Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Điều chỉnh lãi suất và sự ảnh hưởng đến lạm phát

17:18 | 24/04/2012

3,266 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để thúc đẩy kinh tế Việt nam thoát khỏi giai đoạn khó khăn, hướng tới phát triển bền vững, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra một số chính sách cũng như lộ trình ổn định lãi suất huy động, cho vay.

Lộ trình tương thích

Trong khoảng thời gian 1 tháng trở lại đây, NHNN đã đưa ra 2 lần thay đổi lãi suất trần huy động. Ngày 13/3/2012, NHNN giảm lãi suất huy động 1% xuống còn 13%/năm, đến ngày 11/4/2012, lãi suất trần huy động lại được công bố giảm xuống còn 12%/năm. Việc cắt giảm lãi suất lần thứ hai được xem là khá bất ngờ, do vào tháng trước, Thống đốc NHNN đã nhận định, lãi suất sẽ chỉ được cắt giảm khoảng 1% mỗi quý. Động thái này được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn, ngoài ra việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ làm cho nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn, thị trường hàng hóa sẽ ổn định. Ngay sau khi có quyết định của NHNN, các ngân hàng đồng loạt niêm yết lãi suất huy động, các ngân hàng lớn đồng loạt hạ mức lãi suất cho vay tối thiểu xuống 1-2% so với thời điểm trước đó.

Chính sách giảm lãi suất của NHNN cũng được cho là cẩn trọng, đảm bảo khả năng kiểm soát lạm phát. Chính sách này được đưa ra cùng với một loạt chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước, càng cho thấy rõ ràng những kỳ vọng của Chính phủ về một thị trường ổn định tại Việt nam.

Như chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Mở TP HCM: "Thời gian tới, NHNN cần bám sát thị trường để theo dõi cung tiền ra vào, điều chỉnh lượng cung tiền cho hợp lý. Đồng thời, phải kiểm soát chặt thị trường ngoại tệ, vàng… thì sẽ phần nào hạn chế được nguy cơ lạm phát cao quay trở lại”, hay nhận định của các chuyên gia ANZ: “Việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6% trong năm nay như đã đề ra, việc công bố kế hoạch cắt giảm lãi suất ở thời điểm này cho thấy NHNN tự tin vào triển vọng lạm phát năm nay, tuy nhiên vẫn cần phải cẩn trọng vì những rủi ro gia tăng”. Những nhận định này cho thấy Việt Nam nên thận trọng để tránh làm xáo trộn những kỳ vọng về giá cả.

Ưu tiên kiềm chế lạm phát

Áp lực về giá tại Việt Nam vẫn là nguyên nhân chủ yếu của lạm phát. Việc phối hợp các chính sách tiền tệ với cơ quan thực hiện chính sách quản lý giá (Bộ Tài chính) là rất quan trọng. Giá xăng dầu hay các chi phí vận tải tăng không liên quan đến chính sách tiền tệ, tuy nhiên thường bị đánh đồng cho các nguyên nhân lạm phát. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã nói: “Nguy cơ lạm phát vẫn rất hiện hữu trong khi chúng ta phải cố gắng làm sao để hạ lãi suất xuống. Cân đối được cái đó là bài toán rất khó đối với NHNN”. Lạm phát tại thời điểm tháng 12/2011 tại Việt Nam ở mức 18,12% so với cùng kỳ một năm trước, cao hơn mức 18% mà Chính phủ phấn đấu, năm 2012 Chính phủ nhấn mạnh đưa con số này về 9%.

Tình hình khó khăn thanh khoản của các ngân hàng cũng được cải thiện đáng kể và có thể nói là đang nằm trong tầm kiểm soát. Các ngân hàng thương mại rất hưởng ứng việc giảm lãi suất huy động từ NHNN, miễn là nhận được một cam kết thanh khoản từ phía NHNN, đồng thời với việc khởi động lại một cách hiệu quả thị trường liên ngân hàng vốn đang đình trệ trong thời gian qua. Không còn ngân hàng nào muốn quay lại thời gian cạnh tranh lãi suất huy động thu hút tiền gửi như một cuộc chiến sinh tử nhằm lách luật để sống còn.

Đối với việc vay vốn của các doanh nghiệp, để có được mức lãi suất vay thấp, các doanh nghiệp bị các ngân hàng đưa ra nhiều ràng buộc. Tuy nhiên nguồn cho vay với lãi suất thấp còn rất hạn chế, do các ngân hàng vẫn cần thêm thời gian để sử dụng hết các khoản huy động lãi suất cao. Như vậy sẽ còn khá lâu các doanh nghiệp mới có thể tiếp cận được với nguồn vốn vay giá rẻ (từ 14%/năm – 15%/năm), với mức lãi suất này, các doanh nghiệp vẫn cần phải tính toán hiệu quả của việc vay vốn với tình hình thị trường giá cả thay đổi, đặc biệt là giá xăng dầu và sự cạnh tranh với các nhãn hàng nước ngoài như hiện nay.

Mục tiêu của chính sách tiền tệ hiện nay vẫn là tiếp tục kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô mà nhiệm vụ quan trọng nhất là kiềm chế lạm phát. Nếu rủi ro lạm phát có nguy cơ xuất hiện trở lại thì mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 10% của năm nay sẽ bị ảnh hưởng, việc tăng lãi suất sẽ là một điều không thể tránh khỏi. Trong tình huống này, Việt Nam sẽ trở thành một nền kinh tế có tiềm năng lớn và có mức lãi suất cao trong khu vực và trên thế giới – điều này sẽ làm xuất hiện những cơ hội mới và những rủi ro mới. Sẽ có những nguồn ngoại tệ từ nước ngoài chuyển vào Việt Nam chuyển đổi thành tiền đồng, gửi vào hệ thống ngân hàng để được hưởng lãi suất cao – khả năng này rất dễ xảy ra khi lãi suất tại các nước công nghiệp phát triển đang được duy trì ở mức rất thấp trong nỗ lực không ngừng nghỉ của họ nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi vũng lầy suy thoái.

Khi nguồn cung ngoại tệ trở nên dồi dào hơn, thanh khoản tại các ngân hàng của chúng ta được cải thiện hơn – một dấu hiệu tốt, tỉ giá đồng Việt Nam cũng trở nên mạnh hơn và ổn định hơn – một dấu hiệu khác được xem là tốt.

Mặt khác, khi lãi suất đồng bạc Việt Nam cao và tỉ giá ổn định, lợi nhuận mà nền kinh tế nước ta phải trả cho những dòng ngoại tệ đang rót vào hệ thống ngân hàng sẽ trở nên quá lớn. Thách thức này cũng sẽ là một bài toán khó giải đối với các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam.

Thùy Dương

Ban Nguồn vốn