Đại biểu Quốc hội chia sẻ giải pháp đối với nông sản Việt
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông sản ước vượt mức kỷ lục 40 tỷ USD. Việt Nam từng bước khẳng định vị thế cường quốc về xuất khẩu nông sản (đứng thứ 15 thế giới và đã xuất sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ). Năm 2019, xuất khẩu nông sản hướng tới những mục tiêu cao hơn, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt tối thiểu 43 tỷ USD.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này ngành nông sản Việt phải đối mặt với không ít thách thức. Các thị trường xuất khẩu ngày càng có những tiêu chuẩn khắt khe hơn buộc các mặt hàng nông sản Việt không chỉ hướng tới tăng trưởng về số lượng mà cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng.
Trước vấn đề trên, nhiều đại biểu Quốc hội đã có những đánh giá về thuận lợi cũng như khó khăn của ngành nông nghiệp nói chung, nông sản nói riêng đồng thời chia sẻ những giải pháp nhằm đưa nông nghiệp trong đó tiêu biểu là nông sản Việt phát triển xứng đáng với tiềm năng vốn có.
Đại biểu Nguyễn Xuân Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: Tiếp tục tổ chức lại nền sản xuất dựa trên hộ nhỏ lẻ
Chính phủ, doanh nghiệp, doanh nhân và cả người dân phải cùng đồng hành |
Việt Nam sau quá trình đổi mới, đặc biệt mốc năm 2018 thì sản xuất nông sản Việt Nam không những đáp ứng nhu cầu cho 100 triệu dân trong nước mà chúng ta còn tạo ra khối lượng sản phẩm xuất khẩu tới 40,2 tỷ USD, trong đó có 10 nhóm ngành hàng của nông nghiệp có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Tuy nhiên, năm 2019 và giai đoạn tới, nông sản sẽ phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức do nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán. Nguy cơ từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, thị trường đầu ra cho nông sản sẽ gặp khó khăn do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và nhiều nước trên thế giới tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp.
Chúng ta tiếp tục tổ chức lại nền sản xuất dựa trên hộ nhỏ lẻ với 8,6 triệu hộ thành nền nông nghiệp tập trung hướng đến hàng hóa có quản trị. Bên cạnh đó, tổ chức lại nền sản xuất nông nghiệp để thích ứng được với biến đổi khí hậu, một tác nhân đang gây hậu họa rất lớn đến tất cả các nước trên thế giới, trong đó Việt Nam là một trong 5 nước bị tổn thương lớn nhất. Ngoài ra, Việt Nam phải có giải pháp đồng bộ trong chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, Chính phủ, doanh nghiệp, doanh nhân và cả người dân phải cùng đồng hành trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế.
Đại biểu Đinh Duy Vượt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: Thu hút doanh nghiệp làm bà đỡ cho sản xuất
Phải đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu |
Trong những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp có những tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, điệp khúc “được mùa, mất giá”, “mất mùa, mất giá” liên tục xảy ra, không ít mặt hàng nông sản đang rất khó khăn. Những cây công nghiệp có giá trị cao như tiêu, cà phê, mía, cao su đua nhau rớt giá ở cả thị trường trong và ngoài nước. Nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần, thậm chí vay tín dụng đen. Trên thực tế, người dân phát triển cây trồng, vật nuôi ồ ạt. Khi được giá thì phát triển mạnh lên, mất giá thì lại chặt đi, không tăng gia sản xuất. Đây là điều rất đáng lo ngại.
Giải pháp quan trọng đối với cơ sở địa phương là làm thế nào thu hút được doanh nghiệp, hợp tác xã để làm bà đỡ dẫn dắt sản xuất, tức là sản xuất sạch, sản phẩm sạch cho đến chuỗi giá trị sau thu hoạch và xuất khẩu. Đẩy mạnh chế biến sâu, tránh tình trạng xuất thô vì giá trị càng cao trong chuỗi sản phẩm thì giá trị càng được nâng cao. Đối với các cơ quan Trung ương, đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu để các mặt hàng này sang được nhiều thị trường, nhiều nước. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục khoanh nợ, giãn nợ và cho vay phát triển sản xuất.
Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Phải tăng cường hỗ trợ vốn
Người dân cần nhận thức được sản phẩm mình sản xuất ra phải đảm bảo chất lượng |
Sản phẩm nông sản của Việt Nam thời gian qua khá bấp bênh. Vấn đề là do tập quán canh tác. Người dân chạy theo số lượng, không quan tâm đến nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó là chạy theo năng suất, không trú trọng đến chất lượng sản phẩm. Vì là kinh tế thị trường, tất cả do thị trường quyết định cho nên nếu như sản phẩm đáp ứng yêu cầu thì kể cả thị trường khó tính chúng ta cũng không lo. Nhưng nếu sản phẩm kém chất lượng thì ngay cả thị trường trong nước cũng không thể tiêu thụ được. Nông sản Việt Nam còn có hạn chế nữa là đầu tư một cách manh mún, chưa có sự liên kết, chưa có sự tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa cho nên sản phẩm bị thương lái ép giá.
Trước hết phải nâng cao nhận thức, người dân phải nhận thức được mình sản xuất ra phải đảm bảo chất lượng, chất lượng đó, sản phẩm đó phải an toàn, phải đảm bảo thì mới tiêu thụ được và phải coi thị trường trong nước là thị trường lớn để tiêu thụ tại chỗ. Nếu thị trường trong nước không tiêu thụ được thì cũng sẽ không thể ra thị trường nước ngoài được. Tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ để người dân có điều kiện tiếp cận với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tăng cường hỗ trợ vốn để người dân, doanh nghiệp có điều kiện đầu tư sản xuất sản phẩm sạch, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất.
Ngoài ra, vai trò dự báo của nhà nước, định hướng của Nhà nước là rất quan trong, hướng người dân tiếp cận với thông tin trong nước và quốc tế về nhu cầu của sản phẩm.
M.L (t/h)
-
Chậm thay đổi chính sách thuế GTGT phân bón có thể khiến nông sản Việt thua thiệt trên trường quốc tế
-
Tin tức kinh tế ngày 26/10: Nợ nước ngoài của Chính phủ giảm nhanh
-
Tin tức kinh tế ngày 19/8: Việt Nam có thêm 3 mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
-
Tin tức kinh tế ngày 11/8: EU tăng tần suất kiểm tra với nông sản Việt Nam
-
Tin tức kinh tế ngày 21/7: Lãi suất vay mua nhà tăng trở lại