Doanh nghiệp nước ngoài kiến nghị được nhập khẩu phế phẩm giấy
4 doanh nghiệp FDI này gồm Công ty Cheng Loong Bình Dương Paper, Công ty Xương giấy Kraft Vina và Công ty Giấy Lee & Man Việt Nam và đều là những công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong văn bản gửi Chính phủ, 4 doanh nghiệp FDI này muốn giữ lại phế liệu giấy thuộc mã HS47079000 mà Bộ Tài nguyên và Môi trường dự tính loại bỏ khỏi danh mục hàng hoá được phép nhập khẩu, nhằm quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam.
Lý do là loại nguyên liệu này đang là đầu vào để sản xuất giấy chủ yếu được nhập từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và New Zealand để sản xuất bao bì, tôn sóng và các loại bìa gấp… Đây cũng là dòng nguyên liệu mà các nhà sản xuất trong nước đang tiêu thụ với số lượng cực lớn.
Doanh nghiệp nước ngoài kiến nghị được nhập khẩu phế phẩm giấy. (Ảnh minh hoạ) |
Năm 2017, Việt Nam sản xuất khoảng 2,8 triệu tấn giấy các loại. Trong đó, giấy in chiếm 11%, giấy làm bao bì chiếm 79% (tương đương với 2,22 triệu tấn)… Các doanh nghiệp lớn 100% vốn nước goài là các doanh nghiệp sản xuất giấy làm bao bì, trong đó có 4 doanh nghiệp FDI kể trên chiếm cỡ 48% năng lực sản xuất bao bì của cả nước, với khoảng 1,85 triệu tấn.
Việt Nam hiện cho phép nhập khẩu 4 loại giấy nằm trong dải mã HS…1000; 2000, 3000 và 9000 có số thứ tự từ 11 đến 14 trong danh sách phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Trong đó, giấy phế liệu chiếm khoảng 84% tổng nguyên liệu dùng để sản xuất trong nước, trong đó có mã HS…9000 – là các loại giấy đã qua sử dụng được thu hồi về để tái chế.
Do đó, 4 doanh nghiệp FDI kiến nghị giữ lại mã sản phẩm này trong danh mục các loại phế phẩm giấy được phép nhập khẩu. Các doanh nghiệp này khẳng định đây là loại giấy được sử dụng hiệu quả trong sản xuất giấy và bao bì, không gây tác hại đến môi trường và cũng không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng ùn ứ hàng nghìn container rác thải ở cảng thời gian qua.
Trên thực tế, kể từ khi Chính phủ có lệnh kiểm soát rác thải ùn ứ tại cảng, không ít doanh nghiệp, Hiệp hội đã có văn bản “kêu cứu” và đề xuất tiếp tục được nhập khẩu phế liệu.
Trước đó, Hiệp hội Nhựa TP.HCM cũng có văn bản đề xuất cho phép doanh nghiệp ngành này tiếp tục được phép nhập khẩu phế liệu về nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước. Hiệp hội này cũng khẳng định, chuyện ùn ứ phế liệu tại cảng thời gian qua không mấy liên quan đến các doanh nghiệp sản xuất nhựa.
Trong một văn bản mới đây gửi tới Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan, Hiệp hội thép Việt Nam - VSA cũng kiến nghị tiếp tục được xem xét gia hạn và cấp mới giấy phép nhập khẩu sắt thép vụn để đảm bảo cho các nhà máy thép đang hoạt động.
Cùng với đó, VSA đề nghị xây dựng và ban hành các chế tài xử nghiêm minh đối với các đơn vị nhập khẩu sắt thép vụn vi phạm quy định, pháp luật, gây tác động không tốt với môi trường, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Kiến nghị của VSA được đưa ra, sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có văn bản yêu cầu Hiệp hội này báo cáo và cung cấp thông tin về nhập khẩu phế liệu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Yêu cầu của Bộ TN&MT xuất phát từ tình trạng hàng nghìn container phế liệu bị ùn ứ tại cảng gây ách tắc kéo dài. Theo thống kê, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại tất cả các cảng do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn quản lý là 4.480 container, trong đó riêng tại Cảng Cát Lái là 3.464 container. Trên địa bàn Hải Phòng đang tồn đọng số container quá hạn trên 90 ngày là 737 container.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, hết tháng 5/2018, cả nước nhập hơn 2 triệu tấn sắt thép phế liệu, kim ngạch hơn 744 triệu USD (đạt hơn 16.900 tỉ đồng), trong đó, nhập khẩu phế liệu nhiều nhất của Nhật Bản, với hơn 546.000 tấn, đạt giá trị kim ngạch 200 triệu USD. Việt Nam là một trong những quốc gia cho phép nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu cho ngành sản xuất. Đến nay cả nước có 928 doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu. Tuy nhiên, bên cạnh những danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu, không ít doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa không đạt chất lượng theo quy định, thậm chí làm giả hồ sơ để nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam.
Theo Dân trí