Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Đòi lại thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột: Nhiều lợi thế pháp lý

10:30 | 04/11/2011

1,105 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo các quy định hiện hành của Trung Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam có ưu thế để yêu cầu hủy bỏ Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột bị đánh cắp ở Trung Quốc

Nông dân trồng cà phê lo lắng khi thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị đánh cắp

Khả năng để chúng ta yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu có chứa Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột bị một công ty của Trung Quốc xâm hại là rất lớn. Đó là khẳng định của ông Phạm Vũ Khánh Toàn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm và Liên doanh, đơn vị vừa được Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột ủy quyền đòi lại Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột, trong buổi hội thảo “Bảo vệ thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột”, do Bộ Công Thương, UBND tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột phối hợp tổ chức ngày 3/11.

Dễ chứng minh việc gian dối

Mặc dù Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột bị đánh cắp cách đây hơn 2 năm nhưng nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng chúng ta sẽ thành công trong việc yêu cầu cơ quan chức năng Trung Quốc hủy bỏ sự xâm hại này. Bởi theo điều 16 Luật Nhãn hiệu hàng hóa của Trung Quốc, trường hợp nhãn hiệu có chứa chỉ dẫn địa lý của hàng hóa và nhãn hiệu dùng cho hàng hóa đó, mà hàng hóa không phải từ khu vực tương ứng và lừa dối công chúng thì phải bị từ chối và cấm sử dụng.

Bên cạnh đó, Hiệp định Trips của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng quy định nếu nhãn hiệu hàng hóa có chứa chỉ dẫn địa lý thì không cho đăng ký, còn nếu đăng ký rồi thì phải hủy bỏ. Tuy nhiên, Luật Nhãn hiệu hàng hóa của Trung Quốc cũng quy định nếu nhãn hiệu hàng hóa đã được đăng ký trung thực sẽ có hiệu lực. Như vậy, điều cốt lõi là chúng ta phải chứng minh được Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.Ltd (doanh nghiệp ở Quảng Châu – Trung Quốc đánh cắp Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột) đã không trung thực.

Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột bị Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.Ltd (Trung Quốc) đánh cắp

Theo ông Toàn, việc chứng minh họ đăng ký gian dối là khá đơn giản.

Thứ nhất, trong logo của công ty này, 3 chữ Trung Quốc nằm trên dòng chữ Buon Ma Thuot nhưng không có nghĩa tương ứng với Buôn Ma Thuột, chứng tỏ họ cố ý làm sai.

Thứ hai, đã có nhiều công ty của Việt Nam xuất khẩu cà phê có Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột sang tỉnh Quảng Châu, trong khi họ kinh doanh cùng sản phẩm nên không có lý do gì để không biết thương hiệu của chúng ta.

Thứ ba, Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột đã được đăng ký tại Việt Nam từ năm 2005, còn tại Trung Quốc mới chỉ đăng ký trong năm 2010 và 2011…

Văn phòng Luật sư Phạm và Liên doanh đang liên kết với một công ty luật của Trung Quốc để cùng đứng đơn yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu có chứa Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột ở nước này. Trong trường hợp chúng ta không thể hủy bỏ nhãn hiệu thông qua Ban Khiếu nại và Xét xử (Tổng cục Quản lý hành chính công thương Trung Quốc) thì tiếp tục đệ đơn lên tòa án của Trung Quốc. Ước tính, kinh phí để yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu qua Ban Khiếu nại và Xét xử Trung Quốc là 7.500 USD và sẽ tăng lên rất nhiều nếu chúng ta phải đệ đơn lên tòa án.

Đăng ký bảo hộ ra thế giới

Hiện chưa có con số thống kê chính xác các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam bị đánh cắp ở nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều nhãn hiệu lớn, một số chỉ dẫn địa lý đã bị đăng ký tại nước ngoài như: Trung Nguyên, Vinataba, Phú Quốc, Phan Thiết… Mới đây nhất là Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột bị Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.Ltd đăng ký đến 2 nhãn hiệu.

Để đòi lại cũng như bảo vệ lâu dài thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, các đại biểu tại buổi hội thảo đã thống nhất một số biện pháp cấp bách. Trước hết, Văn phòng Luật sư Phạm và Liên doanh sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý, yêu cầu Ban Khiếu nại và Xét xử của Trung Quốc hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu có chứa Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột. Đồng thời, đăng ký Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột dưới hình thức nhãn hiệu tập thể của Việt Nam ở Trung Quốc.

Theo ông Trần Hữu Nam, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, về lâu dài, chúng ta phải đăng ký Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột dưới dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận hoặc chỉ dẫn địa lý vào các nước trên thế giới. Hình thức đăng ký tùy thuộc vào pháp luật quốc gia về sở hữu trí tuệ của các nước được lựa chọn. Trước hết, sẽ chọn 16 quốc gia tiềm năng để đăng ký, tổng kinh phí dự tính khoảng 13.500 USD. “Trong trường hợp chúng ta chưa thể để đăng ký theo các dạng nói trên thì có thể đăng ký theo dạng nhãn hiệu (nhãn hiệu thông thường) thông qua hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế (hệ thống Madrid). Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời” – ông Nam cho biết.

Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến thương hiệu

Luật Sở hữu trí tuệ đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2006 nhưng đến nay, có rất ít đơn vị tham gia đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý. Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, đến tháng 1/2011, chỉ mới có 242 đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, 49 đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý và 26 đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận. Trong đó, đã cấp được 119 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, 21 chứng nhận chỉ dẫn địa lý và 11 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận.