Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ kết thúc giữa chừng?
Thế giới đang rất nóng với những gì đang diễn ra liên quan đến bán đảo Triều Tiên trong thời gian qua. Từ các cuộc gặp thượng đỉnh Trung – Triều cho đến Hàn – Triều, các cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ với Triều Tiên, Nga với Triều Tiên, Mỹ với Hàn Quốc. Tất cả xoay quanh câu chuyện chính, đó là vấn đề hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên, tương lai của Triều Tiên và khát vọng hòa bình của nhân dân hai quốc gia có chung nguồn cội.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế - Đối ngoại Triều Tiên Ri - Jong Nam ký tặng sách cho tác giả (bên phải) tại Triều Tiên. |
Cần nhớ lại, suốt một thời gian dài, thế giới chứng kiến bầu không khí ngày càng căng thẳng từ hai phía. Một bên là Triều Tiên đang gấp rút và liên tục thử nghiệm chương trình tên lửa hạt nhân; một bên là Mỹ luôn cứng rắn, phô trương sức mạnh, luôn tuyên bố đã sẵn sàng cho một giải pháp quân sự và gia tăng các biện pháp trừng phạt, gây áp lực tối đa. Cho đến tháng 3 năm nay, lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un là người đã đưa ra lời mời cho cuộc gặp thượng đỉnh. Đánh giá của các bên thế nào về vấn đề này sẽ là câu hỏi thú vị, nhưng có lẽ chỉ Triều Tiên và Hoa Kỳ mới biết.
Tuy vậy, trong chừng mực nào đó, hình như cả hai bên đang có những hài lòng nhất định mà thế giới khó kiểm chứng. Phía Hoa Kỳ và những ai tin vào Tổng thống Trump cho rằng những sức ép ngày càng gia tăng cùng với quan điểm cứng rắn đã có được thành quả: Đó là buộc nhà lãnh đạo Triều Tiên phải hạ giọng và đưa ra lời đề nghị đàm phán. Đặc biệt lãnh tụ Triều Tiên đã thực hiện chuyến thăm Hàn Quốc, trả tự do cho công dân Hoa Kỳ và tuyên bố dừng các vụ thử hạt nhân. Phía ngược lại, Triều Tiên đã cho rằng, sau khi (tuyên bố) hoàn thành năng lực hạt nhân quốc gia và kiên cường chống đỡ các biện pháp cấm vận, họ đã có “thanh kiếm báu” và tạo thế cho một cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ. Triều Tiên cũng đã cư xử như quốc gia yêu chuộng hòa bình với những hành động thiện chí, mà vào lúc này, Hoa Kỳ và thế giới cũng không thể mong điều có thể hơn. Dù sao, nhân dân hai nước Triều Tiên, Hàn Quốc và thế giới cũng đã thở phào.
Trong thực tế, sau cả một thời gian dài từ khi cầm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong-un hầu như chỉ ở trong nước với những tin đồn và thực sự bí ẩn; thì vừa qua chỉ trong thời gian rất ngắn, cùng với cuộc gặp đầy cảm xúc làm hưng phấn, khuấy động thế giới với tổng thống Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đường hoàng có các cuộc gặp với các nguyên thủ và lãnh đạo của các siêu cường hàng đầu thế giới bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga. Quả thực, sức mạnh hạt nhân là không bàn cãi. Kiểm soát vũ khí hạt nhân là vấn đề không thể không quan tâm cho bất cứ quốc gia nào. Phía Triều Tiên cũng đang có những bước đi đủ để dư luận hài lòng bằng việc trao trả tù nhân Hoa Kỳ và phá hủy bãi thử hạt nhân.
Trung tâm nghiên cứu Khoa học - Kỹ thuật tại Bình Nhưỡng. |
Về phía Hoa Kỳ, ngày 24/5/2018, khi thế giới đang hướng về Singapore, các ký giả đang tìm kiếm những xác nhận đặt phòng khách sạn tại đảo quốc này để chờ ngày 12/6/2018 thì bất ngờ Tổng thống Donald Trump đã công bố lá thư gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên thông báo hủy cuộc gặp thượng đỉnh “đã lên kế hoạch và được trong đợi trong một thời gian dài”. Cả phe ủng hộ lẫn phía chỉ trích có lẽ đều bất ngờ và đều có những lý do, viện dẫn riêng của mình đối với quyết định nói trên của Tổng thống Trump. Sự thật như thế nào? Có lẽ chỉ Tổng thống Trump biết.
Có điều, việc làm bối rối mọi người và thể hiện quyền uy luôn là chiến thuật của Tổng thống Trump. Tổng thống Trump muốn thể hiện là người không thể đoán định. Nếu ai cho rằng Tổng thống Trump thiếu một kế hoạch mang tính chiến lược, bài bản có thể sẽ sai lầm, bởi lẽ ngay từ khi nắm quyền, Tổng thống Mỹ đã luôn đặt Triều Tiên lên vấn đề ưu tiên, theo cách của riêng mình. Giả thiết có thể ngược lại, những tuyên bố ban đầu của Tổng thống, những phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Jame Mattis và Cố vấn an ninh John Bolton – người đã viện dẫn mô hình Libya cho việc yêu cầu Bình Nhưỡng tử bỏ chương trình hạt nhân của mình, việc nhận lời gặp mặt, rồi thông báo hủy gặp và cuối cùng lại chấp thuận gặp mặt, phải chăng đều nằm trong kịch bản, của Tổng thống Trump? Dĩ nhiên, nó chắc chắn liên tục được điều chỉnh theo hoàn cảnh và Tổng thống Hoa Kỳ rõ ràng không thể bỏ qua những gì các siêu cường và cường quốc khác đang quan tâm.
Thế giới hãy hi vọng về cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều nhưng cũng cần sẵn sàng cho các kịch bản có thể xảy ra khi ai đó có thể bỏ giữa chừng cuộc đàm phán lịch sử. Sự khác biệt quá xa về mục tiêu, nội dung và phương thức giữa hai bên đang là rào cản và là cơ sở cho những ai đang hoài nghi. Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là hiện thực, liệu Triều Tiên chấp nhận vứt bỏ hiện thực ngay và luôn như Hoa Kỳ yêu cầu chỉ để đổi lấy cam kết an ninh? Triều Tiên đang nghèo khổ và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã rơi lệ vì mức sống của người dân trong muôn vàn khó khăn từ sức ép của Hoa Kỳ và các Nghị quyết của Liên Hợp Quốc, cùng với mong mỏi một sự thay đổi đến phồn vinh là hiện thực. Liệu Hoa Kỳ có dễ dàng nới lỏng các biện pháp dường như đang có kết quả trong thực tế khi Triều Tiên vẫn chưa buông “thanh kiếm báu” hạt nhân?
Toàn cảnh thủ đô Bình Nhưỡng - Triều Tiên. |
Dù sao, có thể xác nhận cả nhà lãnh đạo Kim và Tổng thống Trump đều ưu tiên xử lý vấn đề hạt nhân, quan hệ hai nước, cũng là mối quan hệ giữa chiến tranh và hòa bình. Tuy vậy, trong hoàn cảnh nào, hơn ai hết, Triều Tiên và Hoa Kỳ đều biết giới hạn của những yêu cầu và thế giới không nên ảo tưởng vào một Triều Tiên ngay lập tức từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình hoặc ngược lại, những đồng đô la của Hoa Kỳ sẽ sớm chảy vào giúp Triều Tiên thịnh vượng, mặc cho thách thức an ninh và cơ hội kinh tế là những vấn đề hai bên đang hướng đến.
Triều Tiên và hòa bình bán đảo Triều Tiên sẽ là mục tiêu hay là lá bài của các thế lực sẽ dần được giải đáp trong nỗ lực của các bên và trong ván bài quốc tế hiện nay, vốn khó lường và thường xuyên biến động. Lịch sử thường có những bất ngờ. Đặc biệt với ông Kim và ông Trump, chúng ta cầu mong cho những bất ngờ đáng hi vọng.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Hưởng
-
Hậu bầu cử, chuyên gia chỉ ra ‘lỗ hổng chết người’ trong đàm phán hạt nhân, kêu gọi tân Tổng thống Mỹ tiếp cận khả thi
-
Mẫu tàu ngầm chiến lược "bình cũ rượu mới" của Triều Tiên
-
Những sợi dây liên kết kinh tế giữa Nga và Triều Tiên
-
Triều Tiên có thể tham khảo gì từ mô hình kinh tế Việt Nam?
-
Triều Tiên xác nhận Chủ tịch Kim Jong-un và em gái đã lên tàu tới Việt Nam
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề nghị giữ quy định áp thuế GTGT 5% với phân bón
-
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện
-
Việt Nam và UAE ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA)