Đà phục hồi tăng trưởng ghi nhận ở cả ba khu vực của nền kinh tế
Theo đó, bối cảnh, tình hình thế giới năm 2022 có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường. Xung đột Nga - Ukraine; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; tình hình dịch bệnh, thiên tai trên thế giới diễn biến phức tạp... đã làm chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá dầu thô, lương thực, thực phẩm và nhiều vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, lạm phát tăng cao đột biến, trong khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc, thậm chí đối mặt nguy cơ suy thoái tại nhiều nền kinh tế, đối tác lớn...
Tuy nhiên, việc ban hành kịp thời và triển khai bước đầu có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, nhất là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết chuyên đề khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng với Nghị quyết số 11-NQ/CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đã giúp kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra tại Kỳ họp. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, GDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 – 2022, nhất là Quý III tăng 13,67%. Đà phục hồi tăng trưởng được ghi nhận ở cả 3 khu vực của nền kinh tế; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 10,69%... Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI 9 tháng tăng 2,73%; lạm phát cơ bản tăng 1,88%. Các cân đối lớn được bảo đảm; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, đồng Việt Nam được đánh giá là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực.
Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng hạng tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Ước thực hiện cả năm 2022 có 14/15 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu, trong đó tăng trưởng GDP cả năm ước khoảng 8%, vượt mức chỉ tiêu phấn đấu và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn về tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm, nhất là Quý III cao song không nên chủ quan vì nền tăng trưởng cùng kỳ thấp (Quý III/2021, GDP giảm hơn 6%). Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là một trong các chỉ tiêu rất quan trọng phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế không đạt, cho thấy chất lượng nền kinh tế còn hạn chế, tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn và lao động.
Doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại trong 9 tháng tăng cao (38,6% so với cùng kỳ năm 2021). Tuy nhiên, các doanh nghiệp mới chưa đóng góp nhiều cho nền kinh tế trong khi các doanh nghiệp nói chung tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu vốn lưu động, khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng; chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao; số lượng và lợi nhuận của đơn hàng xuất khẩu sụt giảm… Công nghiệp hỗ trợ, mức độ liên kết doanh nghiệp nội ngành, liên ngành và liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI còn nhiều hạn chế.
Qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, lạm phát được kiểm soát, song giá xăng dầu trong nước tăng ở mức kỷ lục trong nửa đầu năm, gây nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu; phân tích nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp khi giá xăng dầu thế giới nhiều khả năng tiếp tục có những diễn biến bất lợi trong tương lai. Đồng thời, làm rõ các tồn tại trong công tác chỉ đạo điều hành và kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu; khi giá xăng dầu giảm, giá cả nhiều mặt hàng vẫn neo cao, đặc biệt là các mặt hàng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, lương thực, thực phẩm… ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Một số vấn đề khác cần được quan tâm, báo cáo làm rõ như về phát triển kinh tế số; năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam; việc đấu thầu mua sắm tài sản công gây thiệt hại, thất thoát ngân sách Nhà nước; kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận thanh tra, kiểm toán Nhà nước...
Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Đề cập dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thống nhất các định hướng, mục tiêu và chỉ tiêu báo cáo Chính phủ nêu. Theo đó, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, không để bị động, bất ngờ. Đồng thời đề nghị, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính ngân hàng, giá cả kinh tế, phản ứng chính sách thế giới… chủ động có giải pháp điều hành phù hợp, đặc biệt là giá xăng dầu, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao.
Chính phủ cũng cần bám sát thực tiễn, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra, không để lỡ nhịp hồi phục sau dịch bệnh, nhất là tác động do giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất tăng cao trên thế giới. Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát. Xây dựng giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để vừa khắc phục những hạn chế, yếu kém của một số ngành, lĩnh vực, vừa thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, tiếp tục tìm kiếm cơ hội phát triển mới thông qua thúc đẩy các động lực tăng trưởng theo xu hướng phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, tăng cường môi trường thuận lợi và bảo đảm an toàn trong không gian mạng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí các-bon… Đồng thời, cần đánh giá tổng thể về lợi ích đạt được và chi phí mà nền kinh tế phải bỏ ra để xây dựng lộ trình thực hiện cam kết COP26 phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển của Việt Nam.
P.V
-
Cần sửa đổi, hoàn thiện Luật số 69 để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn
-
Một điểm nghẽn cần phải khơi thông
-
EVNHANOI đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Công tác nhân sự được thực hiện chặt chẽ, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao
-
Tăng tỷ lệ hưởng lương hưu cho lao động nam, nhiều người được hưởng lợi
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí
-
Báo chí đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng