Đi tìm giá trị đích thực cho cà phê Việt
Trở ngại từ những “điểm yếu”
Những năm gần đây, tình trạng được mùa dân đổ xô trồng, dẫn đến đầu vào như: phân bón, nước tưới… thiếu, chất lượng cà phê giảm sút. Chưa kể, vào mùa thu hoạch, nếu mùa “bội thu”, thương lái sẽ thi nhau ép giá, khiến người nông dân “thiệt đơn thiệt kép”. Kết quả là vụ thu hoạch không cao, người nông dân lại ồ ạt chặt gốc, bỏ trồng, khiến sản lượng giảm sút đột ngột, ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Không chỉ người trồng tự phát, mà ngay các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu cũng chung cảnh mạnh ai nấy lo. Ngoài Tổng Công ty Cà phê Việt Nam là DN Nhà nước giữ vị trí trung tâm, hiện trong nước cũng có nhiều DN tư nhân tham gia vào lĩnh vực chế biến và xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên, đa phần các DN đều nhỏ lẻ, phát triển thiếu liên kết, tạo kẽ hở để các DN ngoại nhảy vào thu mua cà phê, từng gây ra sự hỗn loạn ngay trong thị trường nội địa.
Những điểm yếu này không phải không được các cơ quan chức năng nhìn ra. Đã có không ít hội nghị, hội thảo được tổ chức để tìm ra hướng phát triển bền vững cho ngành cà phê. Vấn đề quy hoạch được coi là “then chốt” để giải quyết những tồn tại của ngành trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, phát triển ồ ạt, phá vỡ quy hoạch vẫn đang là vấn đề tồn tại mà xem ra không dễ giải quyết trong một sớm một chiều.
Chất lượng cà phê Việt đang bị để ngỏ?
Bên cạnh những bất ổn về vấn đề quy hoạch, thì một vấn đề rất đáng quan ngại đối với tình hình phát triển của ngành cà phê nước ta, đó là diện tích cà phê già cỗi, năng suất chất lượng kém, cần thay thế chiếm khoảng 1/3 trong tổng số 600.000ha cà phê. Để đầu tư vốn tái canh cây cà phê cần một số vốn rất lớn. Tuy nhiên, phản ánh từ các hộ trồng cà phê thì việc tiếp cận vốn từ phía ngân hàng đang rất khó khăn, dù chính sách tín dụng cho “tam nông” được triển khai khá mạnh mẽ. Trong khi thu nhập từ trồng cà phê chưa cao, việc đầu tư giống, phân bón, thuê nhân công… khiến người nông dân gần như chỉ “lấy công làm lãi” nên chuyện đầu tư trồng mới cây cà phê là “lực bất tòng tâm”. Đây cũng là nguyên nhân buộc người dân và DN phải “gắn bó” với diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp.
“Bình quân đầu tư cho 1ha cà phê tái canh cần khoảng 200 triệu đồng thì cần phải có 40.000 tỉ đồng để tái canh cho toàn bộ diện tích cà phê già cỗi của cả nước. Đây là nguồn vốn lớn mà DN và người trồng cà phê không thể tự lo được” - ông Nguyễn Đại Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH Cà phê IAGRAI tính toán. Theo ông Ngọc, Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ cho DN và người trồng cà phê được vay vốn ưu đãi, lãi suất thấp, với thời gian vay từ 7-10 năm mới giải quyết được vấn đề này. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khi chính sách tiền tệ đang ở thời kỳ “chặt chẽ”, nguồn cung tín dụng đang hạn chế là trở ngại lớn cho việc đầu tư tái canh cây cà phê.
Bên cạnh đó, chính sách đầu tư xây dựng thương hiệu cà phê Việt cũng chưa thực sự được các DN quan tâm. Không phải ngẫu nhiên mà sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam chiếm tới 30% sản lượng toàn thế giới, trong khi kim ngạch lại chỉ chiếm 10%. Các chuyên gia cho rằng, giá trị cà phê Việt thua xa so với Brazil là bởi chúng ta chưa đầu tư vào chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc đầu tư xây dựng thương hiệu cà phê cũng không được các DN chú trọng, khiến cà phê Việt luôn lép vế so với cà phê Brazil.
Làm sao để nâng cao giá trị?
Vậy phải làm sao cho hạt cà phê của chúng ta tìm lại đúng giá trị thực của nó? Câu hỏi này cũng đã được đặt ra không ít lần và cũng là niềm trăn trở của rất nhiều người trót đem lòng “yêu” cà phê Việt. Thế nhưng, để trả lời được câu hỏi này, rõ ràng không phải là vấn đề giản đơn như nói.
Vấn đề phát triển theo đúng quy hoạch luôn được xem là việc làm đầu tiên để “cứu” ngành cà phê xuất khẩu. Theo quy hoạch mới nhất của Bộ NN&PTNT (ban hành năm 2012), diện tích cà phê Việt Nam đến năm 2020 giữ mức 500.000ha, năm 2030 là 479.000ha. Tuy nhiên tính đến thời điểm này, diện tích cà phê của cả nước là 614.000ha, tăng 20% so với quy hoạch. Ông Trương Hồng - Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, để hướng người nông dân trồng cà phê đạt hiệu quả cao thì phải có sự tham gia của Nhà nước trong vấn đề quy hoạch. Thứ hai phải quản lý tốt quy hoạch, trong đó cần làm rõ để người dân có thể nắm được trong điều kiện nào, với điều kiện đất đai, nguồn nước ra sao thì có thể trồng cà phê, còn không thì không nên trồng.
Đứng ở góc độ Hiệp hội, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam cho rằng: Dự báo, đến năm 2020, diện tích cà phê già của Việt Nam sẽ lên tới 50%, do vậy, điều đầu tiên là phải lo tái canh để giữ vững vị trí số hai. Tiếp đến là phải bảo đảm chất lượng. Chất lượng cà phê ở Việt Nam hiện nay không đồng đều, do còn tồn tại song song hai bộ tiêu chuẩn, đó là tiêu chuẩn 4193 năm 2005 của Bộ NN&PTNT và tiêu chuẩn ISO 2000 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Thứ ba, khâu sản xuất nguyên liệu thì rất tốt, nhưng khâu chế biến và giá trị gia tăng lại yếu, kém. Do đó, cần đầu tư cho khâu chế biến để tạo giá trị gia tăng cho cà phê…
Ngoài ra vấn đề đổi giống mới tốt hơn cho các vườn cà phê cũng là một khâu quan trọng cần được đầu tư và cũng cần thời gian. Đây cũng là một chương trình trung hạn của ngành cà phê Việt nam.
Câu chuyện về hạt cà phê và việc nâng cao giá trị, khẳng định thương hiệu của mặt hàng này trên trường quốc tế sẽ tiếp tục làm tốn nhiều thời gian, bút, mực của rất nhiều người, nhiều ngành. Mong rằng, trong thời gian tới cà phê Việt không chỉ đạt được chỗ đứng và vị thế xứng tầm mà còn mang lại giá trị đích thức cho cả những người nông dân “một nắng hai sương” sống, chết cùng cây cà phê.
Minh Lê