Công khai trẻ em bị lạm dụng tình dục: Lợi bất cập hại
Nỗi lo của toàn xã hội
Theo số liệu thống kê từ năm 2011-2015, cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%) và gia tăng xâm hại tình dục nam. Năm 2011, có 1.000 đối tượng, bị bắt đến năm 2015 số đối tượng tăng thêm 400 đối tượng. Tổ chức Action Aid tại Việt Nam còn công bố có tới 87% phụ nữ ở 2 thành phố là Hồ Chí Minh và Hà Nội từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng.
Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam thì cho rằng, 31% em gái vị thành niên và thanh niên đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng, 13% học sinh tại 30 trường phổ thông của Hà Nội từng bị xâm hại, quấy rối tình dục.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (Csaga) khẳng định con số thực tế các vụ xâm hại trẻ em còn nhiều hơn những con số trên khá nhiều. Nguyên nhân là do có nhiều người từng bị xâm hại nhưng không lên tiếng, có người lên tiếng rồi nhưng sau đó rút lại. Không ít người Việt Nam coi tình dục là vấn đề tế nhị, có quan niệm “chín bỏ làm mười”, hoặc sợ xấu hổ hay sợ bị chê cười…
Thực tế việc xử lý các vụ án xâm hại tình dục trẻ em chưa thực sự nghiêm minh. Xét về mặt cơ sở pháp lý thì đã có đủ chế tài để xử lý các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, song việc thực hiện trên thực tế lại diễn biến khác. Có không ít vụ được giải quyết theo “tình cảm” thỏa thuận, đến thì để “cho qua” khi nạn nhân rút lại lời tố cáo.
“Có không ít người dân không ý thức được sợ nghiêm trọng của vụ việc. Họ cứ “bỏ qua” hết vụ này vụ khác. Và thay vì giải quyết vụ việc theo pháp luật hình sự, nhiều người đồng tình với các thương lượng dân sự. Điều này đôi khi thành ra tác dụng ngược, tiếp tục dung túng cho tội ác. Mà không chỉ ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, ngay tại đồng bằng, thậm chí thành phố lớn người dân cũng chưa có ý thức cao về vấn đề này”- Bà Vân Anh nhấn mạnh.
Và bà cho rằng, bất luận trong trường hợp nào các vụ xâm hại tình dục cũng phải được đưa ra ánh sáng, nhưng không làm tổn thương nạn nhân. Quan điểm của bà là cần phải truyền thông đến cộng đồng, để mọi người biết hỗ trợ, cảm thông và thấu hiểu các nạn nhân thay vì trách cứ hay chê cười họ. Kẻ đáng lên án phải là người gây ra chuyện.
TS Tâm lý học Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam: Quá nhiều hệ lụy
PV: Là một chuyên gia tâm lý, thưa bà, chắc đã có không ít bệnh nhân là nạn nhân lạm dụng tình dục đã được bà điều trị?
TS Nguyễn Thị Kim Quý: Nhiều trường hợp là trẻ em bị lạm dụng tình dục đã được cha mẹ đưa đến gặp tôi để điều trị. Và thật buồn lòng khi ngày càng nhiều trẻ bị lạm dụng tình dục, đặc biệt ở lứa tuổi ngây thơ không biết gì.
PV: Việc điều trị đối với nạn nhân của lạm dụng tình dục có gặp khó khăn gì không, thưa bà?
TS Nguyễn Thị Kim Quý: Không phải khó khăn mà là… cực kỳ khó khăn. Bởi các nạn nhân bị lạm dụng tình dục gần như phải điều trị cả đời về tâm lý do sự hoảng loạn, ám ảnh luôn đeo bám các nạn nhân. Người ta cứ tưởng rằng, đối với trẻ nhỏ sau khi thoát khỏi nạn bị lạm dụng tình dục sẽ quên ngay không còn nhớ gì, nhưng thực tế điều đó ẩn chứa trong tâm hồn các em đến một giai đoạn đủ nhận thức để hiểu hành vi mà các em chịu đựng là gì các em sẽ thấy đau đớn, tổn thương.
Mà đau đớn, tổn thương đó không bùng nổ ra ngoài để có thể làm cho các nạn nhân bị lạm dụng tình dục nguôi ngoai, vơi đi nỗi buồn mà âm thầm đốt cháy, dằn vặt tâm hồn, tinh thần của họ, đặc biệt là những khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Tôi đã từng điều trị cho gần chục bệnh nhân như vậy. Thường ngày, vì phải mưu sinh, vì sự bận rộn trong công việc họ có thể quên đi chốc lát hành vi đã khiến họ thành nạn nhân. Nhưng khi bị stress, lập tức họ bị sốc như sự việc họ phải chịu đựng như mới vừa xảy ra chứ không phải trong quá khứ.
PV: Cụ thể trường hợp đó như thế nào, thưa bà?
TS Nguyễn Thị Kim Quý: Có một nạn nhân gặp khó khăn trong cuộc sống và khó khăn đó hoàn toàn không liên quan đến việc bị lạm dụng tình dục mà họ từng chịu đựng. Vậy mà tâm lý của nạn nhân lúc ấy hoảng loạn ngay, sợ hãi bao trùm lên tinh thần đến mức sức khỏe suy sụp y như cảm giác nạn nhân bị lạm dụng tình dục. Những khi như vậy, sự việc cũ lại ùa về choán hết suy nghĩ, tâm can họ làm cho “nội lực” vốn đang được khôi phục dần dần từ sau sự việc xảy ra với nạn nhân tan biến hết. Họ lại mong manh, yếu đuối, tổn thương đến tan vỡ. Nạn nhân gặp tôi trong tình trạng không một chút “sinh khí” trong tinh thần.
Thậm chí, họ sợ đàn ông, sợ cả chồng mình có thể chỉ qua một hành vi đơn giản là nói chuyện. Với chuyên môn và kinh nghiệm điều trị của mình, tôi lại lên “dây cót” cho nạn nhân. Và sự lên “dây cót” này phải xác định thực hiện suốt cuộc đời cho họ. Có một trường hợp thì lại hơi khác một chút là luôn bị dằn vặt bởi đã giấu chồng sự việc cô bị lạm dụng tình dục.
Cái cảm giác mà cô cho rằng lừa dối, không thành thật với chồng đó cứ ám ảnh, day dứt cô mỗi ngày, cả khi “đầu gối tay ấp” với chồng. Cô không thoải mái trong quan hệ hôn nhân, đầy gượng ép, căng thẳng đến nỗi tinh thần cô như bị tra tấn mỗi ngày. Cô lại đến gặp tôi (tính từ sau lần đầu tiên trị tâm lý) để “xả”, để tìm một “chiếc cọc” neo đậu phần nào tâm hồn đang chới với như người chết đuối. Người bị lạm dụng tình dục có một đặc điểm chung ở chỗ, khi nói ra được suy nghĩ, căng thẳng của họ thì họ nhẹ lòng được một chút.
Nếu người chia sẻ lại định hướng, đưa ra được cho họ một giải pháp để giải quyết “vấn đề” của họ thì họ lại có thể bình tĩnh để sống tiếp. Nhưng để có thể lấy lại được sự bình tĩnh đó thì sự hoảng loạn trải qua trước đó của họ tôi có thể nói là rất kinh khủng. Nó làm những nạn nhân bị lạm dụng tình dục xơ xác về mặt tâm hồn do không có niềm tin.
Cuộc sống không có niềm tin là cuộc sống vô vọng! Cho nên nạn nhân bị lạm dụng tình dục mà không chia sẻ được với ai, không điều trị tâm lý thì rất dễ bị trầm cảm mà trầm cảm nặng thì thường nghĩ đến cái chết.
PV: Những nạn nhân lạm dụng tình dục trên, thưa bà có ai trong số họ công khai sự việc trên các phương tiện truyền thông?
TS Nguyễn Thị Kim Quý: Tất cả những nạn nhân mà tôi điều trị không có người nào cùng với sự việc của họ được đăng tải lên trên mặt báo. Bình thường đối với một nạn nhân bị lạm dụng tình dục, tâm lý của họ vốn đã hoảng loạn, nếu đưa công khai lên các phương tiện truyền thông thì càng hoảng loạn nữa. Giống như thêm một đòn chí tử về tâm lý.
Có thể ngay lúc ấy không hoảng loạn nhưng sau này khi lớn lên như tôi đã nói đủ nhận thức thì lúc đó, tâm lý của các em không bình thường - nơm nớp sợ hãi. Áp lực dư luận tạo nên khủng hoảng như vậy cho các nạn nhân do hiểu một cách đơn giản, việc liên quan đến tình dục vốn được coi là chuyện phòng the kín đáo. Nhưng giờ vụ việc được đăng tải trên mặt báo, dù không đăng tên tuổi nhưng lại công khai địa chỉ của nạn nhân - một cách báo chí hay làm thì cũng khiến nhiều người biết đến.
Nhiều người biết, sẽ tạo áp lực cho nạn nhân, nhất là trong hoàn cảnh bị lạm dụng tình dục hoặc bị hãm hiếp. Bởi chỉ cần một bàn tán, xì xào nhỏ rằng “con bé kia đã từng bị lạm dụng tình dục đấy” hay “con bé kia đã từng bị làm nhục” là lập tức nạn nhân có “phản xạ có điều kiện” ngay là tổn thương, đồng thời “co” mình vào trước xã hội. Có người còn không dám lấy chồng hoặc vì điều đó mà không ai dám kết hôn với họ. Cho nên, việc công khai tên tuổi hoặc địa chỉ của nạn nhân bị xâm hại tình dục nói chung dẫn đến cho họ nhiều phiền phức.
PV: Nhưng có người cho rằng, nếu không công khai vụ việc ra ánh sáng với cả tên tuổi nạn nhân thì không thể răn đe những đối tượng có ý định thực hiện hành vi như vậy. Ý kiến của bà như thế nào về vấn đề này?
TS Nguyễn Thị Kim Quý: Vấn đề là do cách làm chứ không phải việc có làm hay không. Theo tôi, có thể làm nhưng không ảnh hưởng đến cuộc sống, tương lai của nạn nhân và phải xử lý được đối tượng gây án. Có không ít ông bố, bà mẹ đến nhờ tôi tư vấn nên hay không nên công khai tất tần tật mọi chuyện lên báo. Tôi phân tích rõ với họ 2 mặt của một vấn đề, họ có thể thỏa mãn với việc làm dấy lên sự phẫn nộ đối với thủ phạm nhưng mặt khác, con cái họ sẽ ảnh hưởng rất nhiều về tâm lý nếu công khai tất cả thông tin lên báo, trừ khi với Cơ quan Công an.
Tuy nhiên, ở đây tôi cũng muốn đề nghị Cơ quan Công an nên yêu cầu các cơ quan báo chí không được đưa tên, ảnh (kể cả làm mờ mặt nạn nhân), địa chỉ của nạn nhân. Bởi chỉ một trong những thông tin đó thôi cũng có thể làm nạn nhân bị “nhận diện” và gây áp lực sau này của họ.
Luật sư Đặng Xuân Cường, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: Công khai nạn nhân là phạm luật
PV: Là luật sư, ông có thể cho biết việc công khai hình ảnh hoặc tên tuổi… của trẻ bị xâm hại tình dục có bị coi là vi phạm pháp luật không?
Luật sư Đặng Xuân Cường: Hình ảnh, tên tuổi của trẻ bị xâm hại tình dục là những thông tin thuộc bí mật đời tư của trẻ em. Đối với bí mật đời tư thì Điều 38 Bộ luật Dân sự đã quy định như sau:
1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền…
Như vậy trường hợp tự ý công khai hình ảnh hoặc tên tuổi của trẻ bị xâm hại tình dục là vi phạm quy định của pháp luật.
PV: Tuy nhiên, việc chấp nhận, thậm chí tự nguyện công khai hình ảnh con cháu bị xâm hại tình dục lên báo chí lại được xem là giải pháp phòng ngừa, răn đe hành vi này?
Luật sư Đặng Xuân Cường: Tôi cho rằng, việc công khai hình ảnh trẻ em bị xâm hại tình dục lên các phương tiện truyền thông bất luận trong trường hợp nào cũng là không nên. Bởi lẽ, việc bị xâm hại tình dục đã là một nỗi đau khó xóa mờ trong tâm trí của mỗi trẻ em. Những người lớn chúng ta phải có trách nhiệm làm vơi, làm quên đi nỗi đau này cho các em. Do vậy, khi công khai những hình ảnh, tên tuổi của những trẻ em này lên các phương tiện thông tin đại chúng thì một lần nữa khơi lại và khoét sâu hơn nữa vào nỗi đau của các em. Điều này ảnh hưởng nặng nề tới sự phát triển bình thường của các em.
Còn nếu để nói rằng, công khai hình ảnh trẻ em bị xâm hại tình dục lên các phương tiện thông tin đại chúng để đạt mục đích răn đe, phòng ngừa tội phạm thì đây là một cái nhìn phiến diện, bởi lẽ để đạt mục đích răn đe, phòng ngừa tội phạm thì chúng ta đã có một loạt giải pháp về pháp luật mà không cần thêm đến việc công khai hình ảnh, thông tin về trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cũng cần nói thêm rằng, chính vì tính nhạy cảm của các vụ án liên quan tới xâm hại tình dục thì trong việc khởi tố, nhà làm luật cũng dành cho người bị hại một đặc quyền, đó là để cho người bị hại lựa chọn việc có yêu cầu khởi tố hay không khởi tố vụ án (khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại). Vì việc khởi tố vụ án hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện tội phạm trong trường hợp này mặc dù có góp phần giữ vững kỷ cương, pháp luật nhưng có thể lại gây thêm những tổn thất về tinh thần cho người bị hại.
Đến giai đoạn xét xử, các phiên tòa liên quan tới việc xâm hại tình dục cũng thường được xét xử kín nhằm bảo vệ danh dự, nhân phẩm cho nạn nhân. Do vậy, chúng ta cần có một nhận thức thống nhất rằng trong mọi trường hợp thì quyền con người, bí mật đời tư phải được đặt lên hàng đầu.
PV: Thưa ông, phải chăng người dân muốn công khai để răn đe, phòng ngừa nạn lạm dụng tình dục như ông vừa nói nhưng còn nhiều bất cập, lỗ hổng, khiến cho người dân khá hoang mang?
Luật sư Đặng Xuân Cường: Trong những năm gần đây ở Việt Nam, tình hình tội phạm liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em đang có xu hướng gia tăng về số lượng. Đi đôi với việc kinh tế và xã hội của đất nước ngày một phát triển, qua đó nâng cao và cải thiện đời sống của người dân thì đã xuất hiện nhiều hành vi phạm tội kiểu mới mà nạn nhân là trẻ em. Trẻ em bị xâm hại tình dục cũng không chỉ dừng lại trẻ em nữ mà còn mở rộng sang đối tượng là trẻ em nam. Đối tượng phạm tội cũng mở rộng gồm cả những người đồng tính.
Trong khi đó, Bộ luật Hình sự hiện hành đã được Quốc hội ban hành và thực thi được gần hai thập niên, do vậy không tránh khỏi việc bộc lộ nhiều điểm bất cập so với tình hình thực tế hiện nay. Cụ thể: Theo quy định Điều 115, 116 Bộ luật Hình sự thì chủ thể thực hiện tội phạm, các quy định về hành vi giao cấu và dâm ô với trẻ em theo quy định nhà làm luật mới chỉ xác định trách nhiệm hình sự với người đã thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên).
Những người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội này thì không có căn cứ xử lý. Tuy nhiên, trong thực tế lại có rất nhiều vụ phạm tội mà đối tượng phạm tội thuộc nhóm tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm này.
Một điểm khác nữa, hiện nay quy định của Bộ luật Hình sự không xác định các trường hợp nạn nhân là nam, dẫn tới việc xử lý hình sự với các vụ xâm hại tình dục trẻ em nam trở nên không đủ căn cứ pháp lý. Do vậy, trong hầu hết các trường hợp thì các hành vi nghiêm trọng như hiếp dâm, cưỡng dâm trẻ em chỉ phải chịu hình phạt tương ứng với hành vi dâm ô với mức hình phạt cao nhất chỉ là 12 năm.
PV: Vậy để giải quyết tình trạng tội phạm liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng, theo ông cần có những giải pháp gì, nhất là khi chưa điều chỉnh bổ sung những điểm còn bất cập trong luật?
Luật sư Đặng Xuân Cường: Trong khi chưa điều chỉnh hoặc bổ sung những điểm còn thiếu, sửa đổi những điều bất cập trong luật thì theo tôi chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau: Một là, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em và các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội liên quan tới trẻ em.
Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật này nhằm mục đích để đông đảo người dân nắm được những quy định của pháp luật về quyền của trẻ em cũng như những chế tài hà khắc của pháp luật mà người phạm tội phải gánh chịu khi thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Đây cũng là một biện pháp phòng ngừa từ xa các hành vi phạm tội đối với trẻ em.
Hai là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo vệ trẻ em bằng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động xâm hại tình dục và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết là một biện pháp cần làm. Khi bị xâm hại tình dục, nạn nhân và gia đình cần trình báo ngay cho Cơ quan Công an để được hỗ trợ tư vấn, giải quyết, tránh để lọt tội phạm. Quan trọng nhất, gia đình cùng nhà trường cần giáo dục, trang bị kỹ năng sống cho các em; phổ biến những kiến thức về giới tính một cách khéo léo, lành mạnh..
Ba là, nâng cao việc thực thi pháp luật trên trong thực tế bằng việc kịp thời phát hiện hành vi phạm tội, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Theo số liệu của một nghiên cứu về “thành phố an toàn” khảo sát tại 30 trường ở TP Hà Nội tỷ lệ học sinh từng bị xâm hại tình dục lên tới 13%. Nghiên cứu tại TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và Hà Giang cũng đưa ra tỷ lệ tương tự. Điều này cho thấy, ở bất kỳ đâu trẻ em cũng là “miếng mồi ngon” của những kẻ muốn xâm hại tình dục và nạn xâm hại tình dục trở thành mối lo của toàn xã hội. |
Tú Anh
Năng lượng Mới 556
-
Máy lọc nước nóng lạnh Karofi: Nâng tầm tiện nghi cho gia đình Việt
-
Người trẻ đua nhau làm việc tự do vào ban đêm: Năng động hay hại sức khỏe?
-
Khám bệnh và tặng quà gia đình chính sách tại Quảng Bình
-
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu
-
Long Châu nỗ lực từng ngày để hoàn thiện, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ
- Tử vi ngày 25/10/2024: Tuổi Thìn phát huy tài lẻ, tuổi Thân tiến triển tích cực
- Tử vi ngày 24/10/2024: Tuổi Tý quý nhân che chở, tuổi Ngọ tài lộc rực rỡ
- Tử vi ngày 23/10/2024: Tuổi Dần phát huy tiềm năng, tuổi Dậu cơ hội phát triển
- Tử vi ngày 22/10/2024: Tuổi Tỵ cải thiện thu nhập, tuổi Tuất phát huy điểm mạnh
- Tử vi ngày 21/10/2024: Tuổi Sửu trải nghiệm mới mẻ, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 20/10/2024: Tuổi Dần tính toán tài tình, tuổi Thân thận trọng lời nói
- Tử vi ngày 18/10/2024: Tuổi Mão mở rộng ngoại giao, tuổi Ngọ nắm bắt cơ hội
- Tử vi ngày 17/10/2024: Tuổi Tý công danh thăng tiến, tuổi Thìn rắc rối bất ngờ