Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

DA trong MA DA nghĩa là gì?

07:45 | 12/07/2015

|
Bạn đọc: Có ý kiến cho rằng, “da” trong “ma da” có nghĩa là nước và bắt nguồn ở từ “ya” có nghĩa là “nước” của tiếng Chăm nên “ma da” có nghĩa là “ma nước”. Xin ông cho biết ý kiến? Cảm ơn ông.  Nguyễn Thành Thông (TP Vũng Tàu)

Năng lượng Mới số 438

Học giả An Chi: “Ma da” là ma gì? Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng “tục hiểu là con ma ở dưới nước, chính là hồn người chết nước hóa ra, hay kéo người khác chết thế cho nó lên đất”. Dictionnaire annamite-français của J.F.M.Génibrel, dịch là “génie malfaisant des eaux” (ác thần dưới nước). Từ điển từ ngữ Nam Bộ của TS Huỳnh Công Tín giảng là “thủy quái, loài ma, yêu quái sống, hoạt động ở dưới nước”. Việt Hán từ điển tối tân của NXB Chin Hoa (Chợ Lớn) đối dịch “ma da” là [水鬼] “thủy quỷ”.

Cận âm với “da” trong “ma da” của tiếng Việt là “ýa”, có nghĩa là “nước”, trong tiếng Chăm, như có thể thấy trong Dictionnaire Căm Vietnamien Français của Gérard Moussay (Centre Culturel Căm, Phanrang, 1971).

Dựa vào hai điểm trùng hợp về ngữ nghĩa và ngữ âm trên đây, có người đã cho rằng, “da” trong “ma da” của tiếng Việt là do “ýa” của tiếng Chăm mà ra (nên “ma da” mới là “ma [dưới] nước”). Nhưng đâu có phải tất cả những người giống hệt nhau đều là bà con với nhau (ở đây là “da” và “ýa”), như Joseph Vendryes đã viết trong Le langage. Cho nên chúng tôi xin nhấn mạnh rằng, trên đây mới chỉ là chuyện khái niệm chứ chưa phải là chuyện từ nguyên vì một vấn đề tinh tế cần được đặt ra ngay từ đầu là tại sao người Việt lại không gọi thẳng “ma da” là “*ma nước” mà phải lòng vòng đi phiên âm từ “ýa”của tiếng Chăm thành “da” để gọi nó là “ma da”. Đây là một việc hoàn toàn phi lý vì ta không có bất cứ lý do thực tế và/hoặc ngôn ngữ nào cho một sự vay mượn như thế cả.

Còn về mặt từ vựng và lời nói thì “ýa” của tiếng Chăm cũng chưa bao giờ đi vào tiếng Việt (ở miền Nam) thành “da” với tính cách là một từ độc lập để có thể hành chức một cách hoàn toàn tự do, nên cũng không thể kết hợp với “ma” thành “ma da”. Xin nhớ rằng, tất cả các từ ngoại lai (do vay mượn) mà đi được vào tiếng Việt thì đều là và phải là những từ độc lập. Xin nêu vài thí dụ về từ gốc Pháp: - “bia” do “bière” (không phải do “beer”) mà ra nhưng ta có thể nói “bia bọt”, “bia hơi”, “bia tươi”, “hãng bia”, “bia Tiger”, “bia Sapporo”, “nốc bia”, “rót bia”, “vại bia”; - “bơ” do “beurre” mà ra nhưng ta có thể nói “bơ sữa”, “bơ lạt”, “bơ mặn”, “bơ thừa sữa cặn”, trái/cây bơ (avocat[ier]), “gà chiên bơ”, v.v...; - “ga” do “gare” mà ra nhưng ta có thể nói “nhà ga”, “sân ga”, “ga tàu điện”, “ga tàu hỏa”, “Ga Hàng Cỏ”, “Ga 0” (tức “Ga Zero”, Nhóm công khai trên Facebook); v.v... Còn “*da” với nghĩa là “nước” thì tuyệt đối không.

Thực ra, ta có thể lần tìm từ nguyên của hình vị “da” trong “ma da” bằng cách tìm hiểu đặc điểm của loài ma này theo sự mô tả của dân gian. Nó có hình thù không xác định và hình thù đó chỉ là một mớ da bùng nhùng, lạnh và trơn, nhớt với cặp mắt lồi đờ đẫn mà cái đầu thì cũng không có hình dạng rõ rệt. Do đó, dân gian mới gọi nó là “ma da”. Nhưng chúng tôi sợ rằng, đây cũng chỉ là từ nguyên dân gian: vì không biết nghĩa đích thực của “da” trong “ma da” là gì nên người ta đã đánh đồng từ này với “da” trong “da thịt” mà hiểu như đã nói. Còn nếu quả thực ma da là một loài ma với “mớ da bùng nhùng” thì dĩ nhiên trên đây là một cách giải thích đáng tin cậy. Nhưng tất cả hãy còn ở phía trước vì đây là chuyện cần phải tìm hiểu thêm và thẩm định một cách thận trọng trước khi khẳng định.

Về mặt khoa học, trước những hiện tượng có vẻ như là thực nhưng lại khả nghi, ta nên kiên trì tìm thêm cứ liệu cần thiết hơn là cứ khẳng định vấn đề một cách vội vàng.

A.C