Cuộc chiến giữa taxi truyền thống và Grab, Uber: Chưa có hồi kết
Chưa định nghĩa được loại hình vận tải
Có rất nhiều tranh luận về loại hình xe hợp đồng điện tử được đưa ra tại Hội nghị đối thoại về vận tải khách bằng xe taxi thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức cuối tháng 6-2017 vừa qua.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, không nên phản đối áp dụng khoa học kỹ thuật vào điều hành vận tải. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về nhận diện loại hình Uber, Grab. Bộ GTVT cho rằng, đây là loại hình xe hợp đồng, các hãng taxi truyền thống lại gọi đây là xe taxi. Còn Uber và Grab lại không nhận mình là taxi. Chúng ta chưa nhận diện chính xác nó thuộc loại hình nào thì chưa thể quản lý được.
Còn theo ông Hà Huy Quang - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, việc gia tăng số lượng xe hợp đồng điện tử sẽ dẫn đến phá vỡ quy hoạch taxi. “Hà Nội đề nghị tạm dừng thí điểm về số lượng doanh nghiệp, phương tiện tham gia loại hình hợp đồng điện tử. Đồng thời, đề nghị Bộ GTVT cho phép Hà Nội quản lý logo. Nếu muốn quản lý được số lượng xe, phải quản được logo cấp phát” - ông Quang nói.
Theo thống kê, số lượng xe Grab, Uber tại Hà Nội và TP HCM đang vượt cả lượng taxi truyền thống chỉ sau gần 2 năm Bộ GTVT đồng ý cho thí điểm. Mặc dù loại hình vận tải này đã tạo ra hiệu ứng tích cực, song về công tác quản lý thì cơ quan chức năng đang lúng túng trong việc kiểm soát số lượng xe và thu thuế. Đáng nói, khi chưa có biện pháp quản lý, đã có rất nhiều vụ va chạm, xô xát giữa Grab, Uber và taxi, xe ôm truyền thống. Vừa duy trì Uber, Grab, vừa phát triển các loại hình vận tải truyền thống đang trở thành bài toán khó của ngành GTVT.
Cần có cơ sở pháp lý
TS Đinh Thị Thanh Bình |
Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới về vấn đề này, TS Đinh Thị Thanh Bình - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT (Trường Đại học GTVT Hà Nội) cho biết, loại hình vận tải công cộng ứng dụng công nghệ như Grab hay Uber, hiện vẫn đang trong quá trình thí điểm nhằm đưa ra chính sách quản lý hiệu quả nhất đối với loại hình xe hợp đồng điện tử này. Vì chưa tìm ra cơ chế thỏa đáng nên trước hết phải thử nghiệm để giám sát được cả về số lượng và chất lượng dịch vụ.
TS Đinh Thị Thanh Bình thừa nhận: “Các cơ quan chức năng chưa thể quản lý được loại hình dịch vụ này. Phải có dấu hiệu nhận biết thì mới kiểm soát được số lượng, trong khi những xe chạy hợp đồng của Grab hay Uber thì không có”.
Theo quy hoạch, taxi truyền thống bị giới hạn đầu xe đăng ký và không gian hoạt động cũng như yêu cầu phải đáp ứng đủ điều kiện như: đăng ký xe, đồng phục, logo xe, chứng nhận an toàn… Những quy chuẩn này ở xe hợp đồng điện tử còn thiếu khá nhiều. Grab, Uber cho rằng, họ chỉ cung cấp dịch vụ công nghệ giữa bên cung và bên cầu, nhưng thực tế cho thấy, loại hình kinh doanh lại tương tự taxi. Nếu tiếp diễn tình trạng này, với taxi truyền thống chính là sự bất bình đẳng trên thị trường vận tải. Hơn nữa, Grab và Uber có nhiều chiến dịch khuyến mãi hấp dẫn khiến phương tiện vận tải truyền thống cho rằng bị phá giá. Việc nảy sinh các mâu thuẫn do tranh giành quyền lợi dẫn đến hàng loạt vụ ẩu đả, xô xát giữa hai bên.
Nhiều người ca ngợi và tung hô Grab, Uber là loại hình dịch vụ tiên tiến, giá rẻ. Song về lâu dài, TS Đinh Thị Thanh Bình cho rằng, loại hình vận tải này có sự tham gia của 3 bên: Grab hoặc Uber - hợp tác xã vận tải - lái xe. Chính vì vậy, quyền lợi của khách hàng khó được đảm bảo do dễ xảy ra việc đùn đẩy trách nhiệm. Nếu không kịp thời đưa ra các biện pháp quản lý, giám sát Grab, Uber thì quy hoạch taxi sẽ bị phá vỡ, thậm chí thị trường vận tải sẽ loạn. Khách hàng được lợi trước mắt với các chiến dịch giảm giá hấp dẫn từ Grab, Uber, tuy nhiên đến một lúc nào đó, khi Grab, Uber nắm thế độc tôn thì họ có thể tăng giá bất kỳ lúc nào và người dùng sẽ chịu thiệt nhiều nhất.
“Hiện nay, các văn bản pháp luật chưa theo kịp để quản lý loại hình Uber, Grab. Thế nào là dịch vụ taxi? Hoạt động Grab, Uber có được xếp là dịch vụ taxi không? Ngay từ khái niệm dịch vụ taxi cũng phải mở rộng và thay đổi. Bên cạnh đó, cần áp các quy định về quản lý taxi truyền thống đối với những xe chạy Grab và Uber để tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Mặt khác khuyến khích mô hình kết nối vận tải cho taxi truyền thống vì nó tăng tính cạnh tranh, giảm thời gian chạy không và giảm giá thành cho người tiêu dùng” - TS Đinh Thị Thanh Bình nhận định.
Thiên Minh - Đinh Hương
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị
-
Luật Điện lực (sửa đổi): Các khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung theo tinh thần NQ55 và KL76
-
Nhà nước là chủ sở hữu vốn nhưng không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp