Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Để tập đoàn kinh tế Nhà nước thực sự là “quả đấm thép”…

11:20 | 23/11/2018

1,121 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Khẳng định vị trí, vai trò của các tập đoàn kinh tế Nhà nước (TĐ KTNN) là rất quan trọng, các ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo khoa học - thực tiễn với chủ đề “Xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển TĐ KTNN trong bối cảnh hội nhập quốc tế” ngày 15/11 vừa qua đều cho rằng, để các TĐ KTNN có thể phát huy được vai trò, thực sự là những “quả đấm thép”, vấn đề cấp bách hiện nay là phải hoàn thiện thể chế. Phóng viên Báo Năng lượng Mới lược ghi một số ý kiến tại hội thảo xung quanh vấn đề này.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) Trương Đình Tuyển: Phải đặt DNNN vào kinh tế thị trường

de tap doan kinh te nha nuoc thuc su la qua dam thep
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển

Hiện nay trong xã hội có 2 quan điểm rất khác nhau về vị trí, vai trò của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong nền kinh tế. Quan điểm thứ nhất là DNNN chẳng có vai trò gì khác với DN tư nhân. Quan điểm thứ hai là DNNN đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

Tôi cho rằng, cả 2 quan điểm này vẫn chưa hoàn toàn chính xác. Để nói về vai trò của DNNN thì đầu tiên phải nói đến việc thực hiện chính sách công, đặc biệt là chính sách công nghiệp, nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay. Quan điểm của tôi là khi kinh tế tư nhân còn yếu kém thì cần phải có DNNN để thực hiện chính sách công, đặc biệt là chính sách công nghiệp hóa. Như vậy, trước khi chúng ta xác định duy trì DNNN và thành lập mới DNNN thì phải đặt câu hỏi là có cơ chế nào, có lực lượng nào làm tốt hơn không? Nếu có một cơ chế, một lực lượng làm tốt hơn thì nên để các lực lượng đó làm chứ không nhất thiết phải để DNNN làm.

Về vấn đề quản lý DNNN, tôi cho rằng phải đặt DNNN vào kinh tế thị trường, buộc DNNN phải cạnh tranh trên thị trường thì mới có thể phát triển được. Vấn đề này có mấy nội dung: Một là phải tăng cường tính công khai, minh bạch; hai là các DNNN phải đăng ký trên thị trường chứng khoán để đo được tính minh bạch, hiệu quả; ba là phải cho các DNNN phá sản như các DN thuộc các thành phần kinh tế khác để tạo động lực thay đổi.

Về quản lý DNNN với tư cách là chủ sở hữu vốn Nhà nước thì việc quản lý các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khi thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN phải nói đến 3 mục tiêu: Quản lý vốn hiệu quả, phát triển như thế nào và có thực thi được chính sách phát triển công nghiệp không? Nếu TĐ KTNN không làm được 3 việc đó thì vô ích. Quản lý DNNN là phải bảo đảm 3 mục tiêu đó, nếu không tạo được lợi nhuận thì vốn Nhà nước không thể tích tụ, phát triển được. Trong bối cảnh này, nhiều khi chúng ta cần phải hỗ trợ nhưng là hỗ trợ cho người “thắng cuộc” chứ không phải hỗ trợ theo kiểu bao cấp.

GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng - nguyên Tổng giám đốc, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN): Phân biệt nhiệm vụ chính trị và hoạt động sản xuất, kinh doanh

de tap doan kinh te nha nuoc thuc su la qua dam thep
GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng

Đúng là DNNN còn nhiều yếu kém, trong đó, điểm yếu nhất là hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh không cao, nhiều trường hợp thua lỗ. Thiết nghĩ, không ai bằng lòng với những yếu kém của DNNN. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN cần có sự phê phán khách quan, công bằng và quan trọng hơn nữa là nhìn nhận, phân tích một cách sâu sắc và toàn diện vị thế của DNNN trong khung khổ thể chế và cơ chế quản lý của Nhà nước hiện thời mới có thể tìm ra và đề xuất các giải pháp khắc phục có hiệu quả.

Tôi cho rằng, các cơ quan quản lý nên tìm hiểu xem chính phủ các nước trên thế giới quản lý DNNN/tập đoàn như thế nào để DN vừa được tự chủ quyết định những dự án của mình, còn Nhà nước không buông lỏng kiểm soát để có thể dẫn đến sai phạm và thua lỗ. Đây là vấn đề rất phức tạp và khó, nhưng có tính sống còn đối với DNNN. DN không được tự chủ tương xứng với khả năng của mình thì sẽ bị trì trệ, kém hiệu quả, ngược lại, nếu Nhà nước buông lỏng kiểm soát thì DN rất dễ phát triển lệch lạc, dẫn đến nhiều hậu quả. Cho nên, Nhà nước quản những gì, quản như thế nào, quản đến đâu là điều cốt yếu trong thể chế và phương thức quản lý DNNN. Sẽ không có mô hình nào là lý tưởng cả, nhưng đã có các chính phủ thành công, không lẽ chúng ta không làm được?

Việc kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước và tạo khung khổ pháp lý phù hợp để DNNN năng động, tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tưởng như mâu thuẫn với nhau, nhưng không phải như vậy. Nếu các văn bản pháp quy rõ ràng, khả thi, còn DNNN được điều hành bởi một ban lãnh đạo trung thực, vô tư, tuân thủ các nguyên tắc và phương thức lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, có một tổ chức Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh thì câu chuyện sẽ trở nên rất đơn giản.
(GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng)

Vấn đề sở hữu vốn của DNNN là rất quan trọng. Chính phủ chỉ nên bảo lãnh cho DNNN vay vốn thực hiện các dự án lớn, có tầm ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc dân, các dự án liên quan đến an ninh quốc gia hoặc khi DN còn nhỏ, sức yếu. Những DNNN khi đã lớn mạnh, đủ tầm so với quy mô dự án thì Chính phủ không nên và không cần bảo lãnh mà tự DNNN phải đứng ra vay vốn để sản xuất, kinh doanh, nhưng muốn thế DN phải có tài sản thế chấp.

Đã đến lúc Chính phủ nên giao quyền tài sản cho PVN. Tôi chưa thấy công ty dầu khí nào mà không có quyền tài sản đối với trữ lượng dầu khí thuộc cổ phần của mình ở dưới mỏ. Ngay ở Việt Nam, các công ty, nhà thầu nước ngoài có cổ phần trong các mỏ mà họ tham gia đều được coi trữ lượng dầu khí trong mỏ (dù chưa được khai thác) là tài sản của họ, nhưng PVN có cổ phần trong mỏ ngay trên đất nước mình lại không được như vậy.

Dù khó rạch ròi, song cần phân biệt nhiệm vụ chính trị và hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường. Nếu không phải vì nhiệm vụ chính trị thì PVN chỉ thực hiện những dự án sinh lời. Trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ chính trị quốc gia thì Chính phủ cần ban hành quy định cụ thể trách nhiệm của PVN cũng như trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành khác trong thực hiện dự án, nhất là trách nhiệm tài chính và ngân sách.

TS Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam: Khung pháp lý riêng cho hoạt động đặc thù của tập đoàn kinh tế

de tap doan kinh te nha nuoc thuc su la qua dam thep
TS Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam

Ở các nước có nền kinh tế phát triển, cũng như mới nổi, để tạo sức mạnh tổng hợp về vốn, đầu tư kỹ thuật công nghệ làm “cú hích” cho nền kinh tế phát triển với nhịp độ nhanh đều hình thành các tập đoàn kinh tế làm đòn bẩy. Ở Nhật có mô hình Keiretsu, Hàn Quốc là Chaebol, Trung Quốc là Jituan Gongsi, mô hình này rất phổ biến ở các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Chile, Mexico, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan…

Mục đích cơ bản của sự liên kết trong mô hình tập đoàn kinh tế là nhằm tăng cường tích tụ, tập trung các nguồn lực, đầu tư ứng dụng công nghệ cao, tạo chuỗi liên thông hữu cơ trong sản xuất kinh doanh của hệ thống từ sản xuất đến thống lĩnh thị trường phân phối, xây dựng thương hiệu với sản phẩm độc quyền, tạo sức mạnh cạnh tranh và tối đa hóa giá trị gia tăng và lợi nhuận của cả hệ thống. Đó là xu thế tất yếu để phát triển nền kinh tế quốc gia.

Sự khác nhau cơ bản giữa các tập đoàn kinh tế ở các quốc gia là nguồn gốc chủ sở hữu và vai trò chi phối của Nhà nước. Nhưng vai trò “chống lưng”, chính sách bảo hộ của Chính phủ ở các lĩnh vực tạo “cú hích” cho nền kinh tế đất nước hoặc thương hiệu quốc gia vẫn đóng vai trò là động lực quan trọng cho sự phát triển ban đầu của các tập đoàn kinh tế.

de tap doan kinh te nha nuoc thuc su la qua dam thep
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Hiền Anh

Từ thực tế đó, tôi cho rằng, những tập đoàn kinh tế mũi nhọn cần phải thiết kế riêng khung pháp lý cho hoạt động đặc thù bao trùm toàn bộ chuỗi công nghệ cốt lõi để các tập đoàn có thể tích tụ vốn thực sự, phát triển đa ngành và đa dạng hóa các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn và có tính tự chủ cao. Khung pháp lý đó phải tạo điều kiện cho sự liên thông sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của nhau, kể cả có cơ chế tạo điều kiện sử dụng vốn nhàn rỗi để mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế trên nguyên tắc phát huy tối đa nội lực và tận dụng các mặt tích cực của hội nhập quốc tế

Ảnh hưởng của các tập đoàn kinh tế của nước ta đối với nền kinh tế là sâu rộng. Do đó, nếu các tập đoàn kinh tế hoạt động hiệu quả sẽ có tác động tích cực, sâu sắc đến không chỉ lĩnh vực kinh tế mà hơn thế, còn tác động tới niềm tin của xã hội vào đường lối lãnh đạo của Đảng, vào chế độ chính trị nói chung. (PGS.TS Ngô Tuấn Nghĩa, Viện Kinh tế chính trị học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

Đối với ngành Dầu khí, cần bổ sung, điều chỉnh Luật Dầu khí 2008 và các văn bản pháp quy dưới luật phù hợp với hiện trạng kinh tế dầu khí thế giới, tiềm năng dầu khí trong nước, kích thích đầu tư nước ngoài tận thu khai thác các mỏ đang suy giảm, nâng cao hệ số thu hồi dầu, đầu tư phát triển các mỏ cận biên kinh tế, các vung khó khăn nước sâu, xa bờ.

Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí, Chính phủ, Bộ Công Thương cần sớm ban hành quy định tạm thời mang tính pháp quy bổ sung quy định về phân cấp và xét duyệt trữ lượng nhằm rút ngắn lộ trình xét duyệt và đưa các mỏ dầu, khí vào khai thác sớm, đơn giản hóa quy trình và các thủ tục xét duyệt, có cơ chế ưu đãi (tài chính, thuế) cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm kích thích phát triển các mỏ nhỏ, cận biên kinh tế, đầu tư khoa học công nghệ tăng hệ số thu hồi dầu…

Trong Luật Đấu thầu có nhiều điều khoản không phù hợp với đặc thù ngành Dầu khí, cần điều chỉnh, bổ sung để phát huy nội lực các dịch vụ chuyên ngành dầu khí trong nước, tạo sức cạnh tranh. Hiện hoạt động dầu khí bị điều tiết bởi nhiều luật như Luật Dầu khí, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý vốn Nhà nước… Tôi cho rằng, cần có Luật Dầu khí bao trùm, điều tiết toàn chuỗi giá trị dầu khí.

Thể chế là yếu tố quan trọng hàng đầu

de tap doan kinh te nha nuoc thuc su la qua dam thep
Ông Phùng Hữu Phú

Phát biểu kết luận Hội thảo “Xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển TĐ KTNN trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, kiêm Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương Phùng Hữu Phú nêu rõ: Chủ đề của hội thảo mang tính cấp thiết. Hội thảo được tổ chức để chúng ta tiếp tục triển khai một cách tốt nhất Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN. Tình hình hiện nay đã khác trước, nhiều cái mới đặt ra đòi hỏi chúng ta phải cập nhật, phải suy nghĩ để làm cho phù hợp. Đó là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động sâu rộng tới nền kinh tế.

Chúng ta phải khẳng định vai trò của các TĐ KTNN là không thể phủ nhận, cũng không được tuyệt đối hóa. Chúng ta phải thấy đúng, thấy đủ là vai trò của các TĐ KTNN là rất quan trọng, quan trọng trong thực hiện chính sách công, quan trọng trong thực hiện chiến lược công nghiệp quốc gia… Phải nói rằng, những yếu kém, hạn chế không phải do bản thân TĐ KTNN. Vấn đề sở hữu quan trọng nhưng quan trọng hơn là chất lượng quản trị, hiệu quả quản trị.

Có rất nhiều yếu tố thúc đẩy phát triển TĐ KTNN, trong đó yếu tố đóng vai trò quan trọng hàng đầu là thể chế. Có thể chế chung nhưng đồng thời phải có thể chế đặc thù phù hợp với TĐ KTNN.

Với vai trò quan trọng của TĐ KTNN, trong thời gian tới, quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế để thúc đẩy các TĐ KTNN phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả hơn phải được thực hiện đồng bộ, bảo đảm tính công khai, minh bạch, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhưng đồng thời phải phù hợp với thực tiễn.

Một hệ thống thể chế tạo điều kiện cho TĐ KTNN phát triển mạnh có 3 tầng:

Tầng thứ nhất là thể chế Nhà nước. Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ, tạo động lực cho TĐ KTNN phát triển. Nhà nước phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đồng thời khuyến khích động viên, tạo cơ chế để TĐ KTNN có thể tự chủ, năng động hơn, chủ động hơn. Cần tạo cơ chế liên kết giữa TĐ KTNN với các tập đoàn kinh tế trong nước và ngoài nước, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, không để thất thoát, rủi ro, thất bại. Phải trong sạch hóa, lành mạnh hóa đội ngũ thực thi thể chế.

Tầng thứ 2 là thể chế nội bộ các tập đoàn. Từng TĐ KTNN phải có thể chế, trong đó cho phép xây dựng một mô hình sản xuất, kinh doanh hợp lý nhất. Thể chế đó cũng cho phép các TĐ KTNN có thể đổi mới, ứng dụng công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phân phối những thành quả sản xuất một cách hợp lý nhất. Đó là thể chế mà ở đó, các tập đoàn phải vươn lên xây dựng một nền quản trị DN thông minh, hạ tầng DN thông minh và một cộng đồng lao động thông minh.

Tầng thứ 3 là thể chế xã hội. Xã hội Việt Nam vẫn chưa nhìn nhận đúng vai trò của DN, doanh nhân. Phim ảnh, thơ ca, tiểu thuyết về DN chủ yếu viết về khía cạnh không tốt chứ chưa tạo ra một xã hội có sự thông cảm, chia sẻ, tôn vinh các TĐ KTNN như những “quả đấm thép” làm xoay chuyển tình thế kinh tế đất nước. Nhiều DN, doanh nhân phải lo toan trăm thứ mà cuối cùng nhận thức xã hội không đúng khiến họ mất dần động lực. Chúng ta cần có một thể chế xã hội có thể tạo lửa, tạo động lực cho DN sáng tạo, phát triển. Và, một điều quan trọng, thể chế đó phải huy động được các nguồn lực xã hội tham gia cùng phát triển với DN.

Thanh Ngọc (lược ghi)

de tap doan kinh te nha nuoc thuc su la qua dam thepHoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước
de tap doan kinh te nha nuoc thuc su la qua dam thepXây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế
de tap doan kinh te nha nuoc thuc su la qua dam thepTập đoàn kinh tế nhà nước còn vướng… cơ chế
de tap doan kinh te nha nuoc thuc su la qua dam thepCần công bằng với các tập đoàn kinh tế Nhà nước