Đi chùa ngày tết: Hành xác hay cầu may?
Năng lượng Mới số 294
Lộn xộn chốn cửa thiền
Từ sau giây phút giao thừa trở đi, không một nơi thờ Phật, Thánh nào là không có người đến thắp hương cầu cúng, chỉ khác là số lượng ít hay nhiêu tùy theo quy mô của từng chùa, đình, đền… mà thôi. Như chùa Trấn Quốc, ngôi chùa nổi tiếng và là một danh lam thắng cảnh của Hà Nội, nằm ngay bên Hồ Tây lộng gió, sáng mồng Một tết, người đông nườm nượp nối thành hết dòng này đến dòng khác vào lễ chùa. Nếu những ngày mở cửa chùa trong năm, người đến lễ vẫn không làm mất đi sự thanh tịnh, yên tĩnh của một ngôi chùa cổ thì tết, không gian ấy, sự thâm nghiêm ấy dường như bị phá vỡ ngay từ ngoài cổng vào trông vốn rất uy nghi. Bởi tràn xuống cả lòng đường Thanh Niên là người, xe nhộn nhạo, không mang tâm thế cũng như trật tự của một người sắp vào chốn linh thiêng.
Vào bên trong chùa, khung cảnh còn hỗn tạp nữa khi người lễ vào lưng người, chen chúc, lấn lướt nhau để cầu khấn đến thánh, Phật. Ai cũng muốn chỉ có mình là lễ Phật và cũng chỉ có Phật là “nghe” thấy lời của mình vậy là tất cả như muốn rướn, muốn chiếm lĩnh vị trí gần Phật nhất, tạo nên một sự bon chen, thậm chí giẫm đạp lên nhau để đứng nơi “đắc địa”. Chưa kể đến chuyện “cài cắm” tiền vào bất cứ chỗ nào có thể trên mâm lễ để “dâng” Phật, dù hòm công đức bày ngay trước mặt. Người ta bảo: “Trần sao âm vậy”, không có gì hơn… tiền mặt nên bày vậy để “ngài” chứng cho. Ôi! Đúng là “trần sao âm vậy”!
Không chỉ chùa Trấn Quốc mà phủ Tây Hồ, nơi được xem là đông bậc nhất Hà Nội vào những dịp lễ, tết cũng vậy. Như mọi năm, từ sáng sớm mồng Một, người đến lễ phủ đông nườm nượp và theo thời gian cho đến hết Rằm tháng Giêng, số người đến lễ này ngày càng tăng lên. Từ ngoài bãi trông xe vào đến các ban thờ, chỗ nào cũng thấy cảnh người chen chúc. Chen chúc cả các mâm đặt lễ đến nỗi mâm nọ chồng lên mâm kia thành 2-3 tầng. Nếu không chồng được thì người lễ đội lên đầu, mặc cho người đứng sau, muốn lễ thế nào thì lễ, muốn khấn vào đâu thì khấn.
Nói thực là, đến lễ phủ Tây Hồ vào những ngày này, dẫu tiếng tăm có linh thiêng đến mấy, có đẹp đẽ, nên thơ đến mấy cũng thất vọng tràn trề. Bởi sự bon chen, xô bồ… của người đời đã phá vỡ khung cảnh vốn có của nó, sự linh thiêng vốn có của nó. Có người đã nói rất đúng rằng: “Chớ đi lễ phủ ngày tết kẻo không những mang “tội” mà còn mệt xác”. Vì ở một nơi lộn xộn như thế, nếu không theo sự lộn xộn ấy thì khó có thể lễ được. Mà theo thì lòng băn khoăn, day dứt khác gì mang tội, lại nhọc thân! Thay vì được thanh thản, tâm an đúng của người đi lễ.
Lộn xộn, bon chen đã đành, lại còn chuyện gian tà diễn ra ở đây. Âu cũng vì lộn xộn nên mới nảy sinh gian tà. Sáng mồng Một tết, giữa “thanh thiên bạch nhật”, bao nhiêu người đứng lễ, bao nhiêu mâm lễ bày biện la liệt trước ban thờ “Sơn trang”, kẻ gian ngang nhiên, công khai thu gom tiền lễ, lễ vật bày trên mâm cho… vào túi. Chỉ đến khi “tín chủ” của mâm lễ phát hiện đó là kẻ gian chứ không phải người của phủ gom lễ thì tên “đạo tặc” mới thôi và lẩn đi nơi khác. Hay không ít người thảng thốt, hốt hoảng khi bị móc túi mất chiếc điện thoại di động hoặc chiếc ví tiền bỗng chốc “không cánh mà bay”. Dọc con đường dẫn vào Phủ thì hàng quán san sát, chủ hàng tha hồ “chặt chém” tăng ni phật tử từ món hàng nhỏ nhất.
Cũng tại nhà quản lý?
Nói chung, những nơi được cho là linh thiêng nhất, thâm nghiêm nhất, mang giá trị tinh thần lớn lao nhất trong dịp tết có khi lại là nơi nhộm nhoạm nhất, làm mất tinh thần con người nhất. Và đương nhiên điều này xảy ra không phải do thánh thần mà chính là do con người gây ra. Phật pháp có câu rất hay: “Nhân nào quả nấy” hay “sống sao được vậy”… Bởi thế, nếu con người có khổ hạnh thì chính là do con người trước tiên.
Giẫm đạp lên nhau là cảnh thường thấy trong lễ khai ấn đền Trần
GS Ngô Đức Thịnh là người nghiên cứu về văn hóa tâm linh đã hơn 35 năm nay. Ông có thói quen đồng thời cũng là sở thích vãn cảnh chùa trong những ngày tết Nguyên đán. Thế nhưng lâu nay, kể từ ngày chùa chỉ là chốn tụ tập đông người “buôn thần bán thánh”, chỉ là nơi cầu tài lộc thiên về vật chất mà không mang ý nghĩa tinh thần, ông đã từ bỏ thói quen đó. Bởi với ông, đến chùa mà không thanh tịnh được tâm hồn, không tìm lại được chính mình với những điều lương thiện, tốt đẹp nhất, lại phải như “hành xác” với những tiếng ồn ã không khác gì ngoài cuộc sống trần tục đầy bon chen, với đám đông chen lấn xô đẩy… thì thà chẳng đến chùa còn hơn. Những ngày đi lễ chùa và vãn cảnh trong không gian thanh bình, tĩnh mịch vào dịp tết với ông có lẽ chỉ còn là… kỷ niệm!
GS Ngô Đức Thịnh giải thích, việc đi lễ chùa dịp tết hay những dịp khác trong năm là tấm gương phản chiếu phần nào đời sống xã hội. Con người suy nghĩ như thế nào thì hành động thế ấy, thiên về lĩnh vực gì thì sẽ cầu xin điều ấy. Nếu việc cầu cúng, lễ bái diễn ra như ngày hôm nay, trách nhiệm không thể phủ nhận thuộc về chính họ bởi họ đang phải trải qua thời kỳ quá độ của một quãng thời gian khá dài bị đứt đoạn về văn hóa tâm linh do chiến tranh. Nhưng đáng nói hơn phải nói đến trách nhiệm của các nhà quản lý, đặc biệt ở các địa phương. Họ cứ để cho việc cầu cúng, lễ bái phát triển một cách tự phát mà không có sự định hướng, không giải quyết triệt để tận gốc những tiêu cực nảy sinh trong đời sống văn hóa tâm linh nói chung, lễ bái nói riêng, chỉ xử lý những gì gọi là “râu ria” dẫn đến sự việc đã nghiêm trọng càng nghiêm trọng, đã lệch lạc càng lệch lạc từ trong suy nghĩ, tư tưởng. Một bộ phận cán bộ quản lý còn có xu hướng thương mại hóa việc lễ bái.
Để giải quyết vấn đề này, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, không còn cách nào khác là phải tuyên truyền sâu, rộng bằng cả lời nói và việc làm. Việc làm ở đây là ngay tại các chùa chiền, đình, đền… phải ngăn chặn và loại trừ ngay những hành động được coi là phi văn hóa, phỉ báng thần thánh, mê tín dị đoan… Còn lời nói, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, không gì hiệu quả bằng sử dụng chính những người trong giới tu hành tuyên truyền cho các tăng ni phật tử… Và để có hiệu quả thì không thể một sớm một chiều mà theo GS Ngô Đức Thịnh cần phải có thời gian dài để thay đổi điều này theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Phật giáo là một tư tưởng triết học lớn, do đức Thích Ca Mâu Ni khởi xướng. Chính vì vậy, hình tượng Đức Phật là đại diện Phật Giáo chính là đại diện cho những tư tưởng triết học và giáo lý mà Phật giáo muốn đem đến cho chúng sinh. Đó là những khuyên răn về việc hướng thiện, về luật nhân quả tức là tự mình làm việc thiện sẽ nhận lại cho mình những điều tốt đẹp. Cũng chính vì vậy, người đến với Phật không phải để cầu xin ban phát những điều tốt cho mình mà để tìm đến những giáo lý của Phật giáo để phải tự xuất phát từ bản thân làm những việc thiện thì mới mong tự nhận lại cho mình những điều tốt đẹp. Vì vậy Đức Phật ở đây chỉ mang ý nghĩa như một nhà tư tưởng chứ không phải là một vị thần thánh. (Thạc sĩ Trần Văn Phương, giảng viên Khoa Văn hóa - Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) |
Nguyễn Bách
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí
-
Báo chí đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng
-
Phó Thủ tướng gửi thư khen lực lượng xử lý quyết liệt tội phạm "tín dụng đen"
-
Thủ tướng bổ nhiệm lại nhân sự Bộ Quốc phòng
-
Nâng mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát lên 60 triệu đồng/căn