Diễn đàn Shangri-la 2016: Trung Quốc 'khôn nhưng chưa ngoan'
Vốn nổi lên là một khu vực giàu tài nguyên cùng với việc hình thành các tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và an ninh hàng hải những năm gần đây – Biển Đông luôn là từ khóa thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế trước mỗi sự kiện chính trị, ngoại giao liên quan.
Diễn đàn an ninh Châu Á (gọi tắt là Đối thoại Shangri-la) được tổ chức thường niên từ ngày 3 – 5/6 tại Singapore cũng là một sự kiện ngoại giao quan trọng để nhằm định hình lại chiến lược quốc phòng của các nước tham gia.
Nhân sự kiện này vừa kết thúc, Tiến sỹ Trần Việt Thái – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao đã dành cho Báo điện tử PetroTimes những chia sẻ, nhận định của mình về kết quả của Hội nghị cũng như dự đoán về bức tranh tổng thể của khu vực Biển Đông trong thời gian tới. Nhất là thời điểm, Tòa trọng tài quốc tế (PCA) ra phán quyết về vụ kiện của Philippines trước yêu sách lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông đã cận kề.
PV: Là một nhà nghiên cứu chuyên sâu trong ngành ngoại giao, nhận định của Tiến sĩ ra sao về những diễn biến cũng như kết quả của Diễn đàn Shangri-la năm nay?
TS. Trần Việt Thái: Đây là lần thứ 15, một Hội nghị thường niên bao gồm những quan chức quốc phòng hàng đầu của rất nhiều nước thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cùng gặp gỡ để bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng, mang tính toàn cầu.
Phát biểu của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam tại Đối thoại Shangri-la 2016 được dư luận đánh giá rất cao. |
Trong 3 ngày nhóm họp với các hội nghị chính thức cũng như bên lề tại quốc đảo Singapore, Diễn đàn năm nay tập trung chủ yếu tới 4 nhóm vấn đề trọng tâm chính được thế giới quan tâm. Bao gồm: Các vấn đề an ninh khu vực; Vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên; Chống chủ nghĩa khủng bố vốn đang bị phủ bóng đen bởi sự hoành hành của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS; Các thách thức phi truyền thống như vấn đề di cư, biến đổi khí hậu.
Nổi bật và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, đó là vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên nhìn vào sự đối đầu giữa Mỹ - Trung Quốc năm nay, sự căng thẳng so với Diễn đàn năm trước đã có phần giảm bớt. Dấu hiệu minh chứng cho sự giảm căng thẳng này chính ở việc đoàn Trung Quốc tham dự hội nghị năm nay đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo hơn.
Trưởng đoàn Tôn Kiến Quốc đã cùng với phái đoàn hùng hậu của mình còn chủ động tổ chức họp báo và trả lời một số câu hỏi.
Dù là như vậy, điều đó cũng không thể làm thay đổi được bản chất của vấn đề mâu thuẫn trong những phát ngôn và hành động của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng việc Trung Quốc tự ý phát tờ rơi cho các đại biểu tham dự Diễn đàn nhằm tung tin sai sự thật về cái gọi là “chủ quyền” của nước này đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vốn của Việt Nam. Ông bình luận ra sao về hành động này?
TS. Trần Việt Thái: Theo tôi đánh giá, việc phát tờ rơi trong khuôn khổ Diễn đàn Shangri-la về nguyên tắc là không sai.
Nhưng lần này, phái đoàn Trung Quốc đã tự ý in và phát một số lượng tờ rơi bằng cả Tiếng Anh và Tiếng Trung nhằm tuyên truyền chủ quyền vô lý của họ ở Biển Đông là hành động thiếu tôn trọng nước chủ nhà Singapore. Điều này có nghĩa là Trung Quốc đã phát chui tài liệu này.
Tiến sĩ Trần Việt Thái – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao (Ảnh: Đình Tuệ). |
Ngay sau đó, Thượng tướng – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, trưởng phái đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn đã có những phát biểu với báo giới về hành động này của phía Trung Quốc.
Tướng Vịnh nhấn mạnh việc không nên có những hành vi như vậy, nếu có ý kiến thì nên phát biểu công khai trên bàn hội nghị, vì Shangri-la vốn là một diễn đàn mở.
Tôi đánh giá đây là một phát biểu rất chính xác của Thượng tướng Vịnh. Ông cũng đã nói lên được ý chí, nguyện vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Khẳng định việc giải quyết các bất đồng, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo cần giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Như đã nói ở trên, dù năm nay Trung Quốc đã có sự chuẩn bị khá kỹ càng trước khi dự Diễn đàn, nhưng bản chất của họ về vấn đề Biển Đông thì không bao giờ thay đổi.
PV: Ông bình luận ra sao về việc Mỹ - một quốc gia vẫn chưa phê chuẩn tham gia UNCLOS nhưng rất linh hoạt trong việc vận động các nước tôn trọng luật pháp quốc tế. Trong khi phía Trung Quốc thì lại đang làm điều ngược lại, nhất là thời điểm Tòa PCA đang chuẩn bị ra phán quyết vụ kiện của Phillipines?
TS. Trần Việt Thái: Trước hết phải khẳng định, tuy phán quyết của Tòa PCA không có tính bắt buộc nhưng thực tế cho thấy, rất nhiều nước đã căn cứ vào phán quyết của Tòa PCA để đánh giá và điều chỉnh lại chính sách của mình. Nên có thể nói, phán quyết của PCA vẫn có tính “tự nguyện bắt buộc”.
Nhiều dự đoán cho rằng, Tòa PCA khả năng sẽ ra phán quyết có lợi cho Phillipines và gây bất lợi cho Trung Quốc. Còn đương nhiên, phía Trung Quốc nhiều lần phủ nhận quyền phán quyết của Tòa và tuyên bố không chấp nhận phán quyết này. Dù vậy, với vai trò là thành viên thường trực của Hội đồng bảo an LHQ, Trung Quốc nhất định sẽ chịu rất nhiều áp lực, uy tín bị ảnh hưởng bởi vụ kiện lần này.
Trong khi, Mỹ dù đang trong quá trình vận động Quốc hội phê chuẩn tham gia UNCLOS, nhưng thời gian gần đây đã liên tiếp vận động các nước tôn trọng và ủng hộ phán quyết của Tòa PCA với vụ kiện của Phillipnes.
Đối đầu Mỹ - Trung Quốc trên Biển Đông giờ đang bước sang một hình thái mới, nhưng chưa có khả năng đối đầu về quân sự.
PV: Vậy một kịch bản nhằm “trả đũa” cho phán quyết của PCA mà Trung Quốc có thể áp dụng cả về kinh tế lẫn thực địa sẽ diễn ra trong những tháng tới?
TS. Trần Việt Thái: Mâu thuẫn Mỹ - Trung trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông vẫn đang diễn ra.
Mỹ nhiều lần nhắc nhở Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, không nên có các hành vi gây leo thang căng thẳng trên Biển Đông như cố tình bồi lấp đảo nhân tạo, quân sự hóa rồi tập trận dồn dập ở đây.
Đá Chữ Thập – một trong 7 thực thể ngầm vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc cải tạo thành đảo nhân tạo với đường băng dài tới 3.000m gây phẫn nộ dư luận (Ảnh: CSIS). |
Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn chỉ trích ngược lại Mỹ - Nhật đã “gây căng thẳng ở khu vực”. Trong khi chính Trung Quốc mới là nước gây leo thang căng thẳng ở Biển Đông.
Trung Quốc luôn thể hiện tính hai mặt. Sắp tới khi Tòa PCA ra phán quyết, có thể Bắc Kinh sẽ tiến hành các hành động nhằm “trả đũa” nhằm chống lại phán quyết về cả kinh tế lẫn trên thực địa.
Một kịch bản về việc Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông nhằm kiểm soát cả trên mặt biển, dưới biển và trên không sẽ được Trung Quốc tính đến. Hay việc cải tạo bãi cạn Scarbough mà nước này chiếm từ tay Philippines từ năm 2012 đến nay.
Nhưng để thực hiện các bước đi đó, chắc chắn lãnh đạo Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc rất kỹ. Bởi Biển Đông không chỉ có vấn đề tranh chấp biển đảo, mà đó còn là vấn đề đảm bảo an ninh hàng hải, hàng không của không chỉ các quốc gia trong khu vực. Đó còn là sự có mặt của các cường quốc Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Việt Nam sẽ phải rất tỉnh táo để có các bước đi phù hợp với thực tế trong thời gian tới!
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đình Tuệ – Thảo Phượng
-
Bão Trami có thể chuyển hướng khi đến gần bờ nước ta
-
Hệ quả từ sự phát triển quá nóng của năng lượng mặt trời ở Trung Quốc
-
Trung Quốc củng cố an ninh năng lượng như thế nào?
-
Thăm dò dầu khí của Petronas ở Biển Đông: Những thách thức về địa chính trị và năng lượng
-
Khi nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc chạm đỉnh: Thị trường thế giới sẽ ra sao?
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3