Đạo đức nghề báo cốt ở sự trung thành và trung thực
Một nhà sử học của ta nói: “Người viết sử phải luôn nói sự thật, không phải sự thật nào cũng có thể nói ra, nhưng đã nói ra điều gì thì không được nói sai sự thật”.
Giá như ta thay ba chữ “người viết sử” thành “người viết báo” thì câu nói trên vẫn hoàn toàn có giá trị. Người viết báo không phải là người viết sử. Thiên chức người viết báo đương nhiên không giống thiên chức người viết sử. Song dưới góc độ tôn trọng sự thật thì người viết báo và người viết sử không có bất cứ sự khác biệt nào. Đã từ lâu, chúng ta tự hào về nhận xét khá phổ quát rằng, nghề báo và những người làm báo vừa là chứng nhân vừa là thư ký của thời đại. Họ chỉ có thể là thư ký của thời đại khi ngòi bút của họ phản ánh sự thật khách quan một cách trung thực. “Bản án chế độ thực dân Pháp”, một tác phẩm báo chí do Nguyễn Ái Quốc xuất bản năm 1925 là một thí dụ mẫu mực. Tuy là tác phẩm báo chí, nhưng những nội dung mà tác phẩm ấy nêu lên, phải qua gần một thế kỷ, ngày nay đã trở thành những cứ liệu lịch sử vô giá cho bất cứ nhà sử học nghiêm túc nào muốn tìm hiểu bản chất chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương và sự sụp đổ tất yếu của nó.
“Quy định về đạo đức báo chí Việt Nam” có ghi: “Báo chí phải phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Người làm báo hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật, tôn trọng quyền con người, bảo vệ bí mật quốc gia, thực hiện quyền tự do báo chí, tự do hành nghề trong khuôn khổ pháp luật”. Quy định về đạo đức báo chí cũng đòi hòi người làm báo Việt Nam phải: “Sống lành mạnh, giữ gìn phẩm chất trong sáng, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi, xúc phạm nhân phẩm và lợi ích của người khác”.
Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, suy cho cùng đều cốt ở bốn chữ “trung thành” và “trung thực”.
Trung thành với tổ quốc và nhân dân, với lý tưởng cách mạng, với sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trung thực với bản thân, với bạn bè và đồng nghiệp, với nghề báo, với cuộc sống xã hội của đất nước và dân tộc.
Thông tin là chức năng cơ bản của báo chí. Nhưng thông tin cho ai? Thông tin cái gì? Vì mục đích gì? và Thông tin như thế nào? Đó là những điều làm phân biệt rõ nét lập trường và quan điểm (hay chỗ đứng và cách nhìn) của những người làm báo.
Phóng viên báo chí tác nghiệp
Báo chí nước ta, qua mấy chục năm đổi mới, đã có bước phát triển khá nhanh. Lực lượng báo chí ngày nay bao gồm không chỉ những loại báo chí truyền thống như báo chí in, báo nói và báo hình mà còn có báo điện tử và các trang điện tử tuy ra đời muộn nhưng phát triển cực nhanh và có sức phổ biến rộng. Xuất hiện ngày càng nhiều những cơ quan truyền thông đa chức năng, đa phương tiện. Tất cả tạo nên một diện mạo báo chí to lớn, mới mẻ, đa dạng.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước sôi động và phức tạp, các cơ quan báo chí nước ta, nhìn chung, đã có sự thông tin nhanh nhạy và toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước; cổ vũ, động viên và tổ chức các phong trào hành động cách mạng, nêu gương người tốt, việc tốt, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, chống âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình”. Song bên cạnh đó còn có không ít những thông tin thiếu trách nhiệm đối với những vấn đề nhạy cảm về chính trị, kinh tế, thậm chí còn có những thông tin sai sự thật, bịa đặt, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội, bị các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc và bôi nhọ chế độ ta.
Đây thật sự là một trong những vấn đề thời sự nóng hổi mà giới báo chí chúng ta đang đối mặt.
Nhân dịp bàn về “Nâng cao đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin”, tôi muốn nhắc lại câu chuyện “dũng cảm diệt trăn thần” xảy ra cách đây gần 50 năm để chúng ta cùng suy ngẫm.
Ngày 27/6/1963, Báo Lao động, trong mục “Hoa nở khắp nơi” đã đăng một mẩu tin ngắn về “diệt trăn thần” như sau:
“Gần đây, bỗng nhiên bà con vùng núi Hồng Kỳ (Nghệ An) bị mất hai con bò và hai đứa trẻ, người ta đồn rằng, đúng là do trăn thần gây ra. Nhất định không tin, Hạng nói với vợ con và mẹ rồi xách dao, súng vào rừng. Đi chưa xa lắm, Hạng đã gặp một con gấu nhỏ. Hạng nổ súng, gấu bị thương, nhưng một con gấu khác từ trên cây nhảy xuống chộp lấy Hạng, đánh văng khẩu súng ra ngoài. Hạng rút dao chĩa thẳng vào người nó. Gấu bị đau tháo chạy. Tuy chuyện hú vía đã qua nhưng chưa tìm ra tung tích trăn thần thì Hạng chưa yên trí. Tiếp tục đi sâu vào rừng, Hạng đã tìm ra và tóm được hung thủ. Nó là một con trăn dài 28 thước, nặng trên 4 tạ, được Hạng thuê 2 con trâu kéo về bán cho mậu dịch với giá 420 đồng. Nhân dân quanh vùng từ đó hết lo ngại “trăn thần”. Họ đã đến tận nhà Hạng để tiễn đưa anh công nhân của Nhà máy bơm Hải Dương lên đường trả phép”.
Mẩu tin ký tên Tất Biểu, thông tin viên của Báo Lao động.
Hơn nửa tháng sau, theo yêu cầu của một số bạn đọc còn tỏ ý nghi ngờ, ngày 23/7/1963, Báo Lao động đăng tiếp một bài dài với đầu đề “Một mình dũng cảm diệt trăn thần” cũng của tác giả Tất Biểu.
Bài báo kể tỉ mỉ chuyện Lê Văn Hạng vào rừng tìm trăn với nhiều chi tiết rất giật gân. Lần này, con gấu nhỏ trong mẩu tin trước đã trở thành “con gấu chó to bằng con bê đen trũi. Con trăn thì chỉ một cái chuyển mình đã làm cho “hàng cây rung lên như bị trận gió”. “Cách chỗ nấp 200 mét, anh thấy đuôi trăn đang đập trên cây như đưa võng. Bò vào gần 70 mét thấy đầu trăn nằm dưới đất đang ngúc ngắc, có lẽ nó đang ăn một con vật gì, bụng nó to như một khúc gỗ mấy người ôm... Hạng nổ phát súng đầu tiên. Con trăn bị thương, lập tức ngóc cao đầu lên, mõm từ trên độ cao mười thước phì nước ra như mưa bụi. Hạng bị ướt cả người, cây trong rừng rung chuyển, tiếng phì phì vang lên, trận mưa nước dãi từ mồm trăn làm ướt cả cây rừng... cái đuôi nó còn vùng vẫy, giãy giụa làm gãy nát cả đám cây xung quanh. Con ác thú đã chết gục trước khi lao đến chỗ Hạng, thân nó dài đến 25 sải tay...”.
Thành tích dũng cảm “diệt trăn thần” được báo cáo lên cấp trên và Lê Văn Hạng đã được khen thưởng. Thông tấn xã Việt Nam đăng thông tin này. Báo Nhân dân đăng tóm tắt thành tích diệt trăn thần với một số chi tiết nêu ở Báo Lao động.
Các bài báo nói trên đã gây dư luận rất xôn xao. Kẻ ca ngợi, người nghi ngờ, có người nói thẳng là bịa đặt. Nhiều nhà khoa học trực tiếp đến Báo Lao động và Báo Nhân dân đề nghị cho biết rõ sự thật. Một số phóng viên nước ngoài và tùy viên văn hóa đại sứ quán các nước ở Hà Nội, đến Báo Nhân dân đề nghị giải đáp một số thắc mắc. Một câu hỏi lớn được đặt ra là: Phải chăng loài bò sát dài đến 28 thước, vòng bụng đến mấy người ôm, nay vẫn còn tồn tại trên mặt đất? Có người yêu cầu cho xem những khúc xương trăn, người khác lại đề nghị được đến tận nơi xem khu rừng con trăn từng sống.
Tại Nghệ An, các cơ quan đầu não của tỉnh đã chỉ thị cho cấp huyện địa phương, nơi đã xảy ra việc “kinh thiên động địa” trên đây báo cáo tình hình. Huyện cũng đôn đáo kiểm tra và trả lời rằng, không hề có chuyện “tày đình” như vậy.
Thực ra, không cần chờ kết quả kiểm tra mà sau khi có sự phản hồi của chính quyền địa phương và những câu hỏi về sự thật khoa học không thể trả lời được, các báo Nhân dân và Lao động đều thấy rõ chuyện diệt trăn thần là không có thật. Tòa soạn Báo Lao động đã tự kiểm điểm những sai sót của mình và thi hành kỷ luật, không nhận tác giả Tất Biểu là thông tin viên của báo nữa.
Tháng 6/1997, nhân kỷ niệm lần thứ 72 ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Tạp chí Người làm báo đăng bài “Trở lại chuyện dũng cảm diệt trăn thần 34 năm trước” đã nhận xét rằng: Những bài báo ấy là những “con vịt” khổng lồ trong trang sử báo chí nước ta hồi đó. Và kết luận: “Nếu phân tích kỹ những chi tiết trong các bài báo nói trên và xem xét quá trình sử dụng tin, bài của những thông tin viên, cộng tác viên thì có thể rút ra nhiều bài học bổ ích trong nghiệp vụ như: Phải nâng cao sự hiểu biết về khoa học, sự tỉnh táo xét đoán logic của sự việc; về phương pháp công tác, phải có sự thận trọng cần thiết trong việc chọn tin, bài và nghiêm túc tiếp thu ý kiến của bạn đọc để tránh sai lầm”.
Báo chí nước ta 50 năm về trước còn ở trong thời kỳ khép kín. Các thông tin chính thống trong nước và nước ngoài đều do các cơ quan thông tấn lớn cung cấp. Các báo còn khai thác nguồn tin cho mình, từ phóng viên, cộng tác viên, thông tin viên và bạn đọc. Cái ấu trĩ trong câu chuyện diệt trăn thần không xuất phát từ động cơ chính trị xấu, mà với ý muốn khuếch trương “người tốt, việc tốt”, song vẫn có tác hại, vì trước hết nó không nói đúng sự thật.
Báo chí nước ta ngày nay đang ở trong thời kỳ hội nhập. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã dẫn tới sự ra đời của nhiều phương tiện truyền thông mới, hội tụ trên mạng Internet, tạo nên một môi trường thông tin hiện đại, không còn biên giới quốc gia, trong đó hầu như mọi người đều được tiếp cận thông tin hay trở thành người cung cấp thông tin.
Khai thác thông tin trên mạng là cần thiết, không có gì xấu. Nhưng cần chú ý: Những thông tin trên mạng, nhất là mạng xã hội (blog) là đa chiều và khó kiểm chứng đúng, sai. Tin sai của một người trên mạng mà vội vã khai thác có thể lập tức biến thành tin thật cho hàng chục vạn, hàng triệu người. Vậy mà nhiều tin đồn, tin từ mạng xã hội không được kiểm chứng đã được nhiều phóng viên khai thác, biến thành tin chính thức trên báo chí. Hậu quả của việc sao chép, ăn tươi nuốt sống thông tin trên mạng chắc mỗi người chúng ta đều biết.
Qua hội thảo lần này, chúng ta thấy được nhiều mặt của tình hình, nhiều kinh nghiệm và bài học về khai thác và xử lý thông tin. Riêng tôi nghĩ, nếu mỗi cơ quan báo chí và mỗi người làm báo chúng ta đều lấy bốn chữ trung thành và trung thực làm chuẩn mực của bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp thì chắc chắn chúng ta không những biết cách mà còn biết khai thác và xử lý thông tin sao cho nhanh nhạy, sáng tạo và hiệu quả. Chúng ta sẽ biết nên và không nên làm gì trong lĩnh vực này.
Hà Đăng
(Năng lượng Mới số 164, ra thứ Ba ngày 16/10/2012)
-
Báo chí hãy tạo ra những câu chuyện tích cực, mang tính xây dựng và giải pháp
-
[PetroTimesTV] Kinh tế xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuất
-
Kinh tế xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuất
-
“Nghề báo là nghề không được ngừng viết…”
-
[PetroTimesTV] Lãnh đạo Hội DKVN chúc mừng Tạp chí Năng lượng Mới - PetroTimes nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo