Đổi thay ở vùng căn cứ địa cách mạng
Vượt qua hơn 70km đèo dốc quanh co của quốc lộ 49 trong bạt ngàn màu xanh của núi rừng, qua ngã ba Bốt Đỏ rồi đến thị trấn A Lưới trên đường Hồ Chí Minh mới mở, tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của huyện miền núi A Lưới. Nữ Anh hùng Hồ Kan Lịch – người Pa Kô (là một trong những Anh hùng lực lượng vũ trang đầu tiên trên dãy Trường Sơn) từ rẫy trở về, trên vai nặng trĩu rau quả nhưng vẫn tươi cười.
Hỏi chuyện, Kan Lịch nói: "Cuộc sống của người dân A Lưới hôm nay so với trước đã thay đổi hàng trăm lần”. Trước đây, đồng bào dân tộc A Lưới sống du canh du cư, đói nghèo triền miên. Sau giải phóng lại bị ảnh hưởng nặng nề của bom đạn chiến tranh, chất độc da cam nên bệnh tật, đói rét. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, giúp đỡ cây trồng, định canh định cư… nên cuộc sống của người dân khá lên.
Ngày ngày Anh hùng Kan Lịch vẫn lên rẫy tăng gia sản xuất. |
Đặc biệt từ khi có đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn thì huyện A Lưới phát triển hơn. Đời sống người dân đi lên nhờ bà con ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với cái hay, cái mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Còn Anh hùng Hồ Vai (70 tuổi) rất phấn khởi vì sự đổi thay vùng đất cách mạng này. Hồ Vai cho biết: Cùng với đời sống kinh tế, đời sống tinh thần của người dân cũng đổi mới, người dân đã ý thức tự chăm lo đời sống cho mình, ai cũng vận động con cái đến trường học cái chữ, chứ không còn bắt con bỏ học lên nương, lên rẫy như trước. Có được như hôm nay là nhờ sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của người dân.
Ông Lê Văn Trừ – Bí thư Huyện ủy A Lưới, cho hay: Cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân A Lưới nay đã đổi thay nhiều. Người dân đồng bào Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu… đã biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao sản lượng.
Anh hùng Kan Lịch và người chú là Anh hùng Hồ Vai luôn nêu gương cho con cháu noi theo. |
Trước đây, nhiều vùng thiếu ăn, giờ đây họ đã tự chủ được lương thực cho mình. Điều đặc biệt là trong kháng chiến, chưa đến 10% đồng bào biết chữ nay đã có 95% người dân biết chữ. Điện, đường, trường, trạm về tận thôn bản. Đến nay toàn huyện có 49 cơ sở trường học, với gần một nghìn giáo viên, trong đó 1/3 là giáo viên dân tộc thiểu số. Hiện tất cả 21 xã đã có trạm y tế, 95% hộ gia đình đã dùng điện lưới; hơn 87% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh… Đặc biệt là từ khi khai thông cửa khẩu A Đớt và Hồng Vân cùng tuyến đường Hồ Chí Minh làm thay đổi rõ rệt bộ mặt huyện miền cao này.
Đến A Lưới hôm nay, ta bắt gặp một màu xanh ngút ngàn của cây trái, những cao su, cà phê… xanh mượt hoà vào màu xanh của núi rừng đang hồi sinh mạnh mẽ.
Huyện A Lưới có 42.998 người/9.589 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 78% (gồm Pa Kô, Tà Ôi, Kinh, Pa Hy và một số dân tộc anh em khác. Trong 21 năm chiến tranh gian khổ cứu nước, đồng bào dân tộc A Lưới đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phục vụ kháng chiến sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc. Toàn huyện có 698 liệt sĩ, 1.018 thương bệnh binh, 10 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 8 Anh hùng lực lượng vũ trang, huyện A Lưới đã được phong Anh hùng lực lượng vũ trang, 16/21 xã, thị trấn được phong tặng danh hiệu Anh hùng. |
Đài Trang (Theo CAND)