Điểm mặt hoa quả “Tàu” gắn mác “made in Vietnam”
Dưới đây là những loại trái cây “Tàu” nhưng đang mang nhãn mác Việt Nam để xâm nhập thị trường do nhóm phóng viên điều tra.
1. Nho xanh không hạt
Nho xanh không hạt gắn mác Ninh Thuận gần đây được bán đầy chợ và đường phố Sài Gòn với giá 50.000-60.000 đồng/kg. Các thương lái cho biết họ nhập sản phẩm từ Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức và mỗi ngày bán ra thị trường hàng trăm kg.
Tuy các tiểu thương khẳng định nho xanh không hạt có xuất xứ từ Ninh Thuận, nhưng một chủ vựa nho ở Ninh Thuận cho biết hiện tại tỉnh này chỉ còn bán loại nho đỏ, còn nho xanh toàn vùng đã hết hàng gần 2 tháng nay.
Vị chủ vựa nho này còn cho biết công ty của ông đã trồng thử nghiệm nhiều loại nho không hạt, nhưng vì điều kiện thổ nhưỡng của Việt Nam không phù hợp nên 100% sản phẩm làm ra là nho có hạt. Do đó, nho xanh không hạt chủ yếu là hàng Trung Quốc.
Ban quản lý Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết nho từ Ninh Thuận đã hết hơn 1 tháng nay, nên 100% nho xanh không hạt nhập về chợ là nho ngoại và chủ yếu là xuất xứ Trung Quốc. Giá bán tại chợ đầu mối dao động 30.000-35.000 đồng/kg.
2. Mận tím
Một loại mận to gắn mác Hà Nội cũng được bán khá nhiều trên các tuyến đường và chợ truyền thống tại Sài Gòn hơn 1 tháng nay, với giá chỉ 35.000 đồng/kg.
Một tiểu thương tại chợ Hòa Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết đây là loại mận tím, có cùi dày, vị ngọt, ít hư hỏng nên để được lâu, giá lại rẻ, nên mỗi ngày chị có thể bán được gần 50kg.
Mặc dù các tiểu thương khẳng định loại mận màu tím đậm, trái to này là hàng Hà Nội, nhưng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết ở đây không hề trồng loại cây này.
Mận là loài chỉ thích hợp với khí hậu ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Lạng Sơn…, nhưng cán bộ ngành nông lâm ở các tỉnh này cũng khẳng định không hề trồng loại mận tím.
Đại diện Chợ nông sản đầu mối Thủ Đức cho biết các loại mận đổ về chợ này khá nhiều, trong đó có mận hậu của Lào Cai và Lạng Sơn, và cả các giống mận khác đa phần có nguồn gốc từ Trung Quốc. Các tiểu thương treo mác đặc sản miền Bắc cho dễ bán.
Về vấn đề an toàn vệ sinh, đại diện chợ Thủ Đức cho biết các lô hàng nhập về đều được kiểm tra hóa chất và dư lượng bảo vệ thực vật, nên chất lượng sản phẩm vẫn nằm trong ngưỡng cho phép.
3. Lê vàng
Lê vàng cũng là loại trái cây Trung Quốc đột lốt hàng Việt nhiều năm nay. Một tiểu thương ở chợ Hòa Bình cho biết lê Việt Nam số lượng không nhiều và mẫu mã không đẹp nên chị chọn hàng Trung Quốc để tránh hư hao. Mỗi ngày chị bán được khoảng 40kg với giá bán 25.000 đồng/kg.
Lê Trung Quốc quả to tròn, trông đẹp mắt, thường được bọc trong lưới xốp để tránh dập nát. Trong khi đó, lê Việt Nam thon dài hơn, cầm chắc tay. Về màu sắc, lê Trung Quốc sáng bóng, da căng, có màu xanh hoặc vàng tươi, còn lê Việt Nam có vỏ ngoài sần sùi và màu vàng đậm. Khi bổ ra, lê Trung Quốc ruột thường bị thâm đen, lỗ chỗ như kim châm, không trắng ngon như bình thường, nhưng thời gian bảo quản lâu hơn lê Việt Nam.
Tại Việt Nam, lê thường được trồng ở các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Thái Nguyên, thường được thu hoạch vào mùa thu. Tuy nhiên, lượng hàng thường không nhiều.
4. Đào
Đào cũng là loại hoa quả được rao bán rầm rộ với mác đào Sapa, giá bán dao động từ 20.000-40.000 đồng/kg. Một chủ sạp ở chợ Văn Thánh (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết loại đào này ăn giòn, ngọt và thơm.
Các tiểu thương khẳng định đó là đào Sapa, nhưng ban quản lý Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức lại cho biết đây đa phần hàng nhập từ Trung Quốc.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết mùa đào ở Sapa đã kết thúc vụ vào đầu tháng 7, nên các sản phẩm đang gắn mác “Sapa” hiện nay là không đúng. Hơn nữa, số lượng đào và mận tại Lào Cai rất ít, sản lượng mỗi năm khoảng 6.000 tấn, và mẫu mã không được đẹp như những sản phẩm đang bán ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đào Trung Quốc thường có mẫu mã đẹp hơn đào Sapa, với vỏ trơn láng, nhẵn mịn, lông ít hoặc không có và kích thước khá lớn. Trong khi đó, đào Sapa trái nhỏ, nhiều lông, trước khi ăn phải rửa sạch hết lông bám bên ngoài mới ăn được.
Sở dĩ các tiểu thương đang phải tìm cách gắn mác “Việt Nam” cho các loại hoa quả của Trung Quốc để tiêu thụ vì rất nhiều loại hoa quả nhập khẩu từ lước láng giềng hiện nay đã bị người Việt tẩy chay do lo ngại có chứa hóa chất bảo quản độc hại.
Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam đã nhiều lần lấy mẫu kiểm tra hoa quả có xuất xứ Trung Quốc, trong số đó xác định lê Trung Quốc có chất gây vô sinh, táo Fuji bọc túi tẩm thuốc sâu, hoa quả sấy kho nhiễm chì, quýt “tẩm” thuốc, ruột mốc xanh
ĐKN
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng