Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần một gói hỗ trợ riêng?
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thời gian qua là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Mặc dù đã có nhiều chính sách hướng tới gỡ khó cho những doanh nghiệp này nhưng trên thực tế vẫn chưa “đến tay” doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần một gói hỗ trợ riêng? |
Tính đến nay, Chính phủ đã mở 3 gói hỗ trợ với những đối tượng chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19. Nhưng theo đánh giá chung, những gói hỗ trợ này cơ bản vẫn chưa thực sự tác động được đến những doanh nghiệp (DN) đang thực sự cần được hỗ trợ. Cụ thể, như gói hỗ trợ trị giá 300.000 tỷ đồng do các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện. Gói này về cơ bản các NHTM sẽ hướng đến hỗ trợ những khách hàng cốt lõi trước, vì vậy không phải DN nào cũng tiếp cận được. Gói hỗ trợ trị giá 180.000 tỷ đồng mục tiêu giảm, giãn thuế cho DN chứ không xóa nợ thuế cho các DN, cũng không phải tiền tươi thóc thật đến tay DN. Gói hỗ trợ trị giá 62.000 tỷ đồng là gói an sinh xã hội dành cho người thất nghiệp, và gói này cũng không đến tay DN.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất điều hành với mục tiêu hỗ trợ cho các DN vay vốn, tạo sức bật cho nền kinh tế phục hồi. Nhiều NHTM đã điều chỉnh ngay lãi suất gửi tiết kiệm VND. Theo đó, các NHTM quốc doanh như Vietcombank, BIDV, VietinBank đều niêm yết lãi suất không kỳ hạn đều ở mức 0,1%/năm, thấp hơn so với mức trần quy định của NHNN và cũng thấp nhất trong hệ thống.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng của Vietcombank là 4,1-4,25%/năm. Tại VietinBank và BIDV, lãi suất kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 2 tháng là 4%/năm, lãi suất kỳ hạn 3 - dưới 6 tháng là 4,25%/năm. Các NHTM cổ phần cũng đã cập nhật biểu lãi suất mới như lãi suất kỳ hạn 1 tháng tại ACB đã giảm xuống còn 4,1-4,25%/năm (tùy thuộc vào số tiền gửi); lãi suất kỳ hạn 3 tháng ở mức 4,25%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 6 tháng của ACB hiện là 6,3-6,6%/năm, giảm khoảng 0,2%/năm so với trước đó đối với khách hàng ngoài khu vực TP HCM. Khách hàng gửi kỳ hạn 1-5 tháng của Sacombank cũng giảm 0,35-0,5 điểm % còn xuống còn là 4,15%-4,25%/năm. Khách hàng gửi kỳ hạn 3-5 tháng tại quầy của VPBank với số tiền dưới 300 triệu đồng sẽ có lãi suất 3,95%/năm, giảm 0,5 điểm %/năm so với trước đó.
Mức lãi suất cao nhất ở kỳ hạn này là 4,2%/năm khi gửi từ 3 tỷ đồng trở lên. Ngân hàng OCB cũng giảm lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng xuống tối đa 4,25%/năm, lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm từ 7%/năm xuống 6,8%/năm; lãi suất kỳ hạn 24 tháng trở lên giảm từ 7,5-7,6%/năm xuống còn 7,3-7,4%/năm…
Phát biểu tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại Hà Nội, nhiều DN cho rằng sự hỗ trợ của ngành ngân hàng vẫn còn khiêm tốn so với những thiệt hại DN phải gánh chịu trong dịch bệnh. Với thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của DN vì dịch bệnh thì tổng giá trị hỗ trợ của ngân hàng chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Vì thế kiến nghị NHNN tiếp tục có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.
Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội Trần Đăng Nam cho biết, hội có hơn 800 hội viên cá thể và tập thể, tạo công ăn việc làm cho gần 30.000 lao động trên địa bàn. Dưới tác động của dịch Covid-19, có tới 20% DN trong hội suy giảm từ 40 đến 90% doanh thu và thực tế gần 20% DN suy giảm 100%.
Thay mặt hội viên, ông Nam kiến nghị NHNN đưa ra bộ tiêu chí cụ thể đối với gói tín dụng 300 nghìn tỷ đồng để phân loại các nhóm DN chịu ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp bởi dịch bệnh theo các mức hỗ trợ tương ứng. Ngoài ra, NHNN cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động hướng dẫn DN làm các thủ tục hành chính nhanh gọn, đơn giản để giúp DN tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng..
Tương tự ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đề nghị ngành ngân hàng cần có nhiều giải pháp hỗ trợ thủ tục vay vốn được thuận lợi hơn, nhằm tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường kinh doanh thuận lợi là điều kiện cho DNNVV ngày một phát triển.
Nêu lên giải pháp hỗ trợ DN, chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trên thực tế đang có rất nhiều DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, giảm lãi suất bao nhiêu đi nữa đối với họ cũng không có ý nghĩa.
“Tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ có gói hỗ trợ dành riêng cho DNNVV, nếu không cứu nhóm này, vấn đề phục hồi khó có thể đạt được hiệu quả tốt nhất. Gói đó phải tiền tươi thóc thật, thông qua các cơ chế phù hợp để họ tiếp cận được. Sau khi DN có điều kiện để phục hồi, sức khỏe tốt lên, các cơ chế hỗ trợ từ chính sách tiền tệ của NHNN mới có thể thẩm thấu để DN có điều kiện phát triển mạnh lên” - TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
M.T
-
Giá vàng hôm nay (22/10): Thị trường thế giới tiếp đà leo dốc
-
Giá vàng hôm nay (21/10): Đồng loạt tăng trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Chân chạy VPI phá kỷ lục ở VPBank Hanoi International Marathon 2024