“Dọn tổ đón đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chim sẻ”!
Sáng nay (15/6), Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội (KT-XH), vấn đề chuyển dịch về đầu tư nước ngoài và việc “đón sóng” của Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Đại bàng và chim sẻ
Theo đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng), thắng lợi trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 là thành quả đầy tự hào, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, nhân dân và cử tri tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, Nhà nước. Cùng với việc kiểm soát tốt dịch, chúng ta đã bước đầu thành công trong thực hiện mục tiêu kép: Tái khởi động lại và khôi phục nền kinh tế…
Ở thời điểm hiện nay, đại biểu đoàn Hải Phòng cho rằng cần ưu tiên cao cho việc khôi phục kinh tế sau dịch Covid-19. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, Việt Nam cần tạo điều kiện cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp.
Vị đại biểu này dẫn thông tin, thời gian qua nhiều địa phương đã “trải thảm đỏ” cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đa quốc gia về đầu tư ở địa phương mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó, với những sự ưu ái đó thì đối với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các thủ tục đầu tư vẫn còn phức tạp và kéo dài.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) |
Các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai còn nhiều nội dung chưa thống nhất, gây nên sự lúng túng, dè chừng, đùn đẩy của các cơ quan chức năng trong quá trình thẩm định, xem xét giải quyết các thủ tục cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp từ quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chấp thuận đầu tư, tính giá đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến các giấy phép về xây dựng công trình.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp phải mất từ 3-4 năm cho việc chạy lòng vòng và bước dần qua các thủ tục này, thực sự cảm thấy hụt hơi, nản chí.
“Thiết nghĩ chúng ta đang dọn tổ đón đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ để thực sự có được sự công bằng và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phát huy nội lực của doanh nghiệp trong nước, góp phần nhanh chóng hồi phục kinh tế” - đại biểu Bùi Thanh Tùng bày tỏ.
Mở cửa theo lộ trình và giám sát chặt chẽ
Đề xuất giải pháp khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Cần tập trung mở cửa theo lộ trình và có sự giám sát chặt chẽ với 17 nước là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam”.
Bí thư TPHCM nhấn mạnh đặc biệt cần lập lộ trình sớm mở cửa với 10 quốc gia đã cơ bản khống chế được dịch như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Với các quốc gia còn lại, theo đại biểu, cần theo dõi sát và nhanh chóng mở cửa trở lại khi đủ điều kiện.
Lãnh đạo TPHCM cũng đưa ra dự báo việc đầu tư nước ngoài trong năm nay có thể giảm 30% so với năm ngoái, du lịch giảm 50% và đề nghị Việt Nam phải có sự điều chỉnh cho phù hợp tình hình.
“Tóm lại, cần lộ trình mở cửa với từng nước, đồng thời khuyến khích khai thác thị trường trong nước, phát huy sức mạnh văn hóa, chính trị và sức mạnh kinh tế của nước Việt Nam” – ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân |
Trong phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) thống nhất cao với những nhận định đánh giá tình hình dự kiến kịch bản tăng trưởng và các nhóm nhiệm vụ giải pháp được nêu trong báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương cần quan tâm tới một số nội dung trong quá trình triển khai.
Vị đại biểu này đề nghị cần phải tiếp tục thực thi các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 một cách phù hợp hơn, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và đề nghị hết sức thận trọng mở các đường bay quốc tế trong thời gian tới.
Cũng theo đại biểu đoàn Lâm Đồng, cần nghiên cứu xem xét điều chỉnh kịp thời quy trình kế hoạch xuất nhập khẩu ngành nông lâm thủy sản của Việt Nam để phù hợp với tình hình diễn biến bất thường, thiên tai dịch bệnh.
“Cần hết sức tránh những vấn đề lúng túng, bị động như điều chỉnh xuất khẩu gạo trong đêm khuya, giảm giá thì kêu trên tivi như trong thời gian vừa qua” - đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh và cho rằng cần nhanh chóng ổn định và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển ổn định thị trường trong nước với hơn 96 triệu người dân góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là lời giải lâu dài cho bài toán nông sản lặp đi lặp lại trong thời gian vừa qua.
Theo Dân trí
-
Đề xuất thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại trên đất nông nghiệp và phi nông nghiệp
-
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào ngày 30/11
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Thúc đẩy phát triển các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi và điện hạt nhân
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí
-
Báo chí đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng