Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Có thể hạ nhanh lãi suất?

09:56 | 04/03/2012

Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc giảm lãi suất hiện nay đang là bài toán khó đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bởi để giảm lãi suất, theo các chuyên gia, NHNN cần xử lý mấy vấn đề quan trọng bao gồm: lạm phát, thanh khoản hệ thống ngân hàng và tỉ giá.

Dấu hiệu tích cực

Theo lý thuyết, việc giảm lãi suất phải trên cơ sở lạm phát giảm và rõ ràng điều kiện này đã xuất hiện tín hiệu tích cực dần dần thỏa mãn khi mà lạm phát đang có dấu hiệu đi xuống rõ rệt trong những tháng gần đây. Cụ thể chỉ số CPI theo năm đã giảm liên tục trong 6 tháng qua và dừng ở mức 16,44% vào tháng 2/2012. Xu hướng giảm lạm phát đã thể hiện rõ nhưng thực tế lạm phát ở Việt Nam vẫn đang duy trì ở mức hai con số, được đánh giá là mức cao so với khả năng chịu đựng của nền kinh tế. Do vậy, kiểm soát và hạ thấp lạm phát vẫn phải là ưu tiên hàng đầu trong chính sách kinh tế hiện nay, khi mà cái gốc của lạm phát vẫn chưa được giải quyết, đó là hiệu quả của nền kinh tế đang ở mức thấp, đặc biệt là hiệu quả của khu vực doanh nghiệp Nhà nước và hiệu quả hoạt động chi tiêu ngân sách.

Bên cạnh đó, sự biến động giá của các hàng hóa cơ bản như xăng dầu, điện, lương thực, thực phẩm có thể tạo chi phí đẩy, nhanh chóng gây tác động đến lạm phát. Như vậy, mặc dù lạm phát đang có xu hướng giảm rõ rệt nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát ở mức cao. Vì vậy, trong khi chờ hiệu quả của chính sách tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước và cải thiện hiệu quả chi tiêu ngân sách nhằm trị tận gốc căn bệnh “lạm phát kinh niên” ở Việt Nam, chính sách tiền tệ vẫn là phương thuốc hàng đầu trong việc hạ cơn sốt lạm phát một cách nhanh chóng. Nói cách khác, việc hạ lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay cần phải được cân nhắc thận trọng nhằm tránh trường hợp bùng phát trở lại của lạm phát.

Trong hệ thống ngân hàng, nếu thanh khoản kém sẽ là trở lực hàng đầu cho việc giảm lãi suất. Một khi các NHTM nhỏ vướng trong vấn đề thanh khoản sẽ lách luật tăng lãi suất huy động lên 17-18%/năm sẽ cản trở việc giảm lãi suất. Do vậy, NHNN phải giải quyết vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng mà không thể bơm thêm tiền.

Cam kết giữ tỉ giá trong phạm vi 3% trong năm 2012 của NHNN là một áp lực lớn trong việc giảm lãi suất tiền đồng. Việc giảm lãi suất tiền vay và cho vay cũng đồng nghĩa với thu hẹp mức chênh lệch lãi suất này sẽ làm cho tiền đồng trở nên kém hấp dẫn hơn, khi đó, với mức lạm phát vẫn cao như hiện nay thì mục tiêu kìm giữ tỉ giá sẽ khó đạt được.

Giải pháp và hiệu quả

Theo Hiệp hội Các nhà tài chính Việt Nam (VAFI) có thể thực hiện các giải pháp để hạ nhanh lãi suất cho vay xuống dưới mức 10%/năm.

Trước hết, việc hạ dần lãi suất cho vay, từ đó sẽ điều chỉnh trần lãi suất huy động. Tuy nhiên cách thức này lãi suất cho vay có thể sẽ giảm nhưng rất chậm. Dự báo tới cuối năm 2012, lãi suất cho vay sẽ dao động từ 14-18%, phổ biến sẽ ở mức từ 15-17%. Mức lãi suất này vẫn cao đối với doanh nghiệp.

Một cách khác là giảm ngay lãi suất huy động đối với tổ chức gửi tiền xuống mức 11%/năm. Theo các chuyên gia, lượng tiền gửi trong các tổ chức tín dụng chiếm tỉ lệ từ 40-55% tổng lượng tiền gửi. Việc giảm ngay lãi suất với đối tượng này không ảnh hưởng nhiều đến huy động vốn của hệ thống NHTM, cũng như không tác động tới thị trường ngoại tệ. Ngoài ra cần khống chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ và vàng miếng ở mức không quá 1%/năm nhằm làm tăng sức hấp dẫn đối với tiền gửi VND, thúc đẩy tiến trình bán vàng ngoại tệ cho khối ngân hàng thương mại. NHNN cần áp đặt trần lãi suất cho vay không quá 18%/năm và giảm dần lãi suất tiền gửi của dân cư, và hạ tiếp trần lãi suất cho vay. Cách làm này, theo VAFI đến cuối năm 2012, lãi suất cho vay sẽ là từ 12-16%, phổ biến sẽ ở mức từ 14-15%. Theo các chuyên gia, nhóm giải pháp này có thể giúp hạ nhanh lãi suất cho vay về dưới 10%/năm.

TS Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, định hướng giảm lãi suất là rất tốt, hiện nay không chỉ cộng đồng doanh nghiệp mong chờ lãi suất đi xuống. Những đề xuất trên cần phải xác định thêm các vấn đề nảy sinh khi áp dụng, tác động của nó đến hoạt động của các ngân hàng như thế nào rồi mới nghiên cứu triển khai chứ không thể áp dụng ngay lập tức.

Vẫn còn cản ngại

Tuy nhiên Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, nếu quy định trần lãi suất cho vay thì sẽ dẫn tới hiện tượng cào bằng trong hoạt động cho vay của các ngân hàng đối với các doanh nghiệp, không phân biệt được doanh nghiệp hoạt động tốt, doanh nghiệp hoạt động xấu, loại hình doanh nghiệp cần ưu tiên phát triển và công tác điều hành của NHNN sẽ gặp khó khăn.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), nếu như giai đoạn 2002-2007, tăng trưởng luôn duy trì ở mức trung bình 8%/năm, lạm phát bình quân 6,5%/năm với miền dao động từ 3,1-8,3% thì giai đoạn 2008-2011, tăng trưởng chỉ đạt 6% nhưng lạm phát trung bình là 14,4%/năm và biên độ giao động từ 6,9% lên tới 23%.

Bởi vậy, nhiều chuyên gia cảnh báo năm 2012 kế thừa rất nhiều “di sản” tồi tệ của 4 năm trước đó, đồng thời đặt ra không ít thách thức lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó có vấn đề lãi suất. Lạm phát có thể giảm xuống dưới 10% nhưng lãi suất vẫn cao và điều này tiếp tục gây ra vô số khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, từ góc độ của hệ thống ngân hàng, chi phí cho các khoản nợ xấu và nhu cầu dự trữ thanh khoản sẽ đẩy khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay ra lên cao. Do đó, trong lúc này, nếu tiếp tục kìm nén lãi suất tiền gửi có thể không phát huy được tác dụng làm giảm lãi suất cho vay.

Bài toán hạ lãi suất thu hút mối quan tâm lớn của toàn xã hội, nhưng trong chiến lược tái cơ cấu hệ thống, NHNN buộc phải hành động để hạ nhanh lãi suất.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, cần tái cấp vốn và giám sát dòng vốn này đi đúng địa chỉ mà mục tiêu chính là giải quyết thanh khoản để hỗ trợ sản xuất. Hai, nên tăng dự trữ bắt buộc, tạo nguồn cho NHNN điều hòa vốn từ ngân hàng dư thừa sang ngân hàng thiếu vốn. Ba, mở rộng cơ chế cho phép các ngân hàng kinh doanh vàng tài khoản để sử dụng nguồn vốn từ vàng bổ sung cho thanh khoản của hệ thống. Cuối cùng, khi có điều kiện thích hợp như kỳ vọng lạm phát giảm mạnh, lạm phát được kiểm soát thì có thể bỏ trần lãi suất huy động và giảm lãi suất tiền vay từ sau quý II/2012.

Thụy Hương