Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Đất học Tùng Ảnh

07:10 | 02/10/2014

Theo dõi PetroTimes trên
|
Cho đến nay chưa có nhà khoa học nào cắt nghĩa trọn vẹn về lý do gì mà xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) xưa nay nổi tiếng về khoa bảng và danh nhân. Câu hỏi khiến các nhà nghiên cứu, các nhà văn hóa hàng đầu đã hội thảo về xã Tùng Ảnh “xưa và nay”. Dẫu có rất nhiều ý kiến tranh luận khác nhưng cuối cùng đều đưa ra kết luận: Tùng Ảnh - đất học.

Đạo "khổ học"

Đến xã Tùng Ảnh hỏi về dòng họ nào có người học hành, đỗ đạt cao thì ai cũng nói về họ Phan Tùng. Đây là một dòng họ lớn có 6 chi phái. Trước nhà thờ họ này có bốn bia đá khắc tên tuổi những người có thành tích trong thi cử và đường công danh.

Theo những tấm bia này, đầu thời Lê họ Phan Tùng đã có người đỗ tiến sĩ, làm quan. Đó là ông Phan Phúc Cẩn. Sinh thời ông Cẩn được gọi là thần đồng vì thi đậu tam trường khoa Tân Mão (1471), đậu tứ trường khoa Giáp Ngọ (1474), thi hội đậu tam giáp đồng tiến sĩ khoa Ất Mùi (1475). Tên ông được khắc vào bia số 5 ở Văn Miếu Quốc Tử Giám vào 1484, thời Lê Thánh Tông. Ông làm đến chức Hiệu lý viện Hàn lâm, năm Hồng Đức thứ 10 (1479).

Những bia đá khắc tên những người họ Phan Tùng thi đỗ đạt cao

Đọc hết các bia đá ở nhà thờ họ Phan Tùng nhiều người đều trầm trồ về sự học của ông Phan Kính. Ông thi đỗ đầu về thi Hương (1735) và đỗ đầu về thơ phú thi hội (1743), là thủ khoa thi đình, đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh – thám hoa. Vua Lê Hiển Tông phải dùng mỹ từ nói về ông Phan Kính là "người học giỏi đỗ cao, trình độ uyên bác, là người toàn diện về chính trị, ngoại giao, quân sự". Về chữ nghĩa, ông đứng đầu hàng nho sĩ, võ lược xếp vào loại tướng tài…

Dòng họ Phan Đình ở làng Đông Thái cũng thuộc xã Tùng Ảnh có rất nhiều người khoa bảng. Theo gia phả của dòng họ, có những phó bảng làm nức danh cả họ như ông Phăn Văn Nhã, Phan Đình Tuyển, Phan Đình Vân. Đặc biệt có tiến sĩ Phan Đình Phùng thi đỗ Đình Nguyên năm 1877. Vì nước mất, không muốn nhìn cảnh người dân lầm than, ông đã chiêu tập lực lượng, lãnh đạo phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp…

Theo nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh, Tùng Ảnh từ xưa tới nay nổi tiếng là đất học hành khoa bảng. Thời phong kiến Tùng Ảnh có với 21 vị đại khoa và 102 vị hương cống, cử nhân thì riêng triều Nguyễn đã chiếm 15 vị đại khoa, 52 vị cử nhân. Đến thời Tân học, Tùng Ảnh cũng nổi tiếng học hành thành đạt. Tiêu biểu như giáo sư Hoàng Ngọc Phách (1896-1973), tác giả của cuốn tiểu thuyết Tố Tâm; luật sư, tiến sĩ Phan Anh - một nhà chính trị, bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...

Quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về danh nhân và những dòng họ tiêu biểu, giáo sư Phan Đức Dương cho rằng ở Tùng Ảnh có tinh thần hiếu học, học gạo, khổ học là một thứ đạo. Làng nào cũng có trường học, các hương ước đều có khuyến học, có học điền. Vì thế ở mảnh đất này thời nào cũng có người đỗ đạt. Có gia đình cả cha con, anh em đều thi đậu và ra làm quan…

Khu nhà thờ họ ở xã Tùng Ảnh có nhiều người khoa bảng, giáo sư, tiến sĩ

Nuôi con ăn học thành tài

Bí thư đảng ủy xã Tùng Ảnh Lê Tự Lập cho rằng, có rất nhiều chuyện để kể về những tấm gương nuôi con ăn học. Người dân Tùng Anh học dưới ánh trăng hay bắt đom đóm làm đèn để học là chuyện không hiếm. Ông Lập vẫn nhớ thời niên thiếu của ông không thiếu cảnh học trò vừa đi học  vừa mót khoai lang ăn trừ bữa. Hay hình ảnh những cậu học trò nghèo ham mê học đến nổi đi chăn trâu luôn kè kè bên người một cuốn sách để đọc.

Câu chuyện ông Phan Điện một mình bôn ba trên đất Hà Nội nuôi hai đứa con ăn học thi đậu tiến sĩ làm người dân Tùng Ảnh rất thán phục. Những năm 1930 nghèo đói quanh làng, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, ông Phan Điện dắt hai đứa con Phan Anh và Phan Mỹ khoảng chín đến mười tuổi ra Hà Nội. Để có tiền cho con vào học những trường danh giá thời đó như Trường Bưởi, Trường đại học Đông Dương, ông Phan Điện làm đủ thứ nghề từ một cù lý kéo xe đến làm ông đồ nghèo dạy học. Không phụ công nuôi dạy của cha, hai anh em Phan Anh và Phan Mỹ đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ luật ở Pháp rồi giữ những chức vụ trọng trách của thời kỳ đầu của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.

Gần đây, chuyện về ông Phan Khắc Cương nghèo khó nhất nhì thôn Sơn Lệ  nhưng vẫn bươn chải nuôi ba người con ăn học đại học. Người dân thôn Sơn Lệ kể, thời con đang học phổ thông, ngày nào dân làng cũng thấy ông Cương đèo con đến trường trên chiếc xe đạp cà tàng. Con vào lớp ông ra đồng mò cua, bắt ốc về bán lấy tiền. Những đêm mưa gió rét mướt, ông Cương vẫn ngồi trước nhà thầy cô chờ để đèo con về. Khi ba đứa con vào đại học, hai vợ chồng ông Cương làm đủ thứ nghề như chạy chợ bán từng bó rau, con cá kiếm tiền tiếp tục nuôi con ăn học.  

“Từ chuyện trước đây ông Phan Điện nghèo khổ, vợ chết sớm, quyết chí nuôi con học đỗ đạc đến bây giờ ông Phan Khắc Cương có hoàn cảnh đặc biệt vẫn nuôi được ba đứa con học đại học là những tấm gương để nói về người dân Tùng Ảnh từ xưa tới nay quan tâm đến chuyện học con cái học hành đến chừng nào. Sự học ở người dân chúng tôi như kim chỉ nam để thoát ly quê hương, làm giàu” - ông Lập tâm sự.

Đình làng Tùng Ảnh

Chuyện học giỏi, đỗ đạt từ xưa đến nay của xã này đều có truyền thống chăm lo từ gia đình đến xóm, làng. Ngày xưa có chuyện ruộng học điền thì ngày nay thành lập ra các quỹ khuyến học. Hiện nay ở xã Tùng Ảnh hình thành rất nhiều quỹ khuyến học như dòng họ khuyến học, thôn xóm khuyến học, gia đình khuyến học, xã khuyến học… Vì thế hàng năm Tùng Ảnh có gần 100 con em thi đậu đại học, cao đẳng. Ngay đội ngũ cán bộ, lãnh đạo xã Tùng có trình độ đại học chiếm hơn 80%.  

Sự học ở Tùng Ảnh quá tự hào khi có hơn 1.000 người là giáo sư, tiến sĩ, cử nhân. Nhưng khi hỏi có giáo sư, tiến sĩ nào ở làng không, ông Lập mỉm cười: “Làm gì mà có, khi làng có chuyện gì thì họ mới về. Giờ ở làng toàn người già”. Theo ông Lập, mấy năm gần đây trẻ em đến độ tuổi đến trường giảm dần vì người dân hạn chế chuyện sinh đẻ, bên cạnh đó lớp trẻ thành đạt đi lập nghiệp nơi khác rất nhiều. Một số trường học trên địa bàn thiếu sĩ số phải mở cửa đón con em các xã lân cận đến học. Trước đây một gia đình nuôi ba, bốn đưa con học đại học là rất nhiều giờ thì nay lại rất hiếm vì nhiều cặp vợ chồng ý thức sinh hai đứa con để dễ chăm lo. Tính ra ở Tùng Ảnh, 80% gia đình có con học đại học.

Tùng Ảnh là mảnh đất hiền hòa nằm bên bến Tam Soa ngã ba của ba dòng sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu và Sông La. Giáo sư Phan Văn Các cho rằng đây là mảnh đất “địa linh nhân kiệt” có thế “rồng chầu, hổ phục”. Về Tùng Ảnh có thể đến thắp hương nhà thờ Phan Đình Phùng, khu mộ cố Tổng bí thư Trần Phú. Ngoài ra còn tìm hiểu thêm các di tích, danh thắng như bến Tam Soa, Đình làng Đông Thái, đền thờ và mộ Lê Bôi, đền thờ Linh Cảm Đại vương Đinh Lễ… Sau ba năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, Tùng Ảnh là một trong những xã đầu tiên của Hà Tĩnh hoàn thành 19 tiêu chí. Đường làng được rải nhựa hoặc láng bêtông, bóng điện cao áp chiếu sáng như một khu phố của làng.

Vĩnh Hằng