“Con đường tranh gốm” độc nhất Thủ đô
Nằm ẩn mình trong con ngõ nhỏ thuộc phố Duy Tân, con đường tranh gốm dài khoảng 200m của cư dân ngõ 28 toát lên khung cảnh hồn quê dất Việt. Vẻ đẹp của các bức tranh khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc, thậm chí coi đây là “con đường gốm sứ” thứ hai của Hà Nội, sau “con đường gốm sứ” dài kỷ lục tại quận Long Biên.
Bà Vũ Thị Bắc (số nhà 37), người đưa ra ý tưởng độc đáo về "con đường tranh gốm" |
Bà Vũ Thị Bắc (SN 1960) nảy sinh ý tưởng xây dựng “con đường gốm” khi tình trạng dán tờ rơi, phun sơn quảng cáo trở thành “vấn nạn” của nhiều nơi trong thành phố, trong đó có con ngõ thuộc tổ dân cư 28.
Bà Bắc kể: "Dù rất lưu tâm trông coi, giữ gìn nhưng bức tường trước cửa nhà luôn xuất hiện những hình ảnh, chữ viết nhem nhuốc, cẩu thả. Nào là khoan cắt bê tông, thông tắc bể phốt, gia sư sư phạm, thậm chí là rao bán thuốc trị hôi nách… Không ai có thể suốt ngày ngồi trông những người đi dán quảng cáo rao vặt nên nhiều lần, tổ dân phố vừa làm sạch bức tường vào buổi sáng thì đến tối người ta lại dán chằng chịt. Bóc đi bóc lại, tôi nảy ra ý tưởng làm những bức tranh nổi bằng gốm nghệ thuật. Một bức tranh như thế sẽ hạn chế những người đi dán quảng cáo, rao vặt bôi bẩn lên tường, mà cảnh quan trước cửa nhà cũng sinh động, đẹp mắt hơn".
Nghĩ là làm, năm 2014 bà Bắc tìm thợ ghép gốm, trình bày ý tưởng, chọn chủ đề thể hiện rồi tìm gặp các hộ dân trong khu "trình bày" về ý tưởng của mình, thuyết phục mọi người hưởng ứng. "Tôi vận động, trình bày với các hộ gia đình trong khu phố, làm đẹp cho bức tường không chỉ để ngăn sự vô ý thức của quảng cáo, rao vặt mà còn có thêm nhiều lợi ích khác thì được mọi người trong ngõ ủng hộ, cùng đóng góp kinh phí để làm".
Bức tường được chia thành hai phần, phần trên là các bức tranh khổ lớn về phong cảnh non nước, làng quê hoặc đàn cá…; bên dưới là các bức nhỏ hình hoa sen. Tất cả các bức tranh đều có màu chủ đạo là nâu đỏ, nổi bật trên nền tường màu trắng, vô cùng độc đáo và đẹp mắt.
Mỗi bức tranh gốm sẽ là một câu chuyện truyền thống về cội nguồn, dân tộc nên mang ý nghĩa giáo dục rất lớn. Qua đây, trẻ nhỏ trong khu phố có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với những hình ảnh di tích lịch sử, biểu tượng văn hóa của đất nước hay khung cảnh làng quê, với con trâu, cây tre, ao cá... - điều không phải trẻ thành phố nào cũng có điều kiện tiếp cận.
Những bức tranh gốm thể hiện cuộc sống sinh hoạt của làng quê Việt. |
Hình ảnh người nông dân đi cấy được tái hiện rất sinh động. |
“Trẻ nhỏ lớn lên ở thành phố ít biết đến cảnh sinh hoạt của người nông dân, không biết cái cày, cái cuốc ra làm sao… Có những bức tranh này, chiều chiều, ông bà, bố mẹ dẫn con cháu ra chơi và chỉ cho chúng về những bức tranh cũng là cách giáo dục rất tốt” - bà Bắc nói.
Phong cảnh hữu tình... đậm chất làng quê Bắc bộ. |
Bức tranh mang ý nghĩa vinh quy bái tổ. |
Những bức tranh gốm đã làm thay đổi diện mạo của con ngõ so với trước kia. |
Bà Bùi Thị Sinh, tổ phó tổ dân phố 28, chia sẻ, sau khi con đường được hoàn thành, bị thu hút bởi vẻ đẹp và sự hoành tráng của các bức tranh gốm, không ít người đã tìm đến đây để ngắm, để chụp ảnh. Người dân trong khu vực vẫn thường gọi con ngõ này là "đường gốm có một không hai".
Trong thời gian sắp tới, các hộ dân sẽ tiếp tục hoàn thiện tất cả những phần còn trống trên bức tường. Mong muốn của tổ là biến bức tường trở thành một bức tranh gốm đồng bộ, độc đáo và sinh động.
Nguyễn Hoan
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới