Cuộc sống người dân đảo lộn do cá chết bất thường
Theo ghi nhận tại bãi biển Bình An (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), vô số loài cá lớn nhỏ khác nhau như cá móm, cá rò, cá kình, cá ngạnh, cá dìa… nằm chết la liệt dưới nước, trên mặt đất và tấp vào các cửa sông. Trong khi đó, nhiều người dân đổ xô đi lượm cá. Ông Nguyên Minh (56 tuổi, thôn Bình An 1) chia sẻ: ‘‘Chúng tôi đi nhặt thế này chứ không biết làm gì, chủ yếu cho gà, vịt ăn thôi. Không biết vì sao mà lại thế này…’’.
Thường ngày, tại chợ Bình An (chợ lớn nhất ở khu vực xã Lộc Vĩnh), lúc sáng sớm và chiều tối là giờ đông người đi chợ mua cá nhất. Thế nhưng những ngày gần đây, cảnh mua bán cá khá trầm lắng vì tình trạng cá biển và cá nuôi chết hàng loạt. Khách đến với các quầy cá thưa dần và ế ẩm. Lúc trước, tại chợ này có gần 50 hộ bán cá thì nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Chị Nguyễn Thị Thủy, một tiểu thương bán cá ở chợ Bình An chia sẻ: ‘‘Gần một tuần nay tôi chả bán buôn được gì. Giảm giá nhiều rồi vẫn ế…’’.
Cá chết trôi dạt vào bờ với mật độ dày đặc. |
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc) cho biết, hiện tượng cá chết trên địa bàn là một hiện tượng lạ, từ trước đến nay chưa từng thấy. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là những người đi biển.
Tại chợ Cầu Hai, khu chợ chuyên về hải sản lớn nhất huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), cũng rơi vào tình cảnh đìu hiu, vắng bóng người mua. Cá không có ai mua nên ngư dân không thể ra khơi. Ông Trương Thiện (53 tuổi, thôn Bình An 2) cho biết: “Trước khi cá chết hàng loạt, sáng sớm nào tôi cũng ra khơi, kiếm khoảng 300.000 đồng một ngày. Nhưng bây giờ thì chỉ biết ngồi bờ nhìn ra biển vì cá chết hàng loạt như thế thì có ra khơi cũng không ai mua’’.
Trong khi đó, nhiều lồng bè nuôi cá của các hộ dân tại thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) cũng chết sạch khiến người mất khoảng trăm triệu, người vài trăm triệu. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế: Qua phân tích, cả nước biển lẫn nước đầm Lăng Cô đều bị ô nhiễm, nồng độ PO4 (chỉ tiêu phú dưỡng) ở tầng đáy gấp đôi chỉ số cho phép, làm tăng độ pH trong nước.
Theo nhận định của Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cá chết với dấu hiệu khá bất thường, điều này cho thấy chất lượng nước biển biến động mạnh ảnh hưởng đến nguồn lợi tự nhiên. Vì vậy Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế đề nghị, Tổng cục Thủy sản chỉ đạo các Viện nghiên cứu thủy sản lấy mẫu cá, phân tích chất lượng nước biển ở vùng ven bờ, thành phần và chủng loại các loài tảo độc, vi khuẩn, virus để xác định nguyên nhân chính xác hơn.
Nhiều tàu thuyền không thể ra khơi . |
Chi cục Quản lý Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã đưa ra khuyến cáo cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản thuộc vùng biển có cá chết các biện pháp để ổn định tình hình; khuyến cáo người dân không được đưa cá chết đi bán cho người khác, không được cho nước vào các ao nuôi trồng.
Được biết, trước tình hình cá chết hàng loạt ở các tỉnh bắc miền Trung, Bộ Tài nguyên và Môi trường(TN&MT) đã tổ chức họp để tìm nguyên nhân. Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng đã cử đoàn công tác của Bộ vào kiểm tra trực tiếp tại những vùng có hiện tượng cá chết nhiều.
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: ‘‘Tổng cục đang lấy mẫu để khảo sát một số các điểm nguồn thải, lấy mẫu cá để tìm hiểu nguyên nhân cá chết. Tuy nhiên, ở biển nên khá phức tạp, có nơi cá chết gần bờ, có nơi cá chết xa bờ nên việc lấy mẫu phân tích sẽ khó khăn’’.
Chiều 21/4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đã có văn bản gửi các UBND tỉnh thành từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, đề nghị khẩn trương khuyến cáo người dân không ăn loại cá chết chưa rõ nguyên nhân. Đồng thời đề nghị các địa phương thống kê thiệt hại, chủ động bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ khắc phục hậu quả.
Thiên Ân
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí