Covid-19 "đột nhập" sở giao dịch, chứng khoán thoát hiểm thứ 6 ngày 13
HSX phát hiện ca dương tính Covid-19, vẫn giao dịch chứng khoán
Hồi đầu tuần này, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) thông báo tạm dừng mọi hoạt động tiếp khách, làm việc trực tiếp với khách hàng, đối tác. Việc xử lý thông tin liên quan đến doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán và các bên có liên quan được thực hiện hoàn toàn trực tuyến, từ xa.
Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) ghi nhận một số ca mắc Covid-19 (Ảnh minh họa: Báo Nhân dân). |
Thông báo mới được đưa ra sau khi xét nghiệm sàng lọc Covid-19 đối với lực lượng nhân viên, HSX ngày 4/8 đã phát hiện một số trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong thông báo của mình, HSX không nêu số lượng cụ thể ca F0.
Sở Giao dịch này cho biết đã báo cáo thông tin kịp thời với các cơ quan chức năng có thẩm quyền và thực hiện việc xử lý an toàn dịch bệnh theo quy định. Đại diện HSX khẳng định hoạt động giao dịch chứng khoán tại sở vẫn được duy trì bình thường theo các kịch bản phòng chống dịch đã được chuẩn bị.
Sớm nhất trong tháng 8 này sẽ giao dịch lô 10 cổ phiếu
"Bộ Tài chính đã có chỉ đạo đối với việc triển khai các giải pháp để sớm nhất trong tháng 8 có thể quay lại lô 10 cổ phiếu trước khi tăng lô lên" - Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời báo giới tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tối 11/8.
Thời gian thực hiện giao dịch lô 10 cổ phiếu để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư được quan tâm, bởi hiện nay hệ thống giao dịch của HSX được cho là đã thông suốt, ổn định.
Ông Chi cũng cho biết vừa nhận được báo cáo của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, báo cáo tình dịch bệnh ở TPHCM, nơi HSX đóng trụ sở. Ngay chính HSX cũng có F0 nên việc triển khai test hệ thống rồi giao dịch chuyển thử có khả năng chậm lại.
Chứng khoán "nóng" trở lại: Xả cứ xả, mua cứ mua
33.598,4 tỷ đồng là tổng số tiền được giải ngân để mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán phiên 11/8.
Thanh khoản được cải thiện rõ rệt so với thời gian trước, dù áp lực chốt lời trước vùng 1.400 điểm của VN-Index là hiện hữu và được giới phân tích cảnh báo từ trước.
Quả đúng như dự báo của các công ty chứng khoán, thị trường mặc dù có diễn biến tích cực trong suốt gần hết phiên nhưng áp lực chốt lời đã khiến chỉ số không thể thuận lợi "bay cao, bay xa".
VN-Index gần như biến động rung lắc trên ngưỡng tham chiếu cho đến khi diễn ra đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC). Chỉ số từ vùng 1.375 điểm ở cuối phiên sáng đã rơi vào tình trạng giảm 4,64 điểm tương ứng 0,34%, đóng cửa tại 1.357,79 điểm. VN30-Index diễn biến đồng pha, giảm 6,5 điểm tương ứng 0,44% còn 1.487,91 điểm.
Điều này cho thấy, lượng hàng chốt lãi rất lớn, song tiền mới gia nhập thị trường vẫn mạnh. Mỗi một nhịp chỉnh thì lập tức tiền ngoài thị trường lại nhập cuộc và theo đó khiến chỉ số cuối phiên giảm nhưng cũng giảm không quá sâu.
Ở góc nhìn lạc quan thì chỉ số giảm chủ yếu do ảnh hưởng của hoạt động "xả trụ". Theo đó, nhóm cổ phiếu trụ, nhất là cổ phiếu thuộc VN30 bị bán chốt lời mạnh đã kéo chỉ số đi xuống, dù sắc xanh vẫn chiếm ưu thế. Nói cách khác, đây là một phiên "đỏ vỏ xanh lòng".
Có tổng cộng 520 mã tăng giá, 91 mã tăng trần so với 374 mã giảm, 15 mã giảm sàn. Bên tăng vẫn áp đảo.
Việc được giao dịch trở lại lô tối thiểu 10 cổ phiếu kích thích tâm lý tích cực của nhà đầu tư, cổ phiếu ngành chứng khoán hưởng lợi (Ảnh minh họa: Báo nước ngoài). |
Chứng khoán thoát hiểm trong gang tấc, nhà đầu tư vẫn "tim đập chân run"
Sự nghi ngờ về dấu hiệu phân phối đỉnh trong 2 phiên 11/8 và 12/8 đã khiến thị trường ngày 13/8 (trùng thứ 6 ngày 13 ) khởi đầu với tâm lý thận trọng. Thị trường rung lắc, giằng co trong nửa đầu phiên sáng rồi bắt đầu lao dốc, đánh mất mốc 1.350 điểm.
Áp lực bán dồn dập, nhà đầu tư vội vã chốt lời đẩy các chỉ số giảm sâu. Các nhịp hồi phục yếu ớt cuối phiên sáng không đủ để kéo chỉ số hồi phục nhanh chóng.
Phải tới đầu phiên chiều, khi VN-Index "chọc thủng" cả ngưỡng hỗ trợ 1.340 điểm và 1.335 điểm thì sau đó VN-Index mới có thể bật tăng mạnh trở lại. Lúc này, tiền dồn dập đổ vào thị trường bắt đáy giúp VN-Index bật tăng trở lại.
VN-Index đóng cửa với mức tăng 4 điểm tương ứng 0,3% lên 1.357,05 điểm. VN30-Index tăng khỏe 7,19 điểm tương ứng 0,49% lên 1.484,25 điểm. Cổ phiếu VN30 khi đã về vùng hấp dẫn, lập tức thu hút nhà đầu tư nhập cuộc và kéo chỉ số chính hồi phục đầy ngoạn mục.
HNX-Index cũng tăng 2,64 điểm tương ứng 0,79% lên 336,96 điểm; UPCoM-Index tăng 0,2 điểm tương ứng 0,21% lên 92,17 điểm.
Dòng chứng khoán cho thấy "khỏe" hơn so với thị trường. Ngay cả khi các chỉ số đồng loạt điều chỉnh thì nhiều mã trong ngành này vẫn tăng. Cuối phiên, nhóm này tăng rất nhanh và rất mạnh.
SHS tăng 7,6%; APG tăng trần; FTS tăng trần; BSI tăng 4,2%; HCM tăng 4,1%; SBS tăng 3,8%; VND tăng 3,6%; VCI tăng 3,3%... Ngoại trừ VIX và PHS giảm thì hầu hết cổ phiếu ngành chứng khoán đều tăng giá.
Việc tới đây các sở giao dịch sẽ cho phép giao dịch trở lại lô tối thiểu 10 cổ phiếu dự kiến sẽ mở ra cơ hội cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ, hỗ trợ cho thanh khoản và theo đó, các công ty chứng khoán cũng hưởng lợi.
Theo Dân trí
-
Lo ngại bị đối xử thiếu bình đẳng trong dự thảo quy định hoàn thuế GTGT
-
Giá vàng hôm nay (25/10): Tăng trở lại
-
Giá vàng hôm nay (24/10): Thị trường thế giới giảm trước áp lực chốt lời
-
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Tạo cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
-
Giá vàng hôm nay (23/10): Đồng loạt tăng