Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Cuộc chiến chống nạn tự tử ở Nhật Bản

17:32 | 13/04/2019

600 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chính phủ nhận diện nhóm người có nguy cơ tự tử cao, thành lập các mạng lưới giúp đỡ và ngăn chặn người tự tử ở địa phương.
Cuộc chiến chống nạn tự tử ở Nhật Bản
Bà Watanabe cạnh bàn thờ và ảnh con trai. Ảnh: Reuters.

Taeko Watanabe tỉnh giấc vào một đêm tháng ba lạnh lẽo, phát hiện hành lang có vết máu, trên giường con trai Yuki là một con dao đẫm máu và cậu không có nhà. Bà báo cảnh sát, họ phát hiện một lá thư tuyệt mệnh trong phòng ngủ của Yuki.

"Người ta tìm thấy cháu trong con mương cạnh ngôi đền, quấn xác cháu vào một cái chăn. Khám nghiệm xong, họ đưa quan tài cháu về nhà. Tôi thấy đất trời như sập xuống", Watanabe nhớ lại, mắt nhìn về phía bàn thờ Phật đầy hoa và táo Phú Sĩ, bên cạnh là một tấm ảnh của Yuki.

Yuki mới 29 tuổi khi qua đời năm 2009, là một trong số nhiều người tự sát năm đó ở tỉnh Akita, cách Tokyo khoảng 450 km về phía bắc. Trong gần 20 năm, Akita có tỷ lệ tự sát cao nhất Nhật Bản - đất nước có tỷ lệ tự tử cao nhất trong nhóm G7.

Nhưng mọi thứ đang thay đổi, Watanabe nói. Nếu con trai bà đối mặt với tình huống tương tự vào thời điểm này, "thằng bé sẽ không chết, bởi có người sẽ ngăn chặn nó".

Watanabe từng định đi theo con trai. Giờ bà đứng đầu một nhóm nạn nhân sống sót khỏi tự tử. Đây là một phần trong nỗ lực quốc gia giúp tỷ lệ tự tử ở Nhật Bản giảm xuống gần 40% trong 15 năm qua, vượt qua mục tiêu của chính phủ. Trong đó, tỉnh Akita đạt mức thấp nhất trong 40 năm.

Những nỗ lực này được khởi động trên toàn quốc năm 2007 bằng kế hoạch ngăn tự tử toàn diện, các học giả và cơ quan chính phủ nhận dạng nhóm có nguy cơ cao. Năm 2016, từng khu vực được tự do phát huy kế hoạch cho phù hợp với điều kiện địa phương.

Do sức ép từ những gia đình có người thân tự tử vì làm việc quá sức, các doanh nghiệp buộc phải tạo thuận lợi cho nhân viên nghỉ phép, cung cấp tư vấn tâm lý và quy định số giờ tăng ca tối đa. Chính phủ cũng bắt những công ty có hơn 50 nhân viên phải cho người lao động kiểm tra sức khỏe tâm thần thường niên.

Từ lâu, tự tử được coi là một cách để tránh hổ thẹn hay nhục nhã trong văn hóa Nhật Bản, những người muốn nhận giúp đỡ tâm lý thường bị kỳ thị. Nhưng khi số vụ tự tử lên tới đỉnh điểm 34.427 trường hợp năm 2003, nó thu hút sự chú ý của nước ngoài, đồng thời cảnh tỉnh các nhà hoạch định chính sách, mang tới sự thay đổi ở Nhật Bản.

"Trong một thời gian dài, người ta cho rằng tự tử là vấn đề cá nhân vì thế chính phủ không quan tâm tới nó, không chỉ tỉnh Akita mà cả nước đều như thế", Hiroki Koseki, một công chức tỉnh Akita có nhiệm vụ phòng chống nạn tự tử, cho hay.

Tự tử có nhiều nguyên nhân, nhưng các chuyên gia cho rằng Akita có nhiều vụ bởi nó nằm ở khu vực xa xôi, thiếu thốn việc làm, mùa đông kéo dài, số lượng người lớn tuổi sống biệt lập và cô đơn nhiều, nhiều người túng thiếu vì nợ nần.

Năm 1999, thống đốc Akita là người đầu tiên ở Nhật Bản lên kinh phí dự trù cho nạn ngăn chặn tự tử. Truyền thông tích cực lên tiếng, các nhóm ngăn chặn tự tử của người dân và tình nguyện viên mọc lên. Akita, với dân số chỉ 981.000 người, là nơi có mạng lưới trợ giúp công dân lớn nhất Nhật Bản.

"Bởi vì tự tử từng được coi là vấn đề cá nhân, thậm chí chính phủ còn cho rằng không nên dùng tiền thuế để ngăn chặn nó. Nhưng thay đổi đã diễn ra ở Akita, và những nơi khác ở Nhật Bản noi gương", Yutaka Motohashi, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ người Tự tử Nhật Bản nói. Ông từng làm việc ở Akita vào những năm 1990 với nhiệm vụ nhận diện các nhóm có nguy cơ tự tử cao.

Akita bắt đầu sàng lọc nhóm người trầm cảm, nhân viên y tế công cộng kiểm tra nhóm người có nguy cơ cao. Ngoài ra, còn có sự tham gia nhiệt tình của những tình nguyện viên như Hisao Sato, người đã chiến đấu với bệnh trầm cảm nhiều năm khi kinh doanh thất bại năm 2000.

"Thời gian đó, một người bạn của tôi đã nhảy cầu tự tử", Sato, 75 tuổi, nói. Bố của ông cũng được cho là chết vì tự tử. "Tôi rất giận dữ, tôi không muốn họ bị ép vào con đường tự sát".

Năm 2002, ông lập ra Kumonoito - mạng lưới luật sư và chuyên gia tài chính, cung cấp hỗ trợ cho những người như mình. 60% kinh phí do chính quyền tỉnh Akita tài trợ, phần còn lại từ các nhà hảo tâm.

Quốc hội Nhật đang xây dựng một đạo luật để thành lập một tổ chức quốc gia tương tự Kumonoito.

"Thất bại trong kinh doanh không chỉ là vấn đề kinh tế, nó còn là vấn đề con người nữa", Sato nói.

Tỉnh Akita cũng có một mạng lưới "người gác cổng". Đó là những người được đào tạo để nhận diện những người có ý định tự tử và nếu cần thiếp, sẽ liên lạc với họ để giúp đỡ. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành người gác cổng sau vài giờ đào tạo do nhân viên y tế cộng đồng của Akita huấn luyện.

"Về cơ bản, ai cũng là một phần của cộng đồng phòng chống tự tử. Đó là việc của mọi người", Motohashi nói.

Akita còn có những "thính giả" tình nguyện, là những người đã 79 tuổi như bà Ume Ito. Bà Ito dành hàng giờ trò chuyện với những người thuộc nhóm nguy cơ cao mà rất nhiều đối tượng là người cao niên.

"Khoảng 70 - 80% những người mà chúng tôi tiếp cận cho hay họ muốn chết, nhưng sau khi trò chuyện, họ bỏ ý định tự tử và thậm chí còn mong muốn được gặp lại chúng tôi", bà nói.

Một trong số đó là bà Sumiko, 73 tuổi, nằm liệt giường vì ngã. Bà nằm cả ngày một mình tới khi gia đình con trai trở về vào buổi tối.

"Tôi đã nghĩ mình mắc kẹt trên giường suốt phần đời còn lại. Đó có phải là tôi không? Tôi nghĩ mình mất trí rồi", bà tâm sự.

"Nếu bà ấy không đến, mọi chuyện có lẽ đã kết thúc trong tuyệt vọng. Tôi không thể kể mọi chuyện cho con cháu nghe và không thể giải tỏa được u uất", Sumiko nói và nhìn vào Ito, mỉm cười. "Tôi bảo con trai là: được lắng nghe đã cứu sống mẹ".

Tỷ lệ tự tử ở Akita đã giảm từ 44,6 vụ cho mỗi 100.000 người năm 2003 xuống 20,7 vụ năm 2018. Tình trạng tự tử ở Nhật Bản đã giảm từ mức đỉnh năm 2003 xuống còn 20.598 vụ, tỉ lệ 27 vụ cho mỗi 100.000 người xuống còn 16,3 vụ. Chính phủ đặt mục tiêu còn 13 vụ mỗi 100.000 người vào năm 2027. Trong khi đó, số vụ tự tử ở Mỹ, quốc gia có dân số đông gấp đôi Nhật Bản, là 14 vụ mỗi 100.000 người năm 2017.

Nhưng năm 2018, số vụ tự tử ở người 19 tuổi trở xuống tại Nhật Bản là 543 trường hợp, cao nhất trong 30 năm trở lại. Thanh thiếu niên Nhật Bản thường bỏ các hoạt động cộng đồng và tập trung vào học hành, hạn chế tâm tình với người khác.

"Thời điểm căng thẳng gia tăng ở thanh thiếu niên, thế giới của các em cũng thu hẹp lại", Yoshiaki Takahashi, nghiên cứu viên về tự tử thuộc Viện Hòa bình Nakasone nói. "Chúng ta cần mở nó ra".

Bộ Giáo dục đã ra một cuốn sách nhỏ dành cho trẻ tiểu học. Thông qua các câu truyện vui vẻ, cho phép các em biểu đạt cảm xúc, dạy các em cách giảm căng thẳng như hít thở sâu, khuyến khích trẻ tìm kiếm giúp đỡ.

"Nếu chúng ta dạy trẻ con rằng tìm kiếm giúp đỡ là chuyện bình thường, thì khi lớn lên, các em sẽ cởi mở hơn", Koseki nói. "Nuôi dưỡng trẻ theo cách này sẽ giúp giảm tự tử trong tương lai".

Theo VNE

Mẹ Cường Đô La: "Không vì cổ đông, 3.000 nhân viên thì tôi đã tự tử"
Nữ luật sư cưới tử tù phạm tội giết người (Phần 2)
Nữ luật sư cưới tử tù phạm tội giết người
Phát động cuộc thi “Ánh sáng soi đường” lần thứ III
Hà Tĩnh: Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ chết trong tư thế treo cổ
Nga đặt điều kiện cho Bulgaria nếu muốn lấy khí đốt từ TurkStream