“Đội tàu hủy diệt” của Trung Quốc khai thác ồ ạt, tàn phá môi trường Biển Đông
"Tàu mẹ" trong đội tàu đánh bắt của Trung Quốc (bên trái) xuất hiện gần trạm quan sát đại dương của Trung Quốc. (Ảnh: CSIS/AMTI) |
Theo báo Kyodo (Nhật Bản), Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại Washington ngày 20/5 đã công bố những hình ảnh vệ tinh mới cho thấy “đội tàu hủy diệt nhất” của Trung Quốc đã quay trở lại Biển Đông “trong hơn 6 tháng qua” để tiến hành hoạt động khai thác ồ ạt loài sò tai tượng quý hiếm.
Khu vực hoạt động của các tàu khai thác sò Trung Quốc là bãi cạn Scarborough, nơi tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines, và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Báo cáo của AMTI cho biết đội tàu Trung Quốc thường gồm khoảng vài chục tàu đánh bắt nhỏ đi cùng một nhóm “tàu mẹ” có tải trọng lớn hơn. Vỏ sò tai tượng sau khi khai thác sẽ được đưa về tỉnh Hải Nam phía nam Trung Quốc. Tại đây, chúng có thể có thể được bán với giá vài nghìn USD mỗi chiếc để làm đồ trang sức hoặc điêu khắc.
Hoạt động khai thác sò tai tượng của các tàu Trung Quốc giảm mạnh từ năm 2016 đến cuối năm 2018. Năm 2016 cũng là thời điểm Philippines kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối năm 2018, hình ảnh vệ tinh cho thấy các tàu Trung Quốc “hoạt động thường xuyên tại bãi cạn Scarborough và quần đảo Hoàng Sa, bao gồm đá Bông Bay”.
Đội tàu khai thác sò tai tượng của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough (Ảnh: CSIS/AMTI) |
Căn cứ trên các hình ảnh vệ tinh, AMTI cho biết từ năm 2012 - 2015, các tàu khai thác sò của Trung Quốc đã tàn phá nghiêm trọng hoặc phá hủy ít nhất 28 rạn san hô tại Biển Đông. Phương pháp khai thác điển hình của ngư dân Trung Quốc là thả neo tàu, sau đó kéo máy cào để phá vỡ lớp san hô trên bề mặt, từ đó thu hoạch những con sò tai tượng dễ dàng hơn.
Hành động khai thác tận diệt của Trung Quốc trong suốt thời gian dài đã tàn phá nghiêm trọng hệ sinh thái tại Biển Đông. Trong phán quyết của tòa trọng tài quốc tế liên quan tới vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines năm 2016, tòa kết luận Trung Quốc đã vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế về bảo vệ môi trường.
John McManus tại Đại học Miami, người đã đệ trình báo cáo của chuyên gia lên tòa quốc tế, cho biết hơn 10.000 hecta san hô tại vùng biển nông bị tàn phá bởi hoạt động khai thác sò tai tượng của Trung Quốc tính đến năm 2016. Con số này lớn hơn nhiều so với gần 6.000 hecta san hô bị tàn phá bởi hoạt động nạo vét và bồi đắp của Trung Quốc nhằm xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Những vết sẹo tại rạn san hô do hoạt động khai thác tận diệt của Trung Quốc trên ảnh vệ tinh chụp vào tháng 12/2018 và tháng 3/2019. (Ảnh: CSIS/AMTI) |
Các hoạt động khai thác sò tận diệt của tàu đánh bắt Trung Quốc đã được ghi lại trong phóng sự của kênh truyền hình ABS-CBN (Philippines) hồi tháng trước. Đoàn phóng sự của ABS-CBN đã quay cảnh các tàu Trung Quốc sử dụng ống gắn vào máy bơm áp suất cao, tạo lực hút đủ lớn để thổi bay những lớp trầm tích và để lộ những con sò tai tượng quý hiếm.
Phương pháp đánh bắt mới của tàu Trung Quốc giúp khắc phục những hạn chế của phương pháp cũ khi hoạt động tại vùng biển sâu. Tuy nhiên phương pháp mới cũng gây ra tác hại lớn hơn với hệ sinh thái khi các lớp trầm tích bị phát tán, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới hệ sinh thái xung quanh.
Đoàn thực hiện phóng sự của kênh ABS-CBN cũng ghi lại hình ảnh của những đống sò tai tượng lớn được tập kết tại các rạn san hô trước khi các ngư dân Trung Quốc tới thu gom lên tàu. Ảnh vệ tinh hồi tháng 3 cho thấy những chấm trắng bất thường nằm rải rác quanh rạn san hô, đây được cho là những đống sò tai tượng vừa được khai thác.
Những đốm trắng trên ảnh vệ tinh được cho là nơi tập kết sò sau khi khai thác (Ảnh: CSIS/AMTI) |
AMTI chưa phát hiện những bằng chứng cho thấy hoạt động khai thác sò tai tượng mới của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên vào ngày 7/4, cùng thời điểm các tàu dân quân biển của Trung Quốc tập hợp xung quảnh đảo Loaita và Loita Cay do Philippines chiếm đóng, một “tàu mẹ” và nhiều tàu nhỏ được nhìn thấy xuất hiện gần đá An Nhơn (Lankiam Cay).
Tàu mẹ tại đá An Nhơn có chiều dài khoảng 20m, trong khi các tàu tại đá Bông Bay trước đó có chiều dài khoảng 30m. Các tàu nhỏ xuất hiện tại hai đá này có kích cỡ tương đương.
Khu vực đá An Nhơn chưa phát hiện thấy các vết sẹo mới sau khi các tàu Trung Quốc rời đi, đồng nghĩa với việc hoạt động khai thác sò tai tượng có thể chưa diễn ra ở đây.
Tuy nhiên, theo AMTI, phương pháp khai thác mới của tàu Trung Quốc, từng được sử dụng tại bãi cạn Scarborough, cho thấy chúng khó bị phát hiện hơn.
“Không giống những vết sẹo để lại trên bề mặt những rạn san hô nông do hoạt động cào sò trước đây, sự phá hoại gây ra bởi các máy bơm nước áp suất cao tại các vùng nước sâu khó có thể được nhìn thấy trên ảnh vệ tinh. Điều này cho thấy ngoài những hoạt động khai thác sò được ghi nhận tại Biển Đông, vẫn có những hoạt động khác không bị phát hiện. Tuy vậy, với hàng chục nghìn hecta san hô đã bị phá hủy cùng trữ lượng cá đứng trên bờ vực cạn kiệt, toàn bộ khu vực sẽ cảm nhận rõ tác động từ hoạt động hủy diệt môi trường biển này", AMTI cảnh báo.
Theo Dân trí
Trung Quốc yêu cầu Mỹ ngừng "khiêu khích" ở Biển Đông |
Biển Đông phức tạp do nước lớn cạnh tranh, hành động trái với luật pháp quốc tế |
Mỹ kêu gọi các nước tăng cường tuần tra tự do hàng hải Biển Đông |
-
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
-
“Không có căn cứ để nói áp thuế GTGT 5% sẽ làm tăng giá phân bón”
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn