Đà Nẵng, Quảng Nam sẵn sàng ứng phó với bão số 3
Bão số 3 áp sát Đà Nẵng - Quảng Ngãi |
Đồng thời, giao Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo theo dõi diễn biến mưa bão, để quyết định thời điểm phù hợp cho học sinh đi học lại.
Do ảnh hưởng của bão số 3, từ tối qua 13/9 đến sáng nay 14/9, mưa to diễn ra trên diện rộng, nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố ngập nước, làm trở ngại giao thông.
Ngay từ sáng sớm, trên cầu Sông Hàn, cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng mưa to kết hợp với gió giật mạnh khiến lưu thông khó khăn cho người và phương tiện. Đã xẩy ra tình trạng xe ùn ứ kéo dài từ cầu Sông Hàn gần đến đường Ngô Quyền.
Tàu thuyền từ ngoài khơi chạy vào các khu vực neo đậu trên sông Hàn.Ảnh: Thanh Hiếu |
Nhiều tuyến đường trong thành phố bị ngập nước từ 10-30cm như: tuyến đường Quang Trung đoạn từ đường Nguyễn Thị Minh Khai đến Đống Đa. Các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Đống Đa, Hải Hồ, Nguyễn Văn Linh, Hùng Vương... gây khó khăn cho người qua lại.
Trước tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, sáng 14/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã có Công điện yêu cầu: “ BCH Bộ đội Biên phòng thành phố nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền thành phố; chịu trách nhiệm phối hợp với các địa phương và các đơn vị: Cảnh sát giao thông đường thủy, Chi cục Thủy sản thành phố tổ chức di dời toàn bộ tàu thuyền trên sông Hàn vào khu trú tránh bão Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang; nghiêm cấm tàu thuyền vào neo đậu trên sông Hàn; hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn.
UBND các quận ven biển thông báo, yêu cầu các chủ phương tiện neo đậu tàu thuyền đúng nơi quy định, khẩn trương tổ chức kéo tàu thuyền nhỏ, thuyền thúng lên bờ tránh bão.
Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo các địa phương thông báo tin bão khẩn cấp cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh; triển khai ngay các phương án chống bão, lũ, lũ quét; triển khai ngay phương án sơ tán nhân dân tại những vùng trũng, thấp, vùng ven biển...
Một số tàu không kịp di dời đã bị mắc cạn, phá nước. Ảnh: Thanh Hiếu |
Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, UBND các quận, huyện và các sở liên quan đến công tác xây dựng chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng khẩn trương tổ chức phòng, chống cho các công trình xây dựng; phối hợp với UBND các quận, huyện triển khai các biện pháp phòng, chống ngập úng do mưa lớn cho các khu dân cư do công trình đang thi công dở dang. Thực hiện công tác chằng chống nhà cửa, tăng cường ổn định cho các nhà tạm chờ tái định cư. Sở Xây dựng kiểm tra và xử lý đảm bảo an toàn cho kênh thoát lũ ở Hòa Liên.
Sở Tài nguyên và Môi trường sẵn sàng triển khai vận hành các trạm bơm chống ngập úng trên địa bàn thành phố. Sở Y tế sẵn sàng phương án cấp cứu nạn nhân và cấp cứu lưu động.
Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng có phương án đảm bảo an toàn điện trong thời gian có bão và nhanh chóng tổ chức khắc phục sự cố điện sau bão.
Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải triển khai công tác chốt chặn không cho các phương tiện lưu thông trong gió bão, vùng ngập...”
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, đến 16 giờ chiều nay (14-9), vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển ven bờ Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 60 đến 75km một giờ), giật cấp 9-10.
Ngư dân tại phường Mân Thái (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đưa phương tiện lên bờ tránh, trú bão. Ảnh: Thanh Hiếu |
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng, đến tối 13/9, Đà Nẵng có 317 tàu thuyền, 2.676 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, ở vùng Đông Bắc Hoàng Sa có 18 phương tiện, 205 lao động; khu vực biển Hải Phòng có 12 phương tiện, 84 lao động; khu vực ven biển từ Nghệ An đến Thừa Thiên – Huế có 105 phương tiện, 952 lao động; khu vực biển Đà Nẵng đến Bình Định có 182 phương tiện, 1.435 lao động.
Từ ngày 13/9, các phương tiện đã được Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng thông báo để tránh vào vùng có ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới; đồng thời những tàu nằm trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nhanh chóng di chuyển đến nơi an toàn.
Cũng theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ: trong 24 giờ qua, do ảnh hưởng rìa nam cao lạnh lục địa đang di chuyển xuống phía Nam, kết hợp hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới nên khu vực Trung Trung Bộ đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Tổng lượng mưa từ 13 giờ ngày 12/9 đến 13 giờ ngày 13/9 tại khu vực Quảng Bình phổ biến ở mức 30-80mm, một số nơi mưa rất to như Minh Hóa: 127mm, Mai Hóa: 125mm, Tuyên Hóa: 129mm. Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế mưa phổ biến 10-30mm. Đà Nẵng đến Quảng Ngãi mưa phổ biến 20-50mm.
Nước ngập trên một số tuyến đường ở Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hiếu |
Dự báo từ ngày 13 đến ngày 16/9, trên các sông khu vực Trung Trung Bộ có khả năng xuất hiện lũ. Đỉnh lũ trên các sông Quảng Bình, Quảng Trị ở mức báo động 2 đến báo động 3, các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam ở mức báo động 1 đến báo động 2, các sông thuộc Quảng Ngãi ở mức báo động 2. Đề phòng lũ quét xảy ra ở vùng núi; sạt lở đất ở các sườn dốc, ven sông suối và ngập lụt, ngập úng ở các vùng thấp trũng.
Cũng theo Đài này, do ảnh hưởng của bão, từ ngày 14 đến 16/9, ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Từ ngày 15-18/9 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Điện từ Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sáng nay (14/9), Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu có Công điện khẩn số 04/CĐ-UBND về công tác phòng, chống cơn bão số 3. Với nội dung:
“Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố: huy động tất cả mọi lực lượng, phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang và các đơn vị liên quan trên địa bàn chỉ đạo thực hiện quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ các biện pháp để chủ động đối phó với tình hình bão, lũ; kiểm tra, ra soát các khu dân cư ở các vùng ven biển, ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, chủ động triển khai các phương án ứng phó để đảm bảo an toàn về người và tài sản; tổ chức triển khai ngay các biện pháp chỉ đạo nhân dân và các cơ quan đóng trên địa bàn chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng… đảm bảo an toàn; cắt tỉa cành, chằng, chống cây tránh ngã đổ; khẩn trương thu hoạch lúa Hè Thu; triển khai lực lượng xung kích phòng, chống lụt, bão ở địa phương giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, di chuyển dân đến tạm trú nơi an toàn; sẵn sàng thực hiện cứu nạn, cứu hộ nhân dân khó khăn; nghiêm cấm tàu thuyền, các đò ngang, đò dọc hoạt động trên các sông suối, hồ chứa nước và các nơi ngập lũ sâu để chuyên chở người, hàng hóa; nghiêm cấm việc vớt củi trong lũ; hướng dẫn các tàu, thuyền vào bờ hoặc vào khu neo đậu tàu thuyền; bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết…
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: nghiêm cấm tất cả các tàu, thuyền của tỉnh ra khơi; thường xuyên thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của bão để chủ động di chuyển vào bờ; tìm nơi trú ấn an toàn; tổ chức, sắp xếp, hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu, thuyền chắc chắn, an toàn; kiểm đếm tàu thuyền còn đang hoạt động ngoài khơi, thường xuyên báo cáo UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện xử lý các sự cố, theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thực hiện tốt việc thông báo, điều tiết xả lũ linh hoạt và theo đúng quy trình vận hành được phê duyệt…
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục…
Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành tổ chức trực ban 24/24 để chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra. Các cơ quan liên quan đảm bảo lực lượng cơ động ứng phó với bão số 3, phân luồng, phân tuyến giao thông, sẵn sàng các phương án sơ tán dân, kịp thời xử lý các sự cố về điện…”
Từ tối qua đến sáng nay, tình hình mưa tại Quảng Nam chủ yếu tập trung ở khu vực đồng bằng. Lượng mưa đo được tại TP Tam Kỳ trong sáng nay là 153mm, trung du miền núi từ 54 – 100mm. Hiện nay, mực nước trên sông Thu Bồn, Vu Gia đang thấp hơn báo động 1, khả năng từ báo động 1 – đến báo động 2. Các hồ thủy điện, thủy lợi đang ở mức nước chết.
Hiện nay Quảng Nam có 176 tàu gần bờ với 913 lao động đang trên đường vào bờ; 125 tàu hoạt động xa bờ với 2.878 lao động, trong đó có 15 tàu với 525 lao động đang câu mực ở khu vực Trường Sa. Đặc biệt, có 110 tàu với 2.353 lao động đang câu mực, lưới vây ở vùng biển Hoàng Sa - nơi ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Đến nay, đã có 5 tàu vào gần bờ, còn lại 105 tàu đang di chuyển đến vùng biển phía Nam.
Trung Hội
Năng lượng Mới
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Kinh nghiệm phòng chống lũ ống, lũ quét
-
TKV trao hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ người lao động Than Núi béo bị ảnh hưởng bởi bão số 3
-
Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo