Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Đánh thuế nặng túi nilon, cơ hội cho túi sinh thái?

08:49 | 21/03/2012

1,963 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
– Sau gần 3 năm xuất hiện trên thị trường, những chiếc túi sinh thái (Ecobag), hay “túi thân thiện” hiện vẫn chưa quen thuộc với cuộc sống của từng người dân bởi giá thành khá cao và cách thức tuyên truyền còn chưa hiệu quả.

Mỗi năm lãng phí 648 tỉ đồng cho túi nilon

Túi nilon xuất hiện cách đây khoảng 150 năm – do nhà hóa học Anh Alexander Parkes phát minh. Sự ra đời của túi nilon đã mang lại nhiều tiện lợi, nhất là trong việc bao gói hàng hóa, song đến thời điểm này túi nilon đang là một vấn nạn môi trường và nhiều quốc gia đang tìm mọi cách để loại bỏ. Người ta tính rằng, vứt bỏ một túi nilon chỉ tốn 1 giây, nhưng nếu không có sự tác động bởi nhiệt độ cao của ánh sáng mặt trời thì phải mất từ 500 – 1.000 năm mới có thể phân hủy được. Ước tính, mỗi năm nhân loại xài khoảng 500 – 1.000 tỉ túi nhựa. Vì thế túi nilon đang bị coi là một trong những "thủ phạm” nguy hiểm gây ô nhiễm môi trường – sự “ô nhiễm trắng”.

Sử dụng túi nilon là thói quen khó bỏ của người Việt Nam

Tại Việt Nam, theo một khảo sát của cơ quan môi trường, việc sử dụng vô tội vạ túi nilon dường như thành thói quen khó bỏ của người Việt Nam. Trung bình một người Việt Nam trong 1 năm sử dụng ít nhất 30kg các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa. Từ 2005 đến nay, con số lên tới 35 kg/người/năm. Năm 2000, trung bình một ngày, Việt Nam xả khoảng 800 tấn rác nhựa ra môi trường. Đến nay, con số đó là 2.500 tấn/ngày và có thể còn hơn. Tính trung bình mỗi gia đình Việt Nam hàng ngày sử dụng không dưới 10 túi nilon các loại.

Theo ngành môi trường, nhu cầu về vốn đầu tư bảo vệ môi trường của Việt Nam là 85.000 tỉ đồng. Trong số tiền trên, có đến vài trăm tỉ được sử dụng để khắc phục những thiệt hại do đồ nhựa, túi nilon thải ra môi trường.

Nếu như trước đây, thói quen đi chợ của người dân khá giản tiện, vài tấm lá chuối, cái lạt rơm quấn là xong mớ rau, lạng thịt; hay sử dụng túi cói, làn nhựa để đi chợ thì giờ đây, túi nilon trở thành lựa chọn hàng đầu. Không phải không biết rõ tác hại của túi nilon đối với sức khỏe của bản thân và cộng đồng nhưng đại đa số người tiêu dùng Việt Nam vẫn sử dụng túi nilon như một thói quen khó bỏ.

Khảo sát qua các chợ trong địa bàn Hà Nội như chợ Mơ, chợ Nghĩa Tân, chợ Mai Động, rất dễ bắt gặp hình ảnh bà nội trợ lủng lẳng xách theo 4, 5 túi nilon thịt, cá, rau củ.

Chị Nguyễn Hoàng Oanh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Đi làm về thời gian không có nhiều, tấp vào chợ mua thực phẩm cho gia đình thì có túi nilon là hay nhất, sạch sẽ mà lại tiện dụng. Dân công sở chúng tôi chẳng có ai mang làn, mang túi theo cả, biết cất ở đâu?”.

Tuy nhiên, chính sự “tiện dụng” này mà mỗi năm số tiền bị lãng phí lên tới 648 tỉ đồng cho việc sử dụng túi nilon của hơn 800.000 hộ gia đình tại thành phố Hà Nội.

Túi sinh thái và nỗ lực “xanh hóa” môi trường

Trong nỗ lực “xanh hóa” môi trường, dần loại bỏ túi nilon, kể từ ngày 1/1/2012, theo Luật thuế bảo vệ môi trường, túi nilông bán ra bắt buộc phải chịu thuế. Những doanh nghiệp sản xuất túi nilông trước đây không bị áp thuế bảo vệ môi trường thì kể từ ngày 1/1 phải đóng mức 30.000 – 50.000 đồng/kg. Mức thuế này đã làm giá thành túi nilông trên thị trường có thời điểm tăng thêm 40.000 – 45.000 đồng/kg, tăng 50 – 70% so với trước Tết Dương lịch. Theo đó, một số nơi mức tăng từ 40.000 đồng lên 65.000 – 70.000 đồng/kg, đỉnh điểm là một số nơi tăng ở mức 80.000 đồng/kg.

Việc đánh thuế túi nilon đã mở đường cho việc phát triển và phổ biến túi thân thiện với môi trường. Có khá nhiều loại túi thay thế cho túi nilon như túi sinh thái, túi sinh học tự hủy đã xuất hiện trong đời sống từ năm 2009, tuy vậy cho đến nay, những chiếc túi này vẫn chưa được sử dụng rộng rãi. Trên thị trường hiện nay xuất hiện một số loại túi có khả năng thay thế cho túi nilon như: túi nilon sinh học tự hủy; túi đa năng sinh thái (eco-bag) hay túi giấy. Hình thức đa dạng, nhưng điểm chung của các loại túi này là dễ sử dụng và dễ phân hủy. Túi giấy có quai với thiết kế đẹp, dễ dàng quảng cáo cho cửa hàng đã được nhiều cửa hàng thời trang chọn thay túi nilông. Các loại túi sinh thái không sử dụng thuốc nhuộm màu hay tẩy trắng gây hại cho môi trường và khi cần có thể dễ dàng giặt sạch và tái sử dụng nhiều lần.

Song song với việc cho ra đời các loại túi sinh thái, thân thiện với môi trường, các dự án truyền thông như 3R, Go Green, 350 … cũng có tác động tới nhận thức của cộng đồng trong việc góp phần bảo vệ môi trường. Tuy vậy, số người sử dụng túi thân thiện trong cuộc sống lại rất ít, lý do họ đưa ra là giá thành những chiếc túi này cũng đa dạng, túi vải không dệt từ 2.000 – 10.000 đồng, túi thời trang từ 30.000 – 200.000 đồng mặc dù thời gian sử dụng từ 2 – 3 năm.

Nhiều chiến dịch tuyên truyền chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề, nghĩa là dừng lại ở việc hô hào, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, treo băng rôn chứ chưa có những biện pháp mạnh mẽ tác động tới ý thức của người tiêu dùng. Như dự án 3R – phân loại rác tại nguồn, thời gian đầu có sự quảng bá, thông tin rầm rộ trên khắp phương tiện truyền thông đại chúng, được đầu tư bởi một tổ chức có uy tín của Nhật Bản – tổ chức JAICA. Tuy nhiên đến thời điểm này, việc phân loại rác tại nguồn vẫn chưa được thực hiện trên diện rộng, mà ngay tại các quận thí điểm, người dân cũng không còn thói quen phân loại rác.

Túi sinh thái đa dạng nhưng giá thành khá cao

Cũng như vậy, các dự án “Tôi ghét nilon”, dự án “Ngày Chủ nhật xanh” hay “Nói không với nilon và ống hút” đều được quảng bá rầm rộ với sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan báo chí, truyền thông. Nhưng số lượng người sử dụng túi sinh thái thay thế túi nilon rất ít, hoặc sử dụng túi không đúng với mục đích ban đầu.

Cô Trần Ngọc Thoa (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, nếu muốn người dân sử dụng túi sinh thái thì cần tạo cho họ thói quen và nguyên tắc cụ thể. Như siêu thị Metro (Hà Nội) có nguyên tắc khách hàng phải được phát túi riêng của siêu thị mua hàng, nếu quên ở nhà thì phải mua lại túi với mức giá quy định. Do vậy, túi trở thành vật bất ly thân của cô Thoa khi đi siêu thị này.

Tuy vậy, việc loại bỏ túi nilon không chỉ trông vào nỗ lực của chính quyền và người dân, thực tế hiện nay trong các siêu thị, túi nilon in tên siêu thị vẫn được xếp cùng các loại túi thân thiện, bởi khó có thể để chung mớ rau, con cá cùng các đồ gia dụng như nồi, chảo hay giày dép.

Hiện nay, cả thế giới đang đối mặt với thách thức về biến đổi khí hậu, nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt và môi trường ô nhiễm nặng nề. Chỉ một hành động nhỏ như bỏ túi nilon, sử dụng túi sinh thái với chất liệu an toàn, dễ phân hủy cũng là cách để mỗi người dân góp phần giữ gìn trái đất và giữ gìn chính cuộc sống của con người.

Vương Tâm