Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Đảo Cồn Cỏ - mắt thần giữa biển khơi

06:43 | 06/08/2013

Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi cùng Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có chuyến thăm, tặng quà tại huyện đảo Cồn Cỏ và chứng kiến một cuộc sống dần đổi thay nơi đây. Chính quyền và nhân dân Cồn Cỏ đang từng bước xây dựng huyện đảo vững về chính trị - giàu về kinh tế - mạnh về quốc phòng an ninh - đẹp về văn hóa. Báo điện tử PetroTimes có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hải - Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ để hiểu hơn về hòn đảo xinh đẹp này.

PV: Năm 2002, có 43 thanh niên của Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Quảng trị tình nguyện ra đảo lập nghiệp, ông có phải là một trong số những thanh niên ấy?

Ông Trần Thanh Hải: Không, tôi đứng ở “tốp sau”. Cuối năm 2004, sau khi có nghị định của Chính phủ về thành lập huyện đảo Cồn Cỏ, Tỉnh ủy Quảng Trị ra quyết định lâm thời đưa cán bộ ra đảo. Ban lãnh đạo lâm thời gồm có 6 đồng chí, bao gồm: đồng chí Lê Quang Lanh - Bí thư Huyện ủy; đồng chí Phạm Thanh Bình - Phó bí thư Huyện ủy; đồng chí Nguyễn Văn Quang - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện (lúc này đồng chí Quang là Đảo trưởng đảo Cồn Cỏ); đồng chí Lê Quang Hoài - Trưởng Công an huyện; đồng chí Lê Đăng Lai - Chủ tịch Mặt trận huyện và tôi, Trần Thanh Hải - Chánh văn phòng huyện (nay là Phó chủ tịch HĐND huyện đảo Cồn Cỏ).

Lúc này tôi còn trẻ nên ra đảo là một vinh dự lớn, tiếp bước cha anh để xây dựng đảo; làm tròn ước nguyện không chỉ của riêng tôi mà còn của rất nhiều người. Chúng tôi ai cũng phấn khởi và rất tình nguyện ra đảo. Thực tế, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh nhưng được sự động viên của gia đình và bạn bè nên tôi đã vượt qua mọi khó khăn để bám trụ với đảo tới nay đã được 9 năm. Ước nguyện của tôi là phấn đấu xây dựng huyện đảo thành đảo thanh niên kiểu mẫu, đảo du lịch xanh, an toàn.

Ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch HĐND huyện đảo Cồn Cỏ

Tôi lấy vợ ở đất liền. Bà xã tôi là giáo viên mầm non, tôi có hai cháu đang học ở Trung Sơn - Gio Linh - Quảng Trị. Cháu đầu học lớp 6 và cháu thứ hai học lớp 5. Thông thường một đến hai tháng tôi vào đất liền một lần để thăm vợ con kết hợp với những chuyến công tác.

PV: Là đảo tiền tiêu nằm cách đất liền 17 hải lý, từng là “nòng pháo” giữa biển khơi chế ngự hàng trăm máy bay Mỹ mở rộng bắn phá miền Bắc. Nay sức sống của đảo đã xanh trở lại, nhưng chúng tôi được biết đảo vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Xin ông cho biết những “cái thiếu” trên đảo?

Ông Trần Thanh Hải: Trước hết, đảo không quá xa bờ nhưng phương tiện đi lại còn thiếu, đặc biệt vào thời điểm có gió mùa Đông Bắc cấp 6 trở lên thì thuyền bè từ Quảng Trị và miền Trung ra đảo gặp rất nhiều trở ngại. Việc đầu tư phát triển du lịch khá tốn kém, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gấp 2 đến 2,5 lần so với đất liền. Do đó, chính sách thu hút đầu tư đặc biệt là thu hút những nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm trong xây dựng cơ sở hạ tầng biển đảo gặp rất nhiều khó khăn.

Cho đến nay, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch trên đảo là chưa có. Nếu có tàu cao tốc chở được số lượng khách lớn với hạ tầng hai đầu bến tốt thì đảo sẽ có khả năng thu hút được khách du lịch. Tính chất thời vụ trong kinh doanh biển đảo rất lớn, thời gian kinh doanh trong năm chỉ khoảng 6 tháng (từ tháng 3 đến tháng 8); các sản phẩm du lịch và các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch chưa được đầu tư, chỉ mang tính tự phát.

Điện và nước cũng là một trong những "cái thiếu" trên đảo. Tháng 10-2009, nhà nước đầu tư xây dựng một trạm điện chạy dầu diezel công suất 132 KVA - 0,4KV. Bước đầu dòng điện đã tạo thuận lợi trong phát triển dịch vụ nhỏ lẻ và sinh hoạt của nhân dân, nhưng ở điều kiện biển đảo máy móc rất dễ bị hỏng hóc. Vừa rồi trạm phát điện của đảo bị cháy máy nên cũng gặp hạn chế trong cung cấp điện. Giá điện và nước được tính theo quy định của Sở Tài chính. Trước đây HĐND huyện có ra nghị quyết mỗi ngày sẽ phát điện 15 giờ nhưng bây giờ mỗi ngày chỉ phát điện khoảng 8 giờ (7 giờ 30 đến 10 giờ 30 và 18 giờ đến 23 giờ).

Do chạy máy phát bằng diezel nên giá thành rất cao, mỗi năm tỉnh và huyện phải bù lỗ hơn 1 tỉ đồng. Năm trước, chuyên gia Tây Ban Nha đã đến Cồn Cỏ khảo sát và lập dự án cung ứng điện tổng hợp gồm năng lượng gió, mặt trời và diesel. UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý chủ trương đưa vào quy hoạch với vốn đầu tư khoảng 3 triệu USD. Chúng tôi đang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư để sớm triển khai.

Trên đảo có một số chỗ khoan giếng và có nước ngọt nhưng trữ lượng không lớn. Chúng tôi đang đầu tư dự án xây dựng bể thu gom, xử lý và phân phối nước cho toàn đảo. Bao gồm ba bể, mỗi bể 1.100m3 sau đó nước từ những bể chứa này sẽ đưa lên bể lọc chính, bơm lên bình áp lực để phân phối cho khoảng 600 đến 800 nhân khẩu. Dự án này cuối năm 2013 sẽ hoàn thành. Nếu nhân khẩu trên đảo tăng lên 1.000 người sẽ triển khai giai đoạn hai bằng dự án lọc nước biển thành nước ngọt. Có thể nước ngọt được lọc từ nước biển sẽ có giá cao nhưng đó là dự án của những năm sau 2015.

PV: Hiện nay, cư dân trên đảo sống chủ yếu bằng những nghề gì, thưa ông?

Ông Trần Thanh Hải: Dân trên đảo chủ yếu sống bằng nghề buôn bán nhỏ, làm thợ cho các công trình trên đảo, một số hộ làm nghề đánh bắt cá... Nếu dân di cư ra đảo đông thì huyện sẽ có đề án thành lập đội tàu bởi ngư trường quanh đảo rộng hơn 9.000km2. Chúng tôi đã thí điểm dự án nuôi trồng thủy sản ven đảo nhưng đây là vùng biển hở, chế độ sóng gió rất bất thường nên lồng, bè nuôi không được đảm bảo để nuôi trồng thủy sản.

Khu hành chính, dân cư huyện đảo Cồn Cỏ nhìn từ Trạm hải đăng Cồn Cỏ

PV: Hồi mới ra đảo, mỗi người đều được hỗ trợ tiền hằng tháng, nay chế độ đó còn không, thưa ông?

Ông Trần Thanh Hải: Điều này là sự trăn trở của chúng tôi. Cá nhân tôi cũng đã nhiều lần trao đổi với lãnh đạo huyện vấn đề này. Trước đây thời 2002 khi thanh niên xung phong ra đảo lập nghiệp là có chế độ hằng tháng. Mỗi tháng được hỗ trợ 50.000 đồng/người, sau đó được tăng lên 150.000 đồng. Nhưng từ năm 2006 đến nay chế độ này bị cắt, bản thân huyện đảo cũng không có nguồn ngân sách nào để bù đắp vào nguồn hỗ trợ này.

PV: Thưa ông, chuyện hỗ trợ đó có thể thay đổi phù hợp với xu thế phát triển. Nhưng điều mà người dân trên đảo lo lắng nhất là chuyện học hành, chăm sóc y tế, vui chơi giải trí cho con em họ, những việc này đã được lãnh đạo huyện đảo quan tâm như thế nào?

Ông Trần Thanh Hải: Hiện nay, toàn đảo chỉ có Trường mầm non Hoa Phong Ba với 9 cháu đang được nuôi dạy. Năm học tới sẽ giảm khi có một số cháu lên lớp 1 và phải gửi vào đất liền học. Huyện đảo không có trường tiểu học, THCS. Khi gửi vào đất liền, chuyện quản lý của bố mẹ cũng khó khăn; chi phí thăm nuôi, đi lại tăng nên chúng tôi cũng thấu hiểu điều này lắm. Trăn trở lắm nhưng dân ít quá, không thể lập trường cấp I và II.

Còn về chăm sóc y tế, người có bệnh chữa trị ở Trạm Y tế Ban Chỉ huy Quân sự huyện. Ở đây có cơ cấu có 4 y, bác sĩ. Các đơn vị trên đảo đều có đội ngũ y sĩ riêng. Hải quân, biên phòng, văn phòng huyện... đều có y sĩ riêng. Chúng tôi đang xây dựng trung tâm y tế quân dân kết hợp và sẽ hoàn thành trong thời gian tới.

PV: Được biết, Cồn Cỏ là một đảo tiền tiêu có vị trí đặc biệt quan trọng trong an ninh quốc phòng. Đồng chí cho biết công tác tập huấn, rèn luyện cho nhân dân về quốc phòng an ninh biển đảo được triển khai như thế nào?

Ông Trần Thanh Hải: Dân quân tự vệ năm nào cũng được học khoảng 1 tuần. Trong thời gian đó được học chính trị, thực hành bắn súng trên thao trường. Lãnh đạo huyện rất quan tâm đến vấn đề này, nhiều hội nghị quán triệt nghị quyết của Đảng đều được nhấn mạnh nội dung phát triển quốc phòng an ninh trên địa bàn là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên của quân, dân trên đảo.

PV: Ông cũng đang làm Trưởng ban Xây dựng Đảng của huyện đảo Cồn Cỏ. Vậy công tác Đảng, phát triển đảng viên ở huyện đảo hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Thanh Hải: Hằng năm, chúng tôi phát triển thêm từ 25-30 đảng viên mới. Năm 2012, Đảng bộ huyện kết nạp thêm 36 đảng viên mới. Đến thời điểm này, toàn đảo có 109 đảng viên (trong tổng số 400 dân) nhưng số lượng không tăng. Đảng viên chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ nên khi họ luân chuyển công tác, một bộ phận đến, một bộ phận đi sẽ bù trừ cho nhau. Mặc dù đảo rất thiếu thốn cơ sở vật chất nhưng mỗi năm cũng mở được một lớp bồi dưỡng cho đối tượng kết nạp đảng cho 40-50 đoàn viên ưu tú. Việc triển khai các nghị quyết của Đảng đều được phổ biến nhanh chóng. Khác với đất liền, đảo Cồn Cỏ tổ chức cho toàn thể đảng viên và nhân dân học tập các nghị quyết luôn. Nếu ai chưa học lớp thứ nhất thì đếnlớp thứ hai toàn quân và dân trên đảo đều được học đầy đủ.

PV: Được biết, UBND huyện đảo Cồn Cỏ đang xây dựng đề án phát triển du lịch. Ông có thể cho biết, hiện nay tiến độ triển khai dự án đã thực hiện đến đâu?

Ông Trần Thanh Hải: Lộ trình đến 2015, huyện đảo sẽ xây dựng xong 50 ngôi nhà để thu hút dân cư đất liền ra đảo lập nghiệp. Điều này cũng là một động lực về nguồn nhân lực để phát triển du lịch biển đảo. Hiện tại, chúng tôi chưa có kế hoạch mở rộng các loại hình du lịch. Bởi du khách thường muốn khám phá cái mới, nhưng đảo chưa đáp ứng được, nếu du khách ra đây sẽ phản tác dụng, gây bất lợi cho tương lai du lịch trên đảo. Họ sẽ "ối giời" nếu lưu trú lại đây vài ngày và về phát tán thông tin đó ra công chúng, hình ảnh du lịch của đảo sẽ bị lãng quên. Trước mắt, huyện chỉ ưu tiên cho các đoàn công tác và các cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa lên đảo.

Du lịch về nguồn, sinh thái, thám hiểm lòng biển là những tiềm năng của du lịch biển đảo Cồn Cỏ. Đặc biệt, tháng 10-2005, Viện Nghiên cứu Bộ Thủy sản được sự tài trợ của Tổ chức Bảo tồn biển đảo Đan Mạch và quốc tế đã tiến hành lặn, thăm dò, khảo sát quanh đảo bước đầu đã đưa ra kết luận sơ bộ tại Cồn Cỏ có loài san hô màu đỏ cực kỳ quý hiếm và san hô đen phân bổ vùng nước có độ sâu từ 40m trở lên. Đây là loại san hô có giá trị kinh tế cao. Hiện nay tổ chức bảo tồn biển Việt Nam và quốc tế đang đưa Cồn Cỏ vào danh mục ưu tiên thực hiện “dự án bảo tồn biển”. Đây chính là điều kiện thuận lợi, tạo lợi thế tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái biển.

Đảo Cồn Cỏ còn là một “chiến trường xưa” gắn liền với những trận chiến đấu ác liệt để bảo vệ đảo, thể hiện truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhiều di tích trận địa trên đảo gắn liền với những chiến công hiển hách của cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ trong cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc. Hiện nay đang được Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch hoàn tất hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận “Di tích lịch sử quốc gia”.

PV: Xin cảm ơn ông!

VÀI NÉT VỀ ĐẢO CỒN CỎ

Cồn Cỏ nằm vắt ngang vĩ tuyến 17, vào khoảng 17,2 độ vĩ bắc; 107,7 độ kinh đông, cách địa đạo Vĩnh Mốc huyện Vĩnh Linh khoảng 25km về phía đông, điểm cao nhất so mặt nước biển là 63,4m. Tổng diện tích tự nhiên là 230ha; dân số khoảng 400 người (trước kia đảo thuộc xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).

Năm 2002 mô hình xây dựng đảo Cồn Cỏ thành “Đảo Thanh niên” được hình thành: 43 thanh niên của Tổng đội TNXP Quảng Trị đã tình nguyện ra xây dựng đảo. Từ đây đảo đã có những cư dân dân sự đầu tiên đến định cư trên đảo, mở ra một hướng mới xây dựng Cồn Cỏ thành địa bàn kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng an ninh vững chắc.

Ngày 1/10/2004, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định 174/2004/NĐ-CP về việc thành lập huyện đảo Cồn Cỏ, với mục tiêu xây dựng phát triển đảo Cồn Cỏ thành “Huyện đảo Du lịch”.

Ngày 18/4/2005, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức lễ công bố Nghị định 174/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Cồn Cỏ trở thành đơn vị hành chính thứ 10 của tỉnh Quảng Trị.

LỊCH SỬ ĐẤU TRANH BẢO VỆ ĐẢO CỒN CỎ

Sau Hiệp định Giơnevơ (1954) một thời gian dài đảo chưa có người ở. Mùa thu năm 1959, trước âm mưu của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Sài Gòn lăm le chiếm đảo, chấp hành mệnh lệnh của Tư lệnh và Chính ủy E270 thuộc đặc khu Vĩnh Linh, một trung đội pháo 127 ly của Trung đoàn 270 quân đội nhân dân Việt Nam do Thiếu úy Dương Đức Thiện chỉ huy vượt sóng gió trùng dương ra đảo. Đúng 11 giờ ngày 8/8/1959 lá cờ đỏ sao vàng được cắm lên đảo, một lần nữa khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc Việt Nam.

Hai ngày sau khi lực lượng vũ trang đặt chân lên đảo, đế quốc Mỹ và Ngụy quyền đưa tàu chiến đến vây đảo, ta nổ súng cảnh cáo buộc chúng phải bỏ chạy. Bị thất bại trong chiến tranh cục bộ tại miền Nam, ngày 5/8/1964 đế quốc Mỹ dựng nên sự kiện vịnh Bắc Bộ để lấy cớ liều lĩnh phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, đảo Cồn Cỏ là một trong những mục tiêu mà kẻ địch muốn tiêu diệt đầu tiên.

Ngày 8/8/1964 Mỹ, ngụy huy động 60 lần chiếc máy bay chia thành nhiều hướng tấn công vào Cồn Cỏ. Trận đầu ra quân cán bộ chiến sĩ Cồn Cỏ đã chiến đấu anh dũng ngoan cường, bắn tan 2 máy bay và bắn bị thương 1 máy bay khác. Mở đầu cho những chiến công nối tiếp của 1.500 ngày đêm đối mặt với kẻ thù với gần 1.000 trận đánh lớn nhỏ của Cồn Cỏ bất khuất anh hùng. Với những chiến thắng oanh liệt, chiến sĩ và cán bộ đảo Cồn Cỏ đã vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.

Trong những năm 1967-1968 của thế kỷ XX, Mỹ - ngụy đã điên cuồng dùng máy bay đánh phá Cồn Cỏ rất ác liệt. Dưới mưa bom bão đạn, gian khổ hy sinh. Nhiều chiến sĩ đã viết thư bằng máu với lời thề “Thà hy sinh tất cả chứ không để mất đảo”. Anh hùng Thái Văn A - chiến sĩ đài quan sát khi bị thương đã tự mình rút mảnh đạn, tự băng bó, quyết không chịu rời trận địa. Chiến sĩ Nguyễn Hữu Quý giữa lúc bom đạn ngút trời đã bất chấp hiểm nguy, cởi mũ sắt che cho kính ngắm SĐI cao xạ 14 ly 5 cùng đồng đội bắn rơi 4 máy bay Mỹ. Đó là chiến sĩ Lê Ngọc Oanh bị vết thương nặng trước lúc lâm chung chỉ kịp nói với đồng đội: “Tôi không có gì phải tiếc nuối hay ân hận, chỉ tiếc rằng không được cùng các đồng chí tiếp tục chiến đấu bảo vệ đảo”.

Đó là Đảo trưởng Vũ Kỷ mưu trí sáng tạo chỉ huy pháo mặt đất 85 ly trực tiếp bắn rơi 1 thủy phi cơ Mỹ tiêu diệt toàn bộ giặc lái. Đó là chiến sĩ Trần Văn Thục kiên trì chịu đựng trên bàn mổ không một lời kêu rên khi phải nối chín khúc ruột không có thuốc gây tê và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ khác đã góp phần dựng nên tượng đài Cồn Cỏ anh hùng bất khuất làm nức lòng quân và dân cả nước.

Với những thành tích đã đạt được, đảo Cồn Cỏ 2 lần vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Lần thứ nhất vào ngày 1/1/1967, lần thứ hai vào ngày 25/8/1970.

3 lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Độc lập hạng Nhất và hạng Nhì. 3 Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; 4 Huân chương Chiến công hạng Nhất và hàng chục phần thưởng cao quý khác. Có 5 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang (Thái Văn A, Nguyễn Văn Mật, Cao Văn Khang, Lê Văn Ban, Lê Tất Đắc).

Trải qua 1.500 ngày đêm đối mặt với kẻ thù, chiến đấu gần 1.000 trận lớn nhỏ. Cồn Cỏ anh hùng đã bắn rơi 48 máy bay Mỹ, bắn chìm 17 tàu chiến và hải thuyền của địch. Gần 200 đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu hy sinh để dựng nên một tượng đài Cồn Cỏ anh hùng mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc.

(Trích tài liệu do UBND huyện đảo Cồn Cỏ cung cấp)


Đức Chính (thực hiện)