Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Doanh nghiệp FDI “ngán” gì nhất khi đầu tư vào Việt Nam?

19:16 | 24/02/2012

2,759 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu phải gạch đầu dòng những nguyên nhân khiến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) than thở về môi trường đầu tư ở Việt Nam thì không thể thiếu: chất lượng nhân công thấp, hạ tầng chưa đồng bộ, chi phí thời gian quá dài…

Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trên 1.970 doanh nghiệp FDI từ 45 quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, có tới 16% doanh nghiệp làm ăn thua lỗ trong 3 quý đầu năm 2011. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp FDI được yêu cầu nhận định về chính hoạt động của mình, lại xuất hiện thêm 6% nữa (22%) số DN tự thú nhận là đang thua lỗ. Điều gì đang xảy ra?

Theo Nhiệt kế doanh nghiệp, các doanh nghiệp FDI khá âu lo về kế hoạch kinh doanh và đầu tư trong vòng 2 năm tới. 866 doanh nghiệp coi chính sách Nhà nước và năng lực quản lý của chính quyền cấp địa phương là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hiệu quả kinh doanh. Về phần mình, Doanh nghiệp FDI hoạt động ngành dịch vụ lại “ngán” nhất yếu tố lao động và điều kiện thị trường.

Intel Việt Nam - doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư lớn và hoạt động hiệu quả tại Việt Nam.

Yếu tố đầu tiên được xem có thiên hướng cải thiện (nhưng vẫn giữ con số “trên trời”) là thời gian gia nhập thị trường. Năm 2009, các doanh nghiệp FDI cần 2 tháng để chính thức tham gia thị trường, hiện chỉ còn 43 ngày – vẫn là con số cao. Tỉnh Bình Dương được coi là tỉnh có thời gian thấp nhất, cũng giữ ở mức 33 ngày.

Ở khía cạnh quyền sở hữu tài sản, chỉ có 20% doanh nghiệp FDI có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2010, con số này là 33%, giảm 13% chỉ trong vòng 1 năm. Thời gian chờ đợi xin cấp giấy phép sử dụng đất cũng không được cải thiện. Kết quả khảo sát trên cho thấy nhà đầu tư hiện nay phải chờ trung bình 143 ngày để được cấp giấy.

Về vấn đề minh bạch, khả năng doanh nghiệp được tiếp cận các tài liệu kế hoạch, như kế hoạch về các dự án cơ sở hạ tầng hoặc quy hoạch sử dụng đất vẫn chưa được cải thiện. Thậm chí trong năm qua, khả năng tiếp cận văn bản quy phạm pháp luật như luật, pháp lệnh… của Trung ương và văn bản pháp luật cấp tỉnh sụt giảm từ điểm trung bình 3,1 xuống còn 2,9 trong thang điểm 5.

Một mối quan tâm nữa với doanh nghiệp FDI là thời gian chờ thủ tục thông quan khi xuất – nhập hàng hóa. Trên thực tế, thời gian chờ thực hiện thủ tục thông quan đã tăng nhẹ, từ nửa ngày để thực hiện thủ tục thông quan với hàng hóa nhập khẩu, trong khi thời gian cho hàng xuất khẩu tăng thêm 0,7 ngày. Hai thành phố lớn nhất đất nước là Hà Nội và TP HCM đều chậm chạp và gây tốn kém cho doanh nghiệp ở thủ tục thông quan xuất – nhập.

Một yếu tố nữa mà các doanh nghiệp FDI tỏ thái độ chưa hài lòng chính là thái độ của chính quyền tỉnh. Theo khảo sát của VCCI, hiện nay số doanh nghiệp FDI cho rằng cán bộ địa phương ưu đãi doanh nghiệp nước ngoài trong các quyết định kinh tế đã giảm đi rất nhiều, từ 59,6% trong năm 2010 so với hiện nay là 33%.

Chất lượng lao động tiếp tục là mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp FDI nhận định giáo dục phổ thông và đào tạo nghề vẫn chưa được cải thiện trong 2 năm qua. Trên phạm vi cả nước, 26% lao động của các doanh nghiệp FDI có bằng đại học và 44% đã qua đào tạo nghề. Theo các doanh nghiệp, 72% số lao động có khả năng đọc, viết và hiểu hợp đồng lao động.

Do không hài lòng về chất lượng giáo dục phổ thông và đào tạo nghề, gần 40% số doanh nghiệp FDI cho biết cần đào tạo tại chỗ cho lao động của mình. Có một thực tế đáng buồn là chỉ có 66% lao động sau khi được đào tạo là ở lại làm việc cho doanh nghiệp. Nếu giáo dục phổ thông và đào tạo nghề có chất lượng tốt hơn, các công ty có thể cắt giảm chi phí đào tạo tại chỗ.

Đánh giá tiêu cực về chất lượng lao động ảnh hưởng đến nguồn lực doanh nghiệp FDI dành cho đào tạo lao động. Các công ty nước ngoài chi khoảng 7,4% chi phí cho đào tạo lao động, trong khi tỉ lệ này là 5% của các công ty trong nước. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và tài chính có chi phí đào tạo lao động cao nhất.

Về cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI 2011 tỏ ra hài lòng hơn về chất lượng đường bộ và cho biết số giờ bị cắt điện đã giảm đi. Tuy nhiên, tỉ lệ doanh nghiệp hài lòng về chất lượng dịch vụ viễn thông và khu công nghiệp không tăng.

Theo kết quả khảo sát của VCCI, các doanh nghiệp FDI chọn Việt Nam là địa điểm đầu tư vì chi phí lao động thấp, chính trị ổn định và không đề cao các yếu tố điều hành khác. Còn lại, những vấn đề đã nêu trên vẫn bị doanh nghiệp FDI “kêu” và đó vẫn là những trở ngại chính khiến vốn FDI của đổ vào Việt Nam giảm trong năm 2011 và cụ thể là tháng 1/2012.

Đức Chính