Cuộc chiến giành giật thị trường châu Á đang nóng lên
Năng lượng Mới số 435
Chạy đua nước rút
RCEP là một thỏa thuận thương mại đa phương gồm 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 6 quốc gia đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với khu vực này gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và New Zealand. Mục đích của RCEP là đảm bảo tự do hóa thương mại của các quốc gia thành viên và nếu thành công sẽ tích hợp toàn bộ khu vực châu Á thành một khối kinh tế lớn nhất thế giới, “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế công bằng, thúc đẩy hợp tác kinh tế và mở rộng, làm sâu sắc hội nhập trong khu vực”.
Mặc dù Hàn Quốc chưa tham gia vào TPP, nhưng đã quyết định tham gia vào RCEP kể từ khi cuộc đàm phán được khởi động vào tháng 11/2012. Theo kế hoạch, vòng đàm phán cuối cùng sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc vào tháng 10 và Hội nghị thượng định RCEP sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay và kết thúc đàm phán cho hiệp định.
Biếm họa về cuộc cạnh tranh giành thị trường ở Châu Á - Thái Bình Dương giữa Mỹ và Trung Quốc
Trong khi đó, TPP là một thỏa thuận thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhưng không có Trung Quốc. Ban đầu chỉ có 4 nước: Brunei, Chile, New Zealand và Singapore tham gia vào ngày 3/6/2005, sau đó có thêm thêm 7 nước gia nhập là Mỹ (2009), Australia, Việt Nam, Malaysia, Peru (2010), Mexico, Canada (2012). Nhật Bản chính thức xin gia nhập vào ngày 15/3/2013. Như vậy tổng cộng có 12 nước tham gia đàm phán, với dân số hơn 750 triệu người và sản lượng kinh tế chung khoảng 25 nghìn tỉ USD, tương đương 40% GDP toàn cầu.
Sự kiện mang tính bước ngoặt trong quá trình đàm phán TPP gần đây có thể kể đến là việc Thượng viện Mỹ ngày 24/6/2015 đã chính thức thông qua dự luật trao quyền đàm phán nhanh các thỏa thuận thương mại, trong đó có TPP, cho Tổng thống Barack Obama. Đây được coi là bước mở đường cho việc sớm tiến tới hoàn tất TPP.
TPP được coi như một phiên bản hiện đại của cái gọi là “Great Game” ở thế kỷ XIX, khi mà các đế quốc Anh và Nga cạnh tranh quyền thống trị ở Trung Á - khu vực chiến lược giàu tài nguyên. Nhiều nhà quan sát cho rằng, TPP được thiết kế để cô lập Trung Quốc, đặc biệt khi nó không chỉ là một chính sách kích thích kinh tế mà còn là một phần trong chính sách “tái cân bằng”, hay “xoay trục” chiến lược, nhằm mở rộng và tăng cường vai trò quan trọng của Mỹ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Và ở đây, rõ ràng đang có một cuộc đua tranh giữa TPP do Mỹ dẫn đầu và RCEP do Trung Quốc chi phối.
Cụ thể, trong số 16 quốc gia tham gia RCEP, hiện có 7 nước (Nhật Bản, Việt Nam, Australia, New Zealand, Singapaore, Brunei và Malaysia) đang tham gia đàm phán TPP. Bên cạnh đó, một số nền kinh tế khác trong RCEP như Thái Lan, Philippines và Hàn Quốc cũng đã bày tỏ mong muốn tham gia hiệp định này với hy vọng sẽ nhận được lợi ích từ việc tự do hóa thương mại sâu rộng hơn.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy ký kết FTA song phương với các thành viên của TPP. Một trong những FTA mang tính bước ngoặt của Trung Quốc là FTA ký với Australia hôm 17/6/2015, sau gần 10 năm ròng rã với 21 vòng đàm phán không ít khó khăn thách thức.
Theo nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của IHS Inc Rajiv Biswas, ông Biswas, Trung Quốc đang theo đuổi một chiến lược xây dựng thương mại và đầu tư quan hệ chặt chẽ hơn với các nước láng giềng châu Á. Chiến lược này bao gồm việc hình thành một kiến trúc thương mại mới thông qua các FTA song phương và theo đuổi RCEP, Khu vực Thương mại tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), cũng như thông qua các tổ chức mới, chẳng hạn như Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), hay Quỹ Con đường tơ lụa… nhằm thúc đẩy giao lưu kinh tế với các đối tác thương mại lịch sử của Trung Quốc ở Đông Nam Á và Trung Á.
Có thể giải thích cho những nỗ lực của Bắc Kinh là do Trung Quốc muốn chuyển sang “đóng góp tích cực trong việc tạo nên những quy tắc thương mại và kinh tế quốc tế” hơn là tuân theo một hệ thống do các quốc gia khác thành lập. Tuy nhiên, có lẽ gốc rễ của sự phát triển giao dịch thương mại và thành lập các tổ chức đa quốc gia của Trung Quốc lại xuất phát từ Washington. Hay nói cách khác, Bắc Kinh làm những điều này vì nhu cầu cạnh tranh với TPP do Mỹ đứng đầu.
Khi địa chính trị thế kỷ nằm ở Châu Á - Thái Bình Dương
Nếu có vấn đề nào đáng chú ý đặc biệt nhất trên sân khấu chính trị thế giới thì đó chắc chắn là sự trở lại ngoạn mục và cực nhanh của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, với bản thiết kế chiến lược quy mô và toàn diện, từ kinh tế, ngoại giao đến quân sự. |
Từ giấc mơ Trung Hoa đến giấc mơ Châu Á - Thái Bình Dương
Ngay sau phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình hôm 9/11 tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương), dư luận và giới chuyên môn đã có những bình luận khác nhau. |
Nguy cơ đối đầu trong khu vực
Như đã nói ở trên, TPP và RCEP thực chất là một trong những “vũ khí chiến lược” của Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến giành giật thị trường Châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, những thỏa thuận thương mại liên khu vực này có thể “tương thích” với nhau được không và chúng có thể có ảnh hưởng như thế nào đến an ninh và hội nhập ở khu vực?
Trên trang “Diễn đàn Đông Á” mới đây, học giả David Huang thuộc Viện Nghiên cứu châu Âu và Mỹ (Đài Loan) bình luận: Nét đặc trưng của môi trường chiến lược hiện nay ở khu vực này là sự cạnh tranh ngày càng gia tăng xen lẫn hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ. Khi cạnh tranh chiến lược giữa 2 cường quốc này tăng lên, việc họ có khả năng điều tiết hay đối đầu sẽ ảnh hưởng lớn đến quyết sách của các nước châu Á - Thái Bình Dương khác.
Mỹ có một hệ thống liên minh “trục bánh xe và nan hoa” với các đồng minh như: Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc. Ngoài ra, Washington còn có những mối quan hệ an ninh gần gũi với Singapore, vùng lãnh thổ Đài Loan và đang củng cố hợp tác an ninh song phương với Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam. Tuy nhiên, các thỏa thuận an ninh song phương của Mỹ hiện đang bị cản trở bởi 2 yếu tố: sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và các vấn đề biên giới quốc gia đòi hỏi “giải pháp đa phương”.
Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã gia tăng đáng kể từ những năm 90 của thế kỷ trước. Thương mại và đầu tư nội khối đã tăng gấp đôi và hiện chiếm hơn 50% tất cả thương mại của các nước Châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước trong khu vực. Trong những năm 90, các nước châu Á bắt đầu theo đuổi FTA song phương. Đến năm 2010, các nước ở khu vực châu Á đã ký kết FTA nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Không giống như châu Âu, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế trong khu vực hoặc các thỏa thuận xuyên biên giới tiểu vùng. Mặc dù ASEAN và Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tạo ra các sân chơi thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực, nhưng bản thân nó rõ ràng không thể tạo ra sự tự do hóa thương mại. “Con đường ASEAN”- xây dựng trên nguyên tắc đồng thuận không ép buộc - được cho là đã làm chậm quá trình tự do hóa thương mại và làm nảy sinh vấn đề “hiệu ứng mỳ ống”: quá nhiều FTA đã làm giảm hiệu quả các thỏa thuận thương mại hiện có. RCEP được đề xuất nhằm khắc phục vấn đề này bằng cách chuyển đổi các hiệp định song phương thành một thỏa thuận đa phương tương thích. Nếu thành công, RCEP ít nhất sẽ được coi như một thỏa thuận thương mại đa phương khu vực.
Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh của RCEP là TPP do Mỹ đứng đầu đang theo đuổi một FTA được ràng buộc pháp lý. Với 12 nước tham gia đàm phán TPP, một số nhà bình luận cho rằng việc đạt được các điều khoản của TPP sẽ rất khó khăn. Và những lợi ích của TPP có thể sẽ bị hạn chế nhiều khi Trung Quốc, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan không tham gia. Mặc dù các nhà lãnh đạo APEC luôn nhấn mạnh rằng RCEP và TPP là tương thích, nhưng nhiều nhà quan sát lại cho rằng chúng không thể tương thích vì có những vấn đề liên quan an ninh và kinh tế. RCEP và TPP theo đuổi những mục tiêu thương mại khác nhau. RCEP nhấn mạnh phát triển kinh tế, còn TPP nhấn mạnh tự do hóa thị trường và loại bỏ các rào cản thương mại. TPP được chuẩn hóa, trong khi RCEP cho phép sự linh hoạt.
Bên cạnh đó, RCEP và TPP không thể tương thích do các vấn đề an ninh khu vực. Các nhà hoạch định an ninh Mỹ hy vọng rằng việc mở rộng thương mại và đầu tư trong và giữa các đồng minh của Mỹ sẽ dẫn đến việc họ sẽ ít phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Điều này cũng sẽ giúp họ không phải lo sợ Bắc Kinh trả đũa kinh tế và Mỹ sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý sự gắn kết các đồng minh Châu Á - Thái Bình Dương nếu những nước này nằm trong TPP.
Tuy nhiên, Mỹ không nên đánh giá thấp sức phản kháng từ các nhà bảo hộ trong nước. Mặc dù được miêu tả như một “FTA tiêu chuẩn cao”, TPP có thể được các đối tác châu Á coi như một kế hoạch trao quyền tự chủ kinh tế của đất nước cho các tập đoàn đa quốc gia. TPP có thể dẫn đến sự nổi lên của “chủ nghĩa dân tộc kinh tế” ở các nước Châu Á - Thái Bình Dương và sau đó dễ dàng biến thành “chủ nghĩa dân tộc lãnh thổ”. Trường hợp điển hình là tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Trong khi đó, RCEP cho phép sự linh hoạt và nhấn mạnh xây dựng năng lực và phát triển đồng thời trở thành chiến lược của Trung Quốc để làm đối trọng với TPP của Mỹ. Yếu tố cần thiết đem lại thành công cho RCEP là phải làm tương thích các quy tắc khác nhau của các FTA hiện tại cũng như hệ thống hóa quy trình các quy tắc và chuẩn mực.
Nếu những nước tham gia RCEP có thể đạt được thỏa thuận trước những nước tham gia TPP, khi đó một trật tự kinh tế do Trung Quốc dẫn đầu ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có thể được duy trì. Trung Quốc không muốn bị buộc phải chấp nhận các quy định của TPP khi nước này vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận và có lẽ muốn tự do hóa nền kinh tế theo các quy tắc riêng của mình hơn. Trong phạm vi đó, Trung Quốc có thể dành một số lợi ích kinh tế cho các thành viên RCEP khác để duy trì sự gắn kết trong nhóm.
Các nước ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt với một tình thế khó xử. Nếu chọn Mỹ sẽ nhận được bảo đảm an ninh trong các tranh chấp lãnh thổ, nhưng lối diễn giải kiên quyết của Washington về tự do hóa thương mại có thể làm tổn thương kế sinh nhai của họ. Trong khi đó, “tự do hóa thương mại linh hoạt” của Trung Quốc lại hấp dẫn hơn đối với các nước bình thường, nhưng sự quyết đoán của Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông khiến các nước láng giềng cảm thấy không an toàn.
Một giải pháp cho vấn đề này, theo ông David Huang, có lẽ là nên có một hệ thống lưỡng cực được thể chế hóa trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó mỗi cực hoạt động trong một liên minh bị ràng buộc bởi các quy tắc và các tổ chức, giống như NATO và Liên minh châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Ngân Chi
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo