với dùng xe tải.
Năm ngoái, SGR mang về doanh thu 136 triệu USD từ vận chuyển hàng và dịch vụ hành khách. Tuy nhiên, quốc hội Kenya tháng này cho biết công ty đường sắt Kenya không trả được khoản 380 triệu USD chi phí quản lý cho Công ty Ngôi sao châu Phi.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 1/11: Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng vọt
-
VLF 2024: Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics
-
Ả Rập Xê Út có thể cắt giảm giá dầu tháng 12 cho châu Á
-
Rất cần thiết khi đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế
-
Rystad Energy: OPEC+ sẽ không khôi phục sản lượng dầu trong năm nay