Đào Thất Thốn xưa được dùng để tiến vua, đào Thất Thốn (Nhật Tân, Hà Nội) đang "nằm" điều hòa chờ những người sành chơi mua và đặt thuê vào dịp Tết Nguyên đán.
Mỗi độ xuân về, người sành chơi hoa lại tìm kiếm cho mình những gốc đào Thất Thốn cổ thụ. Đây là loại đào cổ, hiếm và là biểu tượng cho tinh hoa đào Nhật Tân.
Thời tiết cuối năm tại miền Bắc 2020 thay đổi thất thường, nền nhiệt diễn biến phức tạp gây bất lợi cho giống đào Thất Thốn. Để đối phó với tình trạng thời tiết, nghệ nhân trồng đào Lê Hàm (Nhật Tân, Hà Nội) đã nghĩ ra cách ủ đào bằng điều hòa, nhằm điều chỉnh thời gian nở rộ của đào vào đúng dịp Tết.
Ông Hàm chia sẻ câu chuyện chăm đào của mình: "Tôi muốn hoa nở trúng dịp Tết nên ban đầu chỉ làm bằng những biện pháp đơn sơ thôi, đầu tiên là treo màng nilong rồi thắp bóng điện, sau này mới chuyển sang làm nhà tôn xốp, chạy máy điều hòa hỗ trợ, tiến dần đến việc làm chủ thời tiết cho cây phát triển".
Sau quá trình dài chăm sóc, vào thời điểm cụ thể giáp Tết, ông đưa toàn bộ số đào Thất Thốn vào các "phòng điều hòa" để điều chỉnh được hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán.
Nhiều người lý giải, tên gọi Thất Thốn bởi đây là loại đào một thốn (độ dài cành bằng một đốt ngón tay) có 7 bông hoa. Nhưng cũng có nhiều người cho rằng, đào gọi là Thất Thốn vì 7 thốn cây sẽ chia cành một lần hoặc lá đào dài bảy thốn.
Những gốc đào Thất Thốn có "tuổi thọ" từ 10-20 năm.
Đào Thất Thốn mang dáng vẻ cổ kính, từ gốc đến cành đào đều sùi phồng, nổi những u, mấu xù xì.
Điều đặc biệt ở đào Thất Thốn là hoa đào. Hoa đào bung nở có kích thước "khổng lồ" với đường kính từ 4-5 cm. Màu hoa đỏ thắm, nhụy vàng.
Mỗi cây đào thất thốn đều phải trên 10 năm tuổi nên thân hình vững chắc, phủ đầy rong rêu, xù xì, góc cạnh.
Việc trồng cỏ xung quanh gốc đào vừa để tạo thẩm mỹ, vừa giúp người trồng đào sớm phát hiện bệnh tật từ cây.
Từ khi trồng đến khi đào có được hoa và dáng đẹp, người trồng đào phải mất ít nhất 7-10 năm.
Dù còn nửa tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng nhiều cây đào "tiến vua" đã được khách đặt từ nhiều ngày trước đó.