Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ “dễ thở” hơn nếu được giảm thuế 30%
Khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp
Tại Kết luận số 185/TB-VPCP ngày 17/5/2020 thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương đề xuất trình Quốc hội các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ áp dụng trong năm 2020 theo hình thức phù hợp.
Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ “dễ thở” hơn nếu được giảm thuế 30% |
Trước yêu cầu trên, mới đây, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 93/TTr-BTC trình Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Giải trình về đề xuất xin giảm 30% số thuế TNDN phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, Bộ Tài chính chỉ rõ, tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 760.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong cơ cấu doanh nghiệp của Việt Nam, nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ chiếm hơn 63%, doanh nghiệp quy mô nhỏ chiếm hơn 30% và doanh nghiệp quy mô vừa chiếm gần 4%.
Như vậy, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới hơn 93% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam và các doanh nghiệp này có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội.
Vì vậy, việc giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 10 người (thuộc nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ);
Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người (thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ) là cơ hội để các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của bệnh dịch Covid-19;
Góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, là tiền đề giúp các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ phát triển, chuyển đổi thành doanh nghiệp có quy mô lớn hơn.
Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và được áp dụng ngay trong năm 2020.
Khoản hụt thu ngân sách sẽ được bù đắp từ các loại thuế và nguồn thu khác
Về tiêu chí xác định đối tượng doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ thuế, Bộ Tài chính cho biết sẽ kết hợp giữa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Luật Thuế TNDN hiện hành đảm bảo phù hợp với thực tế và khả năng ngân sách nhà nước (NSNN) cũng như thông lệ quốc tế.
Về tác động của việc giảm 30% thuế TNDN đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, Bộ Tài chính cho hay, chính sách này sẽ làm giảm thu NSNN năm 2020 khoảng 15.840 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, số giảm thu do hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ sẽ được bù đắp từ các loại thuế gián thu và các nguồn thu ngân sách khác vì số tiền thuế được giảm sẽ được sử dụng cho tiêu dùng và đầu tư; đồng thời, sẽ góp phần tăng thu từ thuế TNDN vào giai đoạn tiếp theo do doanh nghiệp có điều kiện để tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Nhưng mặt trái của việc giảm thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có thể sẽ gây ra tình trạng lợi dụng chính sách để tránh thuế bằng cách giữ các tiêu chí để được xác định là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nhằm hưởng ưu đãi về thuế.
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế, tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế; xây dựng kế hoạch, chương trình để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này sau khi được Quốc hội thông qua, trình Chính phủ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Nghị quyết phù hợp với quy định của Luật Thuế TNDN và quy định của pháp luật khác có liên quan; chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện phổ biến các nội dung của Nghị quyết và các quy định liên quan đến các cơ quan, tổ chức và người dân, giúp hiểu biết, nắm bắt pháp luật kịp thời để thực hiện.
M.T
-
Khơi thông “điểm nghẽn” tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
-
Đổi mới sáng tạo xanh sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận thị trường
-
Thị trường tín chỉ carbon: Cánh cửa xanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
-
Thêm cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
-
Gia hạn nộp thuế: Trợ lực cho doanh nghiệp phục hồi
-
Tin tức kinh tế ngày 1/11: Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng vọt
-
VLF 2024: Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics
-
Ả Rập Xê Út có thể cắt giảm giá dầu tháng 12 cho châu Á
-
Rất cần thiết khi đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế
-
Rystad Energy: OPEC+ sẽ không khôi phục sản lượng dầu trong năm nay