Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho biết điều này tại hội thảo tổng kết 3 năm thi hành Bộ luật Lao động năm 2012 do Bộ LĐTB&XH tổ chức ngày 21/9 tại Hà Nội.
Đây là lần thứ 4 Bộ LĐTB&XH tổ chức sơ kết thi hành Bộ luật này để làm cơ sở thực tiễn kiến nghị sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, Bộ luật Lao động 2012 ra đời đã góp phần hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các vấn đề quan hệ lao động, tiêu chuẩn lao động ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều quy định của Bộ luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; một số luật mới ban hành gần đây đã làm ảnh hưởng đến kết cấu và nội dung của Bộ luật Lao động, vì vậy cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Bên cạnh đó, trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia gần đây như Hiệp định Việt Nam-EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có đưa ra các cam kết về lao động căn cứ vào các tiêu chuẩn lao động quốc tế của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). So với các tiêu chuẩn lao động quốc tế đó, Bộ luật Lao động và các văn bản quy định chi tiết còn chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu.
Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động là hết sức cần thiết để tạo hành lang pháp lý vững chắc, tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế, điều chỉnh và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động...
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã tập trung thảo luận về những điểm chưa phù hợp của Bộ luật Lao động 2012; chia sẻ hạn chế, khó khăn khi áp dụng những quy định của Bộ luật này trong thực tiễn.
Để khắc phục những điểm chưa hợp lý, các đại biểu đề nghị cần rà soát, sửa đổi một số nội dung không còn phù hợp, như: Tăng cường các dịch vụ tư vấn pháp luật lao động miễn phí; đẩy mạnh các hoạt động đối thoại tại nơi làm việc; bảo đảm công tác huấn luyện vệ sinh an toàn lao động tại nơi làm việc; nới thời gian làm thêm giờ...
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Bộ LĐTB&XH tiếp tục xem xét sửa đổi và bổ sung nhiều điều khoản liên quan đến tiền lương, chế độ, thời gian làm việc, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng suất chất lượng, bảo đảm đời sống người lao động.
Một số ý kiến cho rằng, khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật này, các bộ, ngành liên quan cần quy định bao quát đầy đủ các nội dung ngay trong Bộ luật, tránh nhiều trường hợp phải đợi nghị định và thông tư hướng dẫn mới thực hiện được, gây bức xúc, khó khăn cho doanh nghiệp.
Về việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhận định, Việt Nam đang ở trong giai đoạn đặc thù giữa quá trình già hóa và quá trình dân số vàng đan xen nhau. Vì vậy, tận dụng nguồn nhân lực, bảo đảm việc làm và an toàn về quỹ bảo hiểm xã hội là ba trục song song với nhau. Trong lần sửa Bộ luật Lao động lần này, ban soạn thảo sẽ tính toán nghiên cứu lộ trình điều chỉnh dần tuổi nghỉ hưu để trình Quốc hội.
“Tăng tuổi nghỉ hưu nam lên 62 tuổi, nữ lên 58 tuổi là một trong những phương án. Tuy nhiên, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng sẽ cần phân ra các ngành nghề. Đối với các ngành nặng nhọc, độc hại thì không kéo dài tuổi nghỉ hưu”, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết.
Về việc tăng tuổi nghỉ hưu đã hai lần được trình ra Quốc hội nhưng không được thông qua, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng, câu chuyện tăng lương hưu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường việc làm, nên để tránh tác động quá lớn sẽ tăng dần theo lộ trình.
Dự kiến, dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012 lần thứ nhất sẽ chính thức công bố để lấy ý kiến vào 31/10. Dự thảo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3, tháng 5/2017 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2017.
Cổng TTĐT Chính phủ
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí