Cướp biển Somali hoạt động như thế nào? (Phần 2)
Cướp biển Somali hoạt động như thế nào? (Phần 1) |
Không chỉ với Somali, ảnh hưởng của loại tội phạm này còn rất rộng lớn. Nửa đầu năm 2009, đã có 485 thủy thủ bị bắt làm con tin trong khu vực bờ biển nước này, trong đó có 6 người bị thương, 4 người thiệt mạng và 1 người mất tích. Còn người chịu thiệt hại nặng nề nhất về kinh tế lại là các chủ tàu, bởi vì họ vừa phải chi trả một khoản tiền chuộc kếch xù, vừa mất rất nhiều đơn hàng vì chi phí vận chuyển tăng. Ảnh hưởng ngày càng lớn của cướp biển đã làm gia tăng tiền bảo hiểm cho những tàu đi qua những vùng biển trên từ 20.000 đôla Mỹ vào năm 2008 lên tới 150.000 đôla Mỹ vào cuối năm 2009. Giá cả vận chuyển tăng cũng gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế Somali vì việc vận chuyển hàng vốn đã là nguồn thu chủ yếu cho ngân sách quốc gia.
Ngành công nghiệp đánh bắt hải sản cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Sản lượng cá hồi được đánh bắt ở Ấn Độ Dương đã giảm 30% vào năm 2008, một phần vì các tàu đánh cá sợ bị cướp biển tấn công. Vấn nạn này cũng gây ảnh hưởng lớn tới các nước láng giềng của Somali vì những nước này sống dựa chủ yếu vào ngành đánh bắt hải sản, chiếm hơn 40% doanh thu quốc gia của họ.
Bọn cướp biển Somali chuẩn bị tấn công tàu hàng
Gần đây, các cơ quan quản lý kênh đào Suez đã thông báo số lượng tàu và doanh thu từ những tàu đi qua đây đang giảm mạnh vì sự suy thoái nền kinh tế và mối đe dọa cướp biển ở vùng Vịnh Aden. Nếu các tàu quốc tế tiếp tục tránh vận chuyển dầu, khí đốt và phương tiện kỹ thuật qua khu vực này thì thế giới có thể sẽ chứng kiến sự tăng giá hàng hóa, năng lượng ở châu Á và Trung đông.
Hơn thế nữa, nếu giá vận chuyển, trong đó có phí bảo hiểm tiếp tục tăng thì ngành thương mại các nước Ai Cập, Sudan, Ả Rập Xê út, Eritrea, Ethiopia, Dijbouti vàYemen sẽ giảm. Trong vài năm qua, tổng số tiền chuộc do các băng nhóm cướp biển yêu cầu đã tăng từ hàng chục nghìn lên hàng trăm nghìn và thậm chí là hàng trăm triệu đôla. Năm 2008, số tiền chuộc trung bình là 500.000 - 2 triệu USD/vụ và ngày càng tăng lên.
Theo báo cáo của Tổng thư ký Ủy ban an ninh quốc gia về cướp biển tại Somali (năm 2009), tính đến cuối năm 2008, riêng băng Eyl (lúc đó đang giữ 6 tàu và thủy thủ trên tàu làm con tin) kiếm được khoảng 30 triệu đôla tiền chuộc. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ số tiền này đến tay cướp biển. Theo kết quả một vụ án đã được điều tra gần đây, những tên cướp biển trực tiếp tấn công tàu nhận được khoảng 30% số tiền chuộc, các cơ quan vũ trang kiểm soát vùng đất nơi các băng nhóm “đóng quân” được nhận 10%, người đứng đầu bộ tộc và quan chức địa phương 10%, người viện trợ tài chính cho cướp biển được nhận 20% (số tiền này được coi là tiền lãi phát sinh từ số tiền vốn họ đầu tư), người bảo hộ cho hoạt động cướp biển được nhận 30%.
Theo lời khai của một đối tượng đã bị kết án, một tên cướp biển được trang bị vũ khí có thể kiếm được 6.000 - 10.000 USD trong tổng số tiền chuộc là 1 triệu đôla. Con số này tương đương với 2 - 3 năm tiền lương của một lính canh gác tại cơ quan nhân đạo và hơn rất nhiều lần so với số tiền lương mà các công ty địa phương có thể chi trả.
Tàu hàng của Hà Lan bị cướp biển Somali tấn công
Cuộc chiến với tội phạm cướp biển trong thời gian qua
Trong thời gian qua, bọn cướp biển Somali đã hoành hành trên vùng biển cách bờ của đất nước này trong vòng 1000 hải lý. Thế giới tiêu tốn khoảng 18 tỷ USD mỗi năm vì vấn nạn này. Chúng tấn công các loại tầu chở hàng, điển hình như: Cướp biển Somali đã bắt giữ một tàu chở hàng Ấn độ cùng với 15 thành viên thủy thủ đoàn (phần lớn là người Philippin) tại vùng biển cảng Boasso trên vịnh Aden 15 Km. Chiếc tàu trên bị bắt khi vừa dỡ hàng (đường) tại cảng Bosasso và đang trên đường tới Dubai. Mục đích bọn cướp biển muốn sử dụng con tàu này làm phương tiện để bắt giữ những chiếc tàu khác. Sau đó, bọn cướp biển yêu cầu tiền chuộc chiếc tàu là 28 triệu USD. Chúng ra điều kiện, đến trưa ngày 11/7 (giờ địa phương), nếu yêu cầu trên không được thực hiện, số phận các con tin có thể không được đảm bảo. Đây là vụ bắt giữ thứ 2 trong một tuần tại Vịnh Aden.
Trước đó, ngày 8/7, cướp biển Somali đã bắt giữ một tàu chở hàng của Thổ Nhĩ Kỳ với 23 thủy thủ. Tháng 1/2011, tàu Hoàng Sơn Sun tải trọng 22.800 tấn chuyên chở hàng rời lưu thông tuyến quốc tế, trên hành trình từ Iran về cảng Xiamen (Trung Quốc), khi đến gần vùng biển Ấn Độ thì bị hải tặc Somalia bắt cóc. Thuyền phó 1 Nguyễn Quyết Thắng cùng 23 thuyền viên đã bị cướp biển Somalia giam giữ đòi tiền chuộc. Sau nhiều nỗ lực thương thảo, ngày 15/9/2011 thủy thủ đoàn cùng tàu được phóng thích.
Năm 2012, nhóm cướp biển Somali chiếm giữ cùng lúc 3 chiếc tàu đánh cá của Thái Lan ngoài khơi Ấn Độ Dương. Theo lực lượng hải quân EU vụ này cho thấy hải tặc đang mở rộng các vụ tấn công ngày càng xa bờ. Ba chiếc tàu đánh cá Thái Lan chở theo tổng cộng 77 thành viên thủy thủ đoàn bị cướp biển tấn công xảy ra bên ngoài khu vực hải quân EU đang hoạt động, cách bờ biển Somali khoảng hơn 2.000 km. Tất cả các thủy thủ trên 3 tàu cá mang các tên lần lượt MV Prantalay 11, 12 và 14 này đều là công dân Thái Lan.
(Còn tiếp)
Hòa Thu
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề nghị giữ quy định áp thuế GTGT 5% với phân bón
-
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện
-
Việt Nam và UAE ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA)